Chủ tịch Fecon: Điểm rơi lợi nhuận của công ty là từ năm 2025, đặc biệt là năm 2027

Sáng 28/4, CTCP Fecon (Mã: FCN) đã tổ chức Đại hội đồng cổ đông (ĐHĐCĐ) thường niên 2025.

Tính tới 9h đại hội có sự tham gia của 88 cổ đông, đại diện cho 55,33% cổ phần có quyền biểu quyết.

Toàn cảnh ĐHĐCĐ thường niên 2025. (Ảnh: HK).

Với các dự án bản lề có quy mô lớn đã được ký kết trong nửa cuối năm 2024 ở các lĩnh vực công nghiệp năng lượng, cảng biển, xử lý nước thải, công trình ngầm và dân dụng, Fecon lên kế hoạch doanh thu 5.000 tỷ, lợi nhuận sau thuế 200 tỷ; tăng lần lượt 48% và 565% so với thực hiện năm 2024. Chỉ tiêu lợi nhuận sau thuế của cổ đông công ty mẹ là 179 tỷ, gấp gần 20 lần so với cùng kỳ.

Thông tin thêm về cấu trúc lợi nhuận năm nay, đại diện Fecon cho biết trong con số 200 tỷ lợi nhuận sau thuế thì mảng thi công đóng góp 55 tỷ đồng, mảng đầu tư là 145 tỷ đồng từ dự án Phổ Yên và Đoan Bái - Danh Thắng. 

Giá trị backlog của Fecon trong 2024 chuyển tiếp sang 2025 ước khoảng 2.500 tỷ đồng, gồm dự án Cảng Mỹ Thủy (ký hợp đồng hơn 600 tỷ), khu đô thị Hà Khánh (Quảng Ninh), trụ sở Công an tỉnh Quảng Ninh, gói thầu tuyến Metro số 3 Hà Nội (dự kiến xong trong năm nay để ghi nhận doanh thu).

  Nguồn: Tổng hợp từ báo cáo tài chính hợp nhất các năm và kế hoạch 2025.

 Nguồn: Tổng hợp từ báo cáo tài chính hợp nhất các năm và kế hoạch 2025.

Cập nhật về tình hình kinh doanh quý I, ông Nguyễn Thanh Tùng - Tổng Giám đốc cho biết tổng doanh số ký mới trong quý I đạt gần 1.300 tỷ, tương đương 85% cùng kỳ. Ước tính doanh thu đạt 820 tỷ song lợi nhuận sau thuế chỉ trên mức hoà vốn và ghi nhận chưa đáng kể trong quý đầu năm. 

Trình bày về chiến lược phát triển tới 2030, ông Phạm Việt Khoa - Chủ tịch HĐQT đưa ra mục tiêu doanh thu Fecon sẽ đạt 11.000 tỷ đồng, lãi sau thuế 915 tỷ đồng và vốn chủ sở hữu dự kiến tăng lên 8.007 tỷ đồng. 

Giải đáp thắc mắc của cổ đông về việc trong thời gian tới sẽ ưu tiên vào mảng đầu tư hay thi công, Chủ tịch HĐQT cho hay: "Theo chiến lược đặt ra, Fecon có kế hoạch tăng trưởng cả hai mảng thi công và đầu tư. Giai đoạn 4 - 5 năm qua, mảng đầu tư rất khó khăn trong việc hiện thực hoá doanh thu và lợi nhuận, song công tác triển khai dự án thì tích cực.

"Điểm rơi lợi nhuận sẽ là từ năm 2025 tới 2027, đặc biệt năm 2027 kết quả sẽ rất khả quan khi bán xong dự án Square City và hai khu công nghiệp".

Tuy nhiên, người đứng đầu công ty cũng cho biết nghề cốt lõi của Fecon vẫn là xây dựng. Kế hoạch từ 2028 - 2029 trở đi, mảng xây dựng thi công vẫn chiếm 60% lợi nhuận, còn mảng đầu tư chỉ chiếm 40%.

Năm nay, công ty dự kiến sẽ không trích quỹ đầu tư phát triển, trích không quá 10% lợi nhuận sau thuế công ty mẹ cho quỹ khen thưởng phúc lợi và chi trả cổ tức tối đa 5% vốn điều lệ bằng tiền hoặc cổ phiếu.

Đối với phương án phân phối lợi nhuận năm 2024, Fecon đề xuất chi trích gần 664 triệu đồng vào quỹ khen thưởng phúc lợi và sẽ không chia cổ tức cho cổ đông.

Nguồn: Tài liệu ĐHĐCĐ thường niên.

Hợp tác với nước ngoài để tham gia các dự án quy mô 20.000 tỷ 

Bên cạnh loạt dự án đã hoàn thành pháp lý đầu tư, Fecon cho biết đang phát triển dự án khu đô thị tại Hưng Yên quy mô 218 ha với tổng mức đầu tư khoảng 16.000 tỷ. Hiện dự án đã được duyệt quy hoạch 1/500, đang triển khai các công tác để đạt được pháp lý đầu tư trong 2025.

Các dự án bất động sản đô thị và công nghiệp khác mà Fecon đang phát triển có quy mô đất khoảng 340 ha.

Ngoài ra, công ty cũng đang phát triển thêm các dự án điện mặt trời ở Bình Thuận, điện gió ở Gia Lai, Vũng Tàu,... với tổng công suất khoảng 730 MW. Cập nhật về các dự án năng lượng, Chủ tịch HĐQT cho biết Fecon đang chờ chính sách mua bán điện của EVN. 

Một số dự án hạ tầng giao thông khác mà Fecon đang phát triển như: Tuyến metro Hà Nội và TP HCM; các dự án đường sắt, hạ tầng ngầm đô thị theo mô hình TOD.

 Nguồn: Tài liệu ĐHĐCĐ thường niên.

Giải đáp thắc mắc của cổ đông về nguồn vốn đầu tư các dự án, Chủ tịch HĐQT thông tin Fecon đều có các đối tác đầu tư đi cùng chứ không đầu tư 100%.

"Với hai dự án khu công nghiệp và dự án Square City vẫn nằm trong khả năng huy động vốn của Fecon. Song  với các dự án bất động sản quy mô hơn 200 ha hoặc dự án TOD sắp tới có quy mô đầu tư khoảng 20.000 tỷ thì Fecon sẽ tham gia đầu tư nhỏ hơn 50%, chủ yếu là vốn từ nhà đầu tư nước ngoài mà chúng tôi đang làm việc với một số nhà đầu tư tiềm năng".

Chia sẻ với cổ đông về quan điểm liên quan tới động lực tăng trưởng của Chính phủ trong năm nay và cơ hội cho ngành xây dựng, ông Phạm Việt Khoa - Chủ tịch HĐQT cho biết: "Trong bối cảnh Chính phủ ưu tiên tăng trưởng lớn với kế hoạch tăng trưởng GDP 8%, chỉ có khối tư nhân mới có khả năng đẩy mạnh tăng trưởng.

Các tập đoàn lớn đang đẩy mạnh tập trung vào mảng hạ tầng giao thông, hạ tầng đô thị, khu công nghiệp, đường sắt. Chính phủ liên tục tổ chức các cuộc họp với các tập đoàn lớn như Hoà Phát, Thaco, Vingroup, Sungroup,…

Chính phủ rất kỳ vọng tăng trưởng hai con số trong các năm tới. Các doanh nghiệp tư nhân không bứt phá thì rất khó đạt được các con số này".

Với các doanh nghiệp xây dựng, ông Khoa mong muốn Chính phủ cần thay đổi như định mức đơn giá tốt hơn, tăng khả năng tiếp cận các dự án cho các nhà thầu tư nhân, hay các vấn đề về ưu đãi thuế, đất. 

Đánh giá về tác động thuế quan, người đứng đầu Fecon cho hay: "Với doanh xây dựng như Fecon thì không ảnh hưởng trực tiếp như các doanh nghiệp sản xuất. Song một số dự án đã chuẩn bị thì các chủ đầu tư cũng do dự, nghiên cứu thêm hay một số khu công nghiệp đã chuẩn bị đặt cọc thì vẫn bị chậm lại. 

Chúng tôi sẽ theo dõi diễn biến tiếp theo của đàm phán để có lựa chọn phù hợp. Lựa chọn các khách hàng ít ảnh hưởng để lấy ngắn nuôi dài song vẫn cần trong chờ vào kết quả đàm phán", ông Khoa thông tin. 

Xem thêm tại vietnambiz.vn