Chủ tịch ACB Trần Hùng Huy 'đạp gió rẽ sóng' con thuyền Á Châu ra sao?

Xuất phát điểm cao, ông Trần Hùng Huy cũng được xem là một trong những thiếu gia "ngậm thìa vàng" ngay từ khi sinh ra, là con trai cả của ông Trần Mộng Hùng - một trong những sáng lập viên của ngân hàng ACB.

Ông Trần Hùng Huy sinh năm 1978, tốt nghiệp Tiến sỹ Quản trị kinh doanh - Đại học Golden Gate Hoa Kỳ năm 2011 và tốt nghiệp Thạc sỹ Quản trị kinh doanh - Đại học Chapman Hoa Kỳ năm 2002. Ngay sau khi tốt nghiệp Đại học, năm 2002 ông Trần Hùng Huy đã nối nghiệp cha, về làm tại ACB.

Tuy vậy, thay vì chọn "hái quả", ông Trần Hùng Huy chọn con đường tự lực, vào làm tại ngân hàng ACB từ vị trí thấp - chuyên viên nghiên cứu thị trường. Rèn luyện từ những vị trí thấp nhất, tích lũy kinh nghiệm, ông Trần Hùng Huy dần được tiến cử.

Sự nghiệp lẫy lừng của ông Trần Hùng Huy bắt đầu từ năm 2012 sau biến cố rúng động ngành ngân hàng. Lúc đó ACB rơi vào khủng hoảng, loạt cựu lãnh đạo bị khởi tố, bắt tạm giam. Ngân hàng ACB rơi vào thế nguy hiểm khi khó khăn kép cùng với chính sách lúc bấy giờ.

Đây cũng là giai đoạn các ngân hàng TMCP chịu ảnh hưởng bởi một số chính sách chung. Ảnh hưởng lớn nhất với các ngân hàng TMCP thời gian đó là việc Ngân hàng Nhà nước yêu cầu các ngân hàng thương mại phải tất toán và chấm dứt việc huy động vàng từ khách hàng, cho đến việc nguyên Chủ tịch HĐQT ACB Trần Xuân Giá và một số nguyên Phó Chủ tịch lần lượt bị khởi tố, trong đó có ông Nguyễn Đức Kiên.

Ông Nguyễn Đức Kiên (bầu Kiên) một trong những cổ đông sáng lập của ACB, có mặt trong Hội đồng quản trị ACB từ năm 1994, bị tố cáo với 4 tội danh: Kinh doanh trái phép; cố ý làm trái quy định của Nhà nước về quản lý kinh tế gây hậu quả nghiêm trọng; lừa đảo chiếm đoạt tài sản và trốn thuế.

Trước sóng gió, gia đình ông Trần Mộng Hùng trở lại, gánh nặng trọng trách Chủ tịch HĐQT được đặt lên vai người con trai Trần Hùng Huy.

Vị chủ tịch trẻ tuổi Trần Hùng Huy lúc đó cũng đã gắn bó sự nghiệp của mình tại ACB từ năm 2002 khi tốt nghiệp đại học. Đi lên từ vị trí thấp nhất, ông Trần Hùng Huy đã dần chứng minh bản thân, ghi danh vào thành viên HĐQT từ năm 2006 và là Phó Tổng Giám đốc ACB từ 2008.

Lúc đó, ngoài ổn định nhân sự, ACB còn “lo” vấn đề vàng sau quyết định của Ngân hàng nhà nước. Từ mức lãi trăm tỷ của hoạt động kinh doanh ngoại hối và vàng, thì năm 2012 hoạt động này mang về số lỗ 1.863 tỷ đồng. Các năm sau đó hoạt động kinh doanh vàng dược điều chỉnh và đã biến mất hoàn toàn vào năm 2015.

Tiếp quản “ghế nóng” trong bối cảnh ngân hàng gặp khó, tân Chủ tịch Trần Hùng Huy nhìn nhận “năm 2012 có thêm những biến động riêng gây tác động không nhỏ đến hoạt động và cấu trúc nhân sự, đặc biệt là nhân sự điều hành cấp cao. Hệ quả còn phải được tiếp tục nhìn nhận và điều chỉnh, thiệt hại tài chính đã được xác định, thiết lập giới hạn”.

Năm 2012, tổng tài sản ACB giảm từ mức 269.000 tỷ đồng xuống còn gần 163.700 tỷ đồng, và còn giảm tiếp xuống mức 154.100 tỷ đồng vào năm 2013 rồi mới dần tăng lên những năm sau đó.

Báo cáo tài chính năm 2013 cho biết, ACB trích lập dự phòng rủi ro tiền gửi và cho vay tại các ngân hàng khác đã lên đến 394 tỷ đồng (cùng kỳ hơn 15 tỷ đồng). Tỷ lệ nợ xấu cũng tăng mạnh từ 2,5% vào năm 2012 lên 3%, trong đó hơn 2.100 tỷ đồng nợ có khả năng mất vốn.

Trần Hùng Huy lên tiếp quản vị trí Chủ tịch HĐQT khi mới 34 tuổi, và đã nhanh chóng đưa ACB dần vượt qua khó khăn. ACB đã dần tăng trưởng cả về quy mô và lợi nhuận. Từ mức lãi nghìn tỷ, năm 2023 vừa qua ACB lãi trước thuế 20.068 tỷ đồng, tăng trưởng 17,2% so với năm 2022. Mới đây, ngân hàng cũng vừa được vinh danh trong Top 50 doanh nghiệp nộp thuế lớn nhất cả nước.

Nhìn lại chặng đường chèo lái con thuyền Á Châu vượt qua sóng gió của Chủ tịch Trần Hùng Huy
Lợi nhuận trước và sau thuế của ACB từ năm 2008 đến nay

Tính đến cuối năm 2023, tổng tài sản của ngân hàng đạt 719.000 tỷ đồng, tăng 18,2% so với đầu năm. Trong đó, quy mô tín dụng của ACB đạt gần 488.000, tăng 17,9%. Đây là mức tăng trưởng tín dụng cao nhất trong vòng 10 năm trở lại đây.

Quy mô huy động đến cuối năm 2023 của ACB đạt gần 483.000, tăng 16,6% so với đầu năm, cao hơn mức tăng trưởng toàn ngành. Trong đó, tỷ lệ tiền gửi không kỳ hạn (CASA) tăng trưởng mạnh mẽ, ở mức 22% và đứng Top 5 về tỷ lệ CASA toàn ngành.

Như vậy, nhìn lại chặng trường vừa qua, Chủ tịch Trần Hùng Huy đã góp công chèo lái thành công con thuyền Á Châu vượt qua sóng gió. Có thể nói đến bây giờ ACB cũng đang từng bước lấy lại vị thế.

>> Cổ phiếu ACB 'nổi sóng', khối tài sản của Chủ tịch Trần Hùng Huy tăng chóng mặt

Xem thêm tại nguoiquansat.vn