Chủ tịch Chứng khoán VISC: ‘Vốn thấp không thể hoạt động được, chưa nói đến cạnh tranh’

Đại hội đồng cổ đông thường niên năm 2024 của Chứng khoán VISC. Ảnh: HL.

Đại hội cổ đông của Chứng khoán Đầu tư Tài Chính Việt Nam (VISC, Mã: VIG) tổ chức ngày 10/4 có 54 cổ đông tham dự, đại diện cho hơn 23,09 triệu cổ phần, tương đương 51,16% lượng cổ phần có quyền biểu quyết. Tỷ lệ lớn hơn túc số 50% để thực hiện đại hội.

Tại đại hội, ban lãnh đạo đã trả lời câu hỏi của các cổ đông liên quan đến hoạt động của công ty hậu đổi chủ, phương án phát hành riêng lẻ 50 triệu cp với giá 10.000 đồng/cp để bổ sung vốn cho hoạt động margin (400 – 450 tỷ đồng) và tự doanh (50 – 100 tỷ đồng).

Vì sao công ty dự phóng doanh thu mảng môi giới giảm?

Ông Dương Quang Trung, Tổng Giám đốc: Các năm trước dự kiến sang năm 2024 thì công ty phát triển mảng kinh doanh môi giới sẽ có chính sách ưu đãi, giảm giá để thu hút các khách hàng mới. Chính vì vậy, lượng giao dịch tăng, giá trị giao dịch tăng, tuy nhiên với các chương trình khuyến mại, giảm giá, miễn phí giao dịch của công ty, dự kiến doanh thu môi giới giảm. Tuy nhiên, doanh thu từ hoạt động cho vay ký quỹ tốt hơn sau khi công ty được cấp phép hoạt động giao dịch ký quỹ.

Ban lãnh đạo đánh giá về khả năng phát hành thành công trong năm nay?

Ông Dương Quang Trung, Tổng Giám đốc: Việc tăng vốn đối với công ty thực sự là rất cần thiết. Thứ nhất là liên quan đến nguồn vốn cho hoạt động kinh doanh ký quỹ. Thứ hai là tăng vốn để bổ sung thêm nghiệp vụ giao dịch chứng khoán phái sinh. Cho nên việc tăng vốn rất cần thiết.

Đối với việc phát hành của công ty còn phải phụ thuộc vào giá của chứng khoán đang giao dịch trên thị trường. Thứ hai là công ty tìm kiếm nhà đầu tư chiến lược để thực hiện phát hành riêng lẻ bởi vì quy định phát hành riêng lẻ phải phát hành cho nhà đầu tư chứng khoán chuyên nghiệp. Chính vì vậy, khả năng phát hành thành công của công ty tương đối cao bởi vì hiện tại có rất nhiều nhà đầu tư muốn đầu tư vào công ty chứng khoán.

Ông Nguyễn Phúc Long, Chủ tịch Hội đồng Quản trị: Việc công ty dự kiến doanh thu môi giới giảm là nội dung đặc thù của thị trường hiện nay. Hầu hết công ty chứng khoán bây giờ, môi giới để thu hút khách hàng, gần như là miễn phí.

Trên thị trường hiện các công ty chứng khoán lớn có phí môi giới giảm rất mạnh để thu hút khách để cho vay margin, làm dịch vụ tài chính. Lợi nhuận chủ yếu của các công ty chứng khoán là dịch vụ tài chính chứ không phải môi giới như quản lý tài sản, cho vay margin. Công ty chúng ta vừa xây dựng core mới. Thứ hai là, khả năng trong năm nay công ty hoạt động cho vay margin chính thức được hoạt động. Nguồn thu từ cho vay margin là nguồn thu chính của công ty.

Về khả năng phát hành, với công ty chứng khoán hoạt động cốt lõi là margin và nghiệp vụ khác như phái sinh… Với vốn như này thì chắc chắn không hoạt động được. Vốn chắc chắn phải tăng, tăng càng nhanh thì nguồn vốn càng dồi dào. Hiệu quả hoạt động của công ty mới đảm bảo.

Vốn thấp không thể hoạt động được, chưa nói đến cạnh tranh. Đó là hướng phát triển nghiệp vụ cốt lõi, trong những năm tới chúng ta phải tăng vốn.

Còn việc tăng vốn có khả thi? Giá hiện tại trên thị trường là 8.000 đồng/cp, kế hoạch phát hành 10.000 đồng/cp. Việc phát hành với giá 10.000 đồng/cp là bắt buộc, giá trên thị trường khi phát hành thành công thì chắc chắn sẽ tăng lên, cổ phiếu trên thị trường sẽ tăng. Đó là cái thuận lợi ngoài sức mạnh tài chính cho công ty được cải thiện, hoạt động kinh doanh được cải thiện.

Về khả năng phát hành, công ty có thể hướng đến phát hành riêng lẻ. Đối tác tài chính và đầu tư công ty chứng khoán sẵn sàng với giá phát hành 10.000 đồng/cp. Khi đầu tư vào công ty chứng khoán người ta nhìn vào nhà đầu tư chiến lược, không nhìn vào giá thị trường, mà nhìn vào tương lai và khả năng khai thác thị trường của công ty chứng khoán trong dài hạn. Cho nên việc phát hành là hoàn toàn khả thi. Tuy nhiên, còn phụ thuộc vào nhiều yếu tố như thị trường, hoạt động của công ty nhưng khả thi khi phát hành là cao.

Sau khi đổi chủ, ban lãnh đạo xác định lợi thế cạnh tranh của công ty là gì?

Ông Nguyễn Phúc Long, Chủ tịch Hội đồng Quản trị: Chúng ta biết rằng là công ty được tái cấu trúc từ công ty chứng khoán gần như là “chết lâm sàng”. Chúng ta từ tái cấu trúc một công ty chứng khoán chết lâm sàng để hoạt động là lợi thế, đầu tiên công ty sống lại. Công ty có sức sống, có hoạt động. Bên cạnh đó là năng lực tài chính cải thiện, an toàn tài chính đảm bảo. Công ty sẽ được ra khỏi diện kiểm soát đặc biệt, được hoạt động kinh doanh đầy đủ. Có nghĩa công ty không phá sản, giải thể, được sống lại.

Nói với quý vị, những người ốm đau liệt giường, sinh tử rồi bây giờ phải có thời gian để khỏe mạnh. Chúng ta không thể vừa sống lại khỏe mạnh ngay được. Cho nên sẽ cần thời gian. Đó là lợi thế của việc tái cấu trúc. Tất nhiên chúng tôi phải nhìn thấy khả năng từ hệ sinh thái của Tập đoàn Đầu tư Thăng Long hay đối tác khác để hỗ trợ cho hoạt động của công ty chứng khoán. Từ đó chúng ta có hệ thống khách hàng trong mạng lưới đối tác của đơn vị tham gia vào tái cấu trúc. Lợi thế trước đây không có gì, bây giờ vượt trội.

Năm vừa rồi chúng ta có điều bất khả kháng, khách quan về tính pháp lý, Ủy ban Chứng khoán Nhà nước chưa phê duyệt hồ sơ để công ty ra khỏi diện kiểm soát đặc biệt để hoạt động kinh doanh đầy đủ, các nghiệp vụ. Việc này liên quan đến biến động của thị trường chứng khoán, biến động về nhân sự, về con người trong cơ quan quản lý trong thời gian vừa rồi. Các công ty chứng khoán, doanh nghiệp trên sàn đều gặp tình trạng khó khăn như vậy. Cho nên chúng ta buộc phải chờ những thay đổi.

Các thị trường khác cũng thế, ví dụ tôi làm bất động sản còn hơn thế. Các hoạt động về pháp lý ách tắc hết. Thời gian vừa rồi gần như không có dự án mới được phê duyệt. Nói chung cái này là tình trạng chúng. Tuy nhiên, chúng ta đã sẵn sàng, chuẩn bị mọi điều kiện, hi vọng chúng ta sẽ thay đổi khi có điều kiện pháp lý để hoạt động.

Kết thúc đại hội, cùng với tờ trình về kế hoạch phát hành riêng lẻ, cổ đông công ty thông qua tờ trình về kế hoạch kinh doanh với doanh thu hoạt động 86 tỷ đồng và lợi nhuận trước thuế 42 tỷ đồng.

Xem thêm tại vietnambiz.vn