Chủ tịch doanh nghiệp đầu tiên niêm yết chỉ ra nguyên nhân khiến thị trường chứng khoán Việt Nam thiếu hàng mới

“Hàng hoá là quan trọng, là yếu tố cần đầu tiên để hình thành thị trường chứng khoán. Hàng hoá phải là hàng hoá tốt. Tốt phải trường kỳ tốt chứ không phải hôm nay tốt còn ngày mai không tốt” là chia sẻ của bà Nguyễn Thị Mai Thanh - Chủ tịch HĐQT Cơ điện lạnh (REE) tại talk show The Investors số thứ 3 lên sóng ngày 1/10 vừa qua. Tuy nhiên, có một thực trạng là thị trường chứng khoán Việt Nam đang thiếu hàng hoá mới chất lượng.

Theo số liệu từ HoSE, từ đầu năm 2024 đến nay, chỉ có 6 doanh nghiệp niêm yết mới là Viettel Post (VTP), Nam A Bank (NAB), Thuỷ điện Hủa Na (HNA), Cảng Quy Nhơn (QNP), Mộc Châu Milk (MCM), Chứng khoán Thành Công (TCI). Đây cũng không phải là những cái tên thật sự mới vì đều đã có thời gian giao dịch trên UPCoM trước đó.

Ngoài những doanh nghiệp kể trên, chứng khoán Việt Nam cũng có thêm một số “tân binh” niêm yết trên HNX hoặc đăng ký giao dịch trên UPCoM từ đầu năm đến nay. Tuy nhiên, hầu hết đều là các doanh nghiệp có quy mô khiêm tốn, không đủ sức tạo hiệu ứng thu hút dòng tiền trên thị trường.

Trong quá khứ, từng có giai đoạn doanh nghiệp “ồ ạt” niêm yết mới với hàng chục cái tên chất lượng lên HoSE mỗi năm. Nổi bật nhất là làn sóng cổ phần hoá doanh nghiệp Nhà nước 2006-2011 và đợt đổ bộ của hàng loạt doanh nghiệp tư nhân đình đám 2015-2018. Đây cũng là giai đoạn thị trường chứng khoán xuất hiện những con sóng thần.

Chủ tịch doanh nghiệp đầu tiên niêm yết chỉ ra nguyên nhân khiến thị trường chứng khoán Việt Nam thiếu hàng mới- Ảnh 1.

Tuy nhiên, số lượng doanh nghiệp niêm yết mới có xu hướng giảm mạnh những năm gần đây, chỉ còn đếm trên đầu ngón tay. Thiếu hàng hoá mới, đặc biệt là bom tấn chất lượng khiến chứng khoán Việt Nam thiếu động lực tăng trưởng dài hạn. Các con sóng gần đây chủ yếu mang tính đầu cơ theo chính sách tiền tệ, VN-Index cũng theo đó quanh quẩn mốc 1.200 điểm.

Đáng chú ý, danh sách những cái tên tiềm năng trở thành bom tấn khi lên sàn cũng không còn nhiều. Các DNNN đang nằm trong danh sách cổ phần hoá thực sự được nhà đầu tư quan tâm chỉ đếm trên đầu ngón tay như Agribank, Vinacomin - TKV, Mobifone, VNPT, SJC, Vinafood1... và lộ trình lên sàn vẫn còn bỏ ngỏ. Nhóm tư nhân cũng vắng bóng những tên tuổi lớn ngoại trừ một vài trường hợp như Thaco, Doji, TH Group, TC Group,…

Bên cạnh việc thiếu vắng doanh nghiệp niêm yết mới, hoạt động đấu giá cổ phần trên sàn chứng khoán cũng diễn ra rất ảm đạm. Theo thống kê từ HoSE và HNX, đến thời điểm hiện tại mới chỉ có 4 đợt đấu giá cổ phần kể từ đầu năm. Tổng giá trị cổ phần bán được thông qua đấu giá chỉ đạt hơn 200 tỷ đồng, con số thấp kỷ lục.

Chủ tịch doanh nghiệp đầu tiên niêm yết chỉ ra nguyên nhân khiến thị trường chứng khoán Việt Nam thiếu hàng mới- Ảnh 2.

Vì sao doanh nghiệp không “mặn mà” lên sàn?

Chia sẻ về vấn đề thiếu hàng hoá mới lên sàn chứng khoán tại talk show The Investors, bà Mai Thanh cho rằng yếu tố khiến cho các doanh nghiệp không mặn mà niêm yết là nhu cầu huy động vốn. Mục đích đầu tiên khi niêm yết là huy động vốn. Còn những yếu tố khác cũng quan trọng nhưng là thứ yếu. Việc phát hành trái phiếu quá dễ so với thị trường chứng khoán, khiến doanh nghiệp cảm thấy niêm yết đâu có đem lại lợi ích gì.

Theo bà Mai Thanh, việc huy động trên thị trường chứng khoán đã khó hơn nhiều so với giai đoạn trước. Doanh nghiệp muốn huy động phải chuẩn bị hồ sơ đăng ký, quy trình tương đối chặt chẽ. Doanh nghiệp phải minh bạch, có quá trình chứng minh năng lực quản trị tốt mới được huy động vốn trên thị trường chứng khoán.

“Trên thị trường chứng khoán, nhà đầu tư đưa tiền vào không phải cam kết trả lãi suất giống như trái phiếu hay vay ngân hàng. Nhưng đó là cam kết mang tính lâu dài, mang tính uy tín của doanh nghiệp đối với cộng đồng đầu tư. Người đầu tư là vô cùng quan trọng. Người đầu tư khi nhìn vào một doanh nghiệp, những cam kết không thực hiện, sẽ không bao giờ huy động được vốn” , Chủ tịch REE nhấn mạnh.

Bà Mai Thanh cho rằng, những năm qua phát hành trái phiếu thuận lợi hơn nhiều, cam kết với nhà đầu tư có vẻ cũng dễ dàng hơn so với trên thị trường chứng khoán. Vì thế, doanh nghiệp lựa chọn phát hành trái phiếu thay vì huy động vốn trên thị trường chứng khoán. Điều này phần nào đã làm giảm nhu cầu niêm yết của doanh nghiệp.

Thực tế, thị trường trái phiếu doanh nghiệp từng có giai đoạn phát triển rất nóng với giá trị phát hành liên tục tăng quan từng năm và đạt con số kỷ lục gần 700.000 tỷ đồng vào năm 2021 (theo số liệu từ VBMA). Sau khi cơ quan quản lý siết chặt kỷ cương trên thị trường trái phiếu từ năm 2022, số lượng các đợt phát hành và giá trị phát hành TPDN đã giảm đáng kể, vào khoảng 300.000 tỷ đồng. Tuy nhiên, đây là bước chậm lại cần thiết để hướng thị trường TPDN phát triển theo hướng minh bạch và bền vững hơn.

Chủ tịch doanh nghiệp đầu tiên niêm yết chỉ ra nguyên nhân khiến thị trường chứng khoán Việt Nam thiếu hàng mới- Ảnh 3.

Về giải pháp góp phần tăng nhu cầu niêm yết của doanh nghiệp, bà Mai Thanh cho rằng cần phải nâng cao tiêu chuẩn đối với hoạt động phát hành trái phiếu để hướng nhu cầu huy động vốn sang thị trường chứng khoán. Ngoài ra, Chủ tịch REE cũng nhấn mạnh đến tiếng nói của nhà đầu tư rất quan trọng, mang tính chất quyết định.

Theo bà Mai Thanh, nếu muốn doanh nghiệp niêm yết để tính thanh khoản của cổ phiếu cao hơn, nhà đầu tư phải phát biểu, phải nói lên yêu cầu của mình. Doanh nghiệp cũng sẽ phải lắng nghe, cố gắng hài hoà lợi ích giữa các nhà đầu tư nhưng tầm nhìn phát triển trong tương lai vẫn phải trên hết.

"The Investors" là series talk show truyền cảm hứng do CafeF Chứng khoán VPBank (VPBankS) đồng tổ chức, phát sóng vào 10h00 thứ Ba hàng tuần.

CTCP Chứng khoán VPBank (VPBankS) là công ty chứng khoán duy nhất thuộc hệ sinh thái VPBank có vốn điều lệ hàng đầu thị trường, với quy mô 15.000 tỷ đồng. VPBankS cũng nằm trong top 10 công ty chứng khoán có dư nợ margin lớn nhất thị trường và có nhiều dư địa để tăng trưởng trong tương lai. Hơn thế nữa, VPBankS đã xây dựng hệ sinh thái toàn diện, tích hợp đầy đủ từ các sản phẩm đến nền tảng, dịch vụ được cá nhân hóa theo từng khẩu vị rủi ro, đáp ứng trọn vẹn nhu cầu đầu tư của khách hàng.

Chủ tịch doanh nghiệp đầu tiên niêm yết chỉ ra nguyên nhân khiến thị trường chứng khoán Việt Nam thiếu hàng mới- Ảnh 4.

Xem thêm tại cafef.vn