Chủ nhãn bia Sagota lên sàn sau 4 năm thua lỗ

Theo thông báo của Sở Giao dịch Chứng khoán Hà Nội (HNX), 87,5 triệu cổ phiếu SBB của Tập đoàn Bia Sài Gòn Bình Tây sẽ giao dịch trên thị trường UPCoM vào ngày 12/12 tới đây. Giá tham chiếu chào sàn 21.900 đồng/cp, biên độ dao động +-40%.

Với mức giá tham chiếu này, giá trị vốn hóa Sabibeco đạt gần 1.917 tỷ đồng. Giá trị này xếp sau một số công ty bia trên sàn như Sabeco (41.042 tỷ đồng), Habeco (9.086 tỷ đồng), nhưng cao hơn các đơn vị như Bia Sài Gòn - Miền Tây (757 tỷ đồng), Bia Sài Gòn - Miền Trung (1.104 tỷ đồng).

Với vị thế có thể giao nhập top đầu trong các công ty thuộc ngành hàng bia/nước giải khát trên sàn, Bia Sài Gòn Bình Tây do ai sở hữu và kinh doanh ra sao?

Quá trình tăng vốn của Tập đoàn Bia Sài Gòn Bình Tây

Quá trình tăng vốn của Tập đoàn Bia Sài Gòn - Bình Tây. Nguồn: Diệu Nhi tổng hợp.

Theo cáo bạch, Tập đoàn Bia Sài Gòn Bình Tây được thành lập năm 2005 với số vốn ban đầu là 90 tỷ đồng, sau 6 lần tăng vốn, vốn điều lệ hiện tại của công ty là 875,2 tỷ đồng. Sabibeco trở thành công ty đại chúng vào năm 2009.‎

Hoạt động kinh doanh chính của Sabibeco là sản xuất và kinh doanh các sản phẩm bia. Cụ thể, công ty sản xuất gia công các dòng sản phẩm bia của Tổng CTCP Bia rượu nước giải khát Sài Gòn (Sabeco) như Saigon Lager, Saigon Export, Saigon Special và Saigon 333 Export. Ngoài ra, công ty cũng sản xuất và kinh doanh các sản phẩm mang thương hiệu riêng là bia Sagota và nước uống lúa mạch Malty.

Hiện Sabibeco có 5 nhà máy thành viên với tổng công suất đạt 510 triệu lít bia mỗi năm, gồm nhà máy bia Sài Gòn – Hoàng Quỳnh (TP HCM) công suất 100 triệu lít/năm; nhà máy bia Sài Gòn – Bình Dương (tỉnh Bình Dương) công suất 120 triệu lít/năm; nhà máy bia Sài Gòn – Đồng Tháp (tỉnh Đồng Tháp) công suất 50 triệu lít/năm; nhà máy bia Sài Gòn – Ninh Thuận (tỉnh Ninh Thuận) công suất 140 triệu lít/năm; và nhà máy bia Sài Gòn – Phủ Lý (tỉnh Hà Nam) công suất 100 triệu lít/năm.

Ai đang sở hữu Sabibeco?

Cơ cấu cổ đông tại ngày 26/7, Sabibeco có tổng cộng 410 cổ đông (toàn bộ là trong nước), trong đó có 8 cổ đông tổ chức nắm giữ 23,69 triệu cổ phiếu (chiếm tỷ lệ 27,07%) và 402 cổ đông cá nhân nắm giữ 63,83 triệu cổ phiếu (tỷ lệ 72,93%).

Về cổ đông lớn, Sabibeco có 3 cổ đông lớn gồm Tổng CTCP Bia rượu nước giải khát Sài Gòn (Sabeco, mã: SAB) sở hữu 14,37 triệu cổ phiếu, tỷ lệ 16,42%; bà Nguyễn Thị Hạnh (vợ Chủ tịch Sabibeco) sở hữu 6,49 triệu cổ phiếu, tỷ lệ 7,42%; và CTCP Rượu Bình Tây sở hữu 5,52 triệu cổ phiếu, tỷ lệ 6,31%.

Hội đồng quản trị Sabibeco gồm có 7 thành viên, gồm ông Văn Thanh Liêm – Chủ tịch HĐQT (đang nắm giữ 4,32 triệu cổ phiếu, tỷ lệ 4,94%); ông Văn Thảo Nguyên – Phó Chủ tịch HĐQT đồng thời là con trai ông Văn Thanh Liêm (nắm giữ 3,27 triệu cổ phiếu, tỷ lệ 3,74%); 3 Thành viên HĐQT không điều hành là ông Nguyễn Tiến Dũng, ông Đinh Văn Thuận và ông Phạm Tấn Lợi; 2 Thành viên HĐQT là ông Đinh Quang Hải và ông Đặng Thái.

Cấu trúc cổ đông củaTập đoàn Bia Sài Gòn - Bình Tây. Nguồn: Diệu Nhi tổng hợp.

Hoạt động kinh doanh Sabibeco ra sao?

Về hoạt động kinh doanh, Sabibeco tăng trưởng mạnh doanh thu năm 2018 và 2019 nhưng đi xuống kể từ khi đại dịch COVID-19 nổ ra. Mặc dù quy mô doanh thu tăng nhưng hiệu quả kinh doanh suy giảm từ năm 2015 khi biên lãi ròng liên tục thu hẹp và Bia Sài Gòn Bình Tây báo lỗ trong những năm gần đây.

Công ty ghi nhận lỗ sau thuế hợp nhất trong ba năm liên tiếp 2020 - 2022. Cụ thể, công ty lỗ 107 tỷ đồng năm 2020, 80 tỷ đồng năm 2021 và mức lỗ năm 2022 đã được thu hẹp mạnh xuống còn gần 3,5 tỷ đồng.

Sang đến 9 tháng đầu năm 2023, tổng doanh thu thuần hợp nhất của Sabibeco đạt 1.546 tỷ đồng, giảm 10,4% so với cùng kỳ năm 2022. Công ty cho biết kết quả kinh doanh tăng trưởng không thuận lợi so với 9 tháng đầu năm 2022 là do lượng tiêu thụ của thị trường tiếp tục suy yếu trong bối cảnh Nghị định 100 có dấu hiệu siết chặt tại các thành phố trọng điểm, kết hợp với bất ổn kinh tế toàn cầu và tiêu dùng chậm lại.

Đóng góp lớn nhất trong doanh thu thuần hợp nhất 9 tháng năm 2023 của Sabibeco tiếp tục là hoạt động bán thành phẩm (chiếm tỷ trọng 89,74%) và bán hàng hóa (8,54%). Tỷ trọng hai mảng kinh doanh này của công ty không có sự thay đổi đáng kể trong giai đoạn 2021 – 2022.

Kết quả là, Tập đoàn Sài Gòn Bình Tây báo lỗ sau thuế 9 tháng đầu năm nay 71,9 tỷ đồng trong khi cùng kỳ năm ngoái lãi ròng 28,4 tỷ đồng.

Kết quả kinh doanh của Bia Sài Gòn Bình Tây. Nguồn: Diệu Nhi tổng hợp.

Năm 2023, công ty dự báo nhu cầu tiêu thụ bia có thể giảm do áp lực giảm chi tiêu của người tiêu dùng có thu nhập thấp. Với kết quả kinh doanh lỗ sau 9 tháng đầu năm 2023, Sabibeco cho biết việc hoàn thành mục tiêu lợi nhuận sau thuế năm 2023 là khá khó khăn.

Tuy nhiên, với kế hoạch thúc đẩy doanh thu vào mùa cao điểm quý IV (thời điểm diễn ra các dịp lễ tết), công ty kỳ vọng có thể đem lại lợi nhuận trong quý IV để giảm thiểu lỗ và có lợi nhuận trong năm 2023. 

Mặc dù kinh doanh thua lỗ, Sabibeco duy trì trả cổ tức bằng tiền mặt giống như nhiều công ty bia khác trên sàn. Tỷ lệ chi trả năm 2023 là 5% (cổ đông sở hữu 1 cổ phiếu được nhận 500 đồng). Hai năm trước đó (2021 -2022), công ty cũng trả cổ tức bằng tiền với tỷ lệ 5%.

Xem thêm tại vietnambiz.vn