Chủ tịch Chứng khoán SSI đề xuất xây khung pháp lý cho tài sản số để không ai lừa ai, không ai có thể trục lợi
Ngày 3/12, CTCP Chứng khoán SSI phối hợp cùng tập đoàn FPT đã tổ chức sự kiện "Vietnam Tech Impact Summit 2024". Ông Nguyễn Duy Hưng, Chủ tịch Chứng khoán SSI chia sẻ sự kiện sẽ là nơi đưa đến những giải pháp mới về công nghệ để giúp đất nước, doanh nghiệp và các cá nhân cùng nhau phát triển.
Chủ tịch SSI cho biết công nghệ, blockchain, AI, game... trước đây chỉ là những ý tưởng nhưng hiện nay đã đi vào từng ngóc ngách trong mỗi gia đình Việt Nam. Ông Nguyễn Duy Hưng cũng lấy một dẫn chứng từ Forbes rằng người Việt Nam đứng hai thế giới về sở hữu và quan tâm đến tài sản số. Các sàn giao dịch cũng thừa giá trị giao dịch tài sản số của Việt Nam cũng đứng thứ 4 thế giới.
"Tài sản số với người Việt Nam không chỉ còn là ý tưởng mà đã đi vào thực tiễn cuộc sống của từng gia đình. Tuy nhiên, chúng ta lại chưa có khung pháp lý rõ ràng để giúp các doanh nghiệp, các nhà đầu tư yên tâm phát triển. tránh những vụ lừa đảo từ các đối tượng xấu trên không gian mạng" , ông Nguyễn Duy Hưng chia sẻ.
Vị doanh nhân này cho rằng những tài sản hữu hình thì Việt Nam có biên giới, có hải quan để ngăn chặn mang ra nước ngoài. Tuy nhiên tài sản số lại chưa có biên giới đó. Việt Nam chưa có cơ sở pháp lý để giữ tài sản số, để tồn tại, để phát triển trong nước.
Thông qua diễn đàn, ông Nguyễn Duy Hưng muốn kiến nghị các cơ quan quản lý, Chính phủ tạo hành lang pháp lý để tài sản số có thể tồn tại, góp phần phát triển đất nước. Việt Nam cũng cần khung pháp lý để nhà đầu tư hay những người làm ra các sản phẩm công nghệ được bảo vệ và phát triển.
Ngoài ra, ông Hưng cũng cho rằng có một khung pháp lý rõ ràng để các doanh nhân, những nhà khởi nghiệp không phải đi ra nước ngoài thành lập doanh nghiệp sau đó quay về Việt Nam tuyển nhân sự rồi "lò sản xuất" lại ở chính Việt Nam. Doanh nghiệp do người Việt Nam sáng lập lại không phải doanh nghiệp của Việt Nam, tài sản không thuộc về Việt Nam.
"Nhà đầu tư cần cung pháp lý để được pháp luật thừa nhận, bảo vệ và được công khai đóng thuế. Chỉ khi công khai đóng thuế thì những tài sản số đó mới là tài sản sạch. Từ đó không ai mới có thể lừa đảo ai, không ai có thể trục lợi từ ai", ông Nguyễn Duy Hưng khẳng định.
Chủ tịch SSI cũng kiến nghị Chính phủ hỗ trợ khối doanh nghiệp, doanh nhân trong lĩnh vực tài sản số. Ông Hưng cùng ông Trương Gia Bình - Chủ tịch tập đoàn FPT cũng muốn bỏ nhiều tiền để hỗ trợ cộng đồng khởi nghiệp trong lĩnh vực này nhưng cũng không biết làm thế nào để làm được khi chưa có khung pháp lý. Ngoài ra, Việt Nam cũng cần có thêm những sự hợp tác và đầu tư từ nước ngoài.
"Nếu có một khung pháp lý rõ ràng tôi tin rằng với lực lượng trẻ đam mê công nghệ thì chắc chắn Việt Nam sẽ trở thành một trung tâm tài sản số của khu vực. Nhiều quốc gia đã coi tài sản số là một phần không thể thiếu trong lĩnh vực tài chính. Chúng ta cần phải quản lý để thu thuế, để giữ về mình và để con em chúng ta có đất phát triển", ông Nguyễn Duy Hưng nói.
Xem thêm tại cafef.vn