Chủ thủy điện Châu Thắng ở Nghệ An là ai?
Sở Công Thương (Nghệ An) vừa qua đã có báo cáo kết quả kiểm tra việc vận hành xả lũ của các đập, hồ chứa thủy điện Châu Thắng trong đợt mưa lớn từ ngày 26-27/9.
Đoàn kiểm tra cho rằng, công tác dự báo của nhà máy thuỷ điện Châu Thắng chưa chính xác, còn bị động trong dự báo lưu lượng nước về hồ nên chưa thực hiện được thông báo cảnh báo sớm cho vùng hạ du.
Ngoài ra, nhà máy thực hiện chưa tốt công tác kiểm tra, bảo trì, bảo dưỡng các thiết bị phục vụ cho công tác vận hành dẫn đến xảy ra tình trạng hư hỏng thiết bị quan trắc, giám sát tự động.
Trước đó, huyện Quỳ Châu là địa phương chịu ảnh hưởng nặng nề của đợt mưa lũ trên. Theo thống kê, mưa lũ đã khiến hơn 1.200 ngôi nhà bị ngập sâu từ 1– 5m, trên 5.000 người dân phải di dời; có 3 xã, 6 bản bị cô lập hoàn toàn, 7 điểm trường, nhiều diện tích lúa, hoa màu bị ngập sâu; hơn 1.000 con gia súc, gia cầm bị cuốn trôi... Ước tính thiệt hại gần 180 tỷ đồng.
Danh tính chủ thuỷ điện Châu Thắng
Thủy điện Châu Thắng được xây dựng trên sông Quang, thuộc địa phận xã Châu Thắng, huyện Quỳ Châu và xã Mường Nọc, huyện Quế Phong (Nghệ An) có công suất 14MW, với tổng mức đầu tư gần 450 tỷ đồng. Thuỷ điện này do CTCP Điện lực Trung Sơn làm chủ đầu tư.
Theo tìm hiểu của Nhadautu.vn, CTCP Điện lực Trung Sơn được thành lập vào ngày 10/4/2014, với lĩnh lực hoạt động chính là đầu tư, vận hành các dự án năng lượng tái tạo. Hiện ông Lê Thái Hưng (SN 1976 - Hà Nội) làm người đại diện theo pháp luật kiêm Tổng giám đốc công ty.
Trước đây, Trung Sơn có vốn điều lệ 700 tỷ đồng, đến ngày 13/7/2021, Trung Sơn tăng vốn lên 717,6 tỷ đồng, với 3 cổ đông sáng lập gồm: Ông Thái Phong Nhã 70%CP; ông Thái Sơn 20%CP và bà Thái Thị Ý 10%CP.
CTCP Điện lực Trung Sơn không phải cái tên quá xa lạ khi doanh nghiệp này hiện là công ty mẹ của CTCP Thủy điện Quế Phong và CTCP Thủy điện Sông Vàng.
CTCP Thủy điện Quế Phong là đơn vị quản lý cụm Nhà máy Thủy điện Quế Phong tại Nghệ An, bao gồm Nhà máy thủy điện Bản Cốc (45 MW) và Nhà máy thủy điện Sao Va (3 MW), tuyến đường dây 35/110KV kết nối từ các nhà máy thủy điện về điện lưới quốc gia và trạm biến áp công suất 100 MW. Còn CTCP Thủy điện Sông Vàng là chủ đầu tư dự án Nhà máy thủy điện An Điềm II (15,6 MW) tại tỉnh Quảng Nam.
Danh mục các dự án thủy điện của Trung Sơn tiếp tục nối dài với những dự án Nhà máy thủy điện Bản Cánh (1,5 MW), Nhà máy thủy điện Nậm Cắn 2 (20 MW), Nhà máy thủy điện Châu Thắng (14 MW). Theo giới thiệu, doanh nghiệp này còn đang triển khai 2 dự án tại tỉnh Houa Phan (Lào), bao gồm: Dự án thủy điện Nậm Sum 1A (50 MW), Nậm Sum 3A (48 MW).
Về phía CTCP Thủy điện Quế Phong, trong 9 tháng đầu năm, doanh thu thuần của của công ty này đạt hơn 76,2 tỷ đồng, báo lãi sau thuế hơn 52 tỷ đồng. Theo kế hoạch được thông qua tại ĐHĐCĐ thường niên 2023, Thủy điện Quế Phong thực hiện được 59% mục tiêu doanh thu và 88% kế hoạch lợi nhuận sau thuế.
Tại ngày 30/9, Thuỷ điện Quế Phong có tổng tài sản hơn 502,7 tỷ đồng, trong đó tài sản ngắn hạn hơn 348,2 tỷ đồng; tài sản dài hạn hơn 154,4 tỷ đồng. Bên kia bảng cân đối kế toán, nợ phải trả của Thuỷ điện Quế Phong hơn 81,7 tỷ đồng, vốn chủ sở hữu hơn 420,9 tỷ đồng.
Trong khi đó, sau 9 tháng, CTCP Thủy điện Sông Vàng đạt gần 36 tỷ đồng doanh thu, thấp hơn cùng kỳ 26%; lãi sau thuế ở mức 10,4 tỷ đồng, giảm 58%. Theo đó, Thủy điện Sông Vàng chỉ thực hiện được 62% mục tiêu doanh thu và 42.5% kế hoạch lợi nhuận sau thuế.
Thời điểm cuối quý 3/2023, giá trị tổng tài sản của Thuỷ điện Sông Vàng đạt gần 391 tỷ đồng. Bên kia bảng cân đối kế toán, nợ phải trả của doanh nghiệp này hơn 218,5 tỷ đồng, vốn chủ sở hữu hơn 171,9 tỷ đồng.
Xem thêm tại nhadautu.vn