Chủ tịch FECON Phạm Việt Khoa: Chúng tôi tự tin đủ năng lực tham gia dự án đường sắt tốc độ cao Bắc - Nam

Ông Phạm Việt Khoa, Chủ tịch HĐQT Công ty cổ phần FECON cho biết FECON hiện đang sở hữu nhiều công nghệ về xử lý nền, thi công móng, thi công phần ngầm cấp tiến trên thế giới, hoàn toàn tự tin và sẵn sàng giải quyết tốt các bài toán yêu cầu cao cho kết cấu hạ tầng đường sắt tốc độ cao Bắc - Nam.

Chủ tịch FECON Phạm Việt Khoa: Chúng tôi tự tin đủ năng lực tham gia dự án đường sắt tốc độ cao Bắc - Nam
Ảnh minh họa

Với chiều dài 1.541 km, đường sắt tốc độ cao Bắc - Nam là dự án có quy mô đặc biệt lớn, dự kiến tổng chi phí hơn 67 tỷ USD, góp phần giải quyết những vấn đề lớn của hạ tầng giao thông trục Bắc - Nam, thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội.

Trong tổng mức đầu tư khoảng 67 tỷ USD, có tới một nửa là dành cho xây dựng kết cấu hạ tầng đường sắt tốc độ cao. Trong đó, phần cầu hầm chiếm 70%, nền đường khoảng 30% nên các doanh nghiệp ngành xây dựng đang xem đây là cơ hội lớn để họ tham gia và thể hiện năng lực, hợp tác đổi mới công nghệ.

Từ góc độ của doanh nghiệp xây dựng, ông Phạm Việt Khoa, Chủ tịch HĐQT Công ty cổ phần FECON nhận định: "Các nhà thầu trong nước đều mong muốn được đóng góp cho sự phát triển hạ tầng Việt Nam. Đây còn là cơ hội để nhà thầu, nhà cung cấp Việt Nam được tiếp cận, làm chủ công nghệ và phát triển năng lực tham gia vào chuỗi cung ững xây dựng hạ tầng đường sắt trong dài hạn. Việc nội địa hoá ngành công nghiệp đường sắt sẽ đóng góp rất lớn vào nguồn thu các doanh nghiệp, các địa phương và GDP toàn quốc".

Thực tế tại một số đất nước có ngành công nghiệp đường sắt cao tốc phát triển trước Việt Nam như các nước Châu Âu, Hàn Quốc, Nhật Bản, Trung Quốc…, các hạng mục liên quan đến xây dựng đều do các đơn vị trong nước đảm nhận. Do đó, Chủ tịch HĐQT FECON cho rằng, dự án này sẽ phải huy động tất cả các nhà thầu Việt Nam có năng lực, đặc biệt là các nhà thầu hạ tầng. 

Cùng với đó, các nhà thầu Việt Nam hoàn toàn có thể hình thành các tổ hợp theo từng mảng, mỗi đơn vị có thể đảm nhận một phần công việc và chịu trách nhiệm theo hợp đồng với phần công việc đảm nhận. Khi cần, các nhà thầu sẽ mời chuyên gia nước ngoài đến làm việc, đào tạo và chuyển giao công nghệ.

fecon.jpg
Ông Phạm Việt Khoa, Chủ tịch HĐQT Công ty cổ phần FECON

Trước đó, tại cuộc làm việc của Thường trực Chính phủ với các doanh nghiệp xây dựng các công trình trọng điểm Quốc gia do Thủ tướng Phạm Minh Chính chủ trì, nhiều doanh nghiệp trong ngành xây dựng của Việt Nam đã đề xuất cần có cơ chế ưu tiên cho doanh nghiệp Việt Nam tham gia vào dự án đường sắt tốc độ cao Bắc - Nam. Thủ tướng cũng mong muốn, tin tưởng và kêu gọi các doanh nghiệp xây dựng hạ tầng Việt Nam tham gia dự án, công trình trọng điểm của quốc gia.

Được biết, dự án đường sắt tốc độ cao Bắc – Nam có thể chia dự án thành 2 hợp phần. Hợp phần 1 là các hạng mục từ phần dưới ray trở xuống có tính chất tương tự công trình đường bộ (cầu, đường, hầm), cần giao cho doanh nghiệp trong nước có năng lực thực hiện. Hợp phần 2 là đầu máy toa xe, hệ thống thông tin tín hiệu…xem xét giao doanh nghiệp trong nước liên danh với doanh nghiệp nước ngoài triển khai.

Đối với hợp phần 1, hiện nhiều doanh nghiệp quan tâm và khẳng định tự tin có đủ năng lực để triển khai. Trong đó, đối với Công ty cổ phần FECON, Chủ tịch HĐQT ông Phạm Việt Khoa nhấn mạnh: "Doanh nghiệp chúng tôi đã và đang sở hữu nhiều công nghệ về xử lý nền, thi công móng, thi công phần ngầm cấp tiến trên thế giới ở thời điểm hiện tại, hoàn toàn tự tin và sẵn sàng giải quyết tốt các bài toán yêu cầu cao cho kết cấu hạ tầng đường sắt".

Ngoài ra, FECON hiện đang hợp tác với các doanh nghiệp hàng đầu về xử lý nền, xây dựng hạ tầng ngầm đến từ Nhật Bản & Trung Quốc…Nếu triển khai dự án này, các đối tác sẵn sàng vào cuộc để cùng thực hiện công việc với giá cạnh tranh trên nguyên tắc tỷ lệ nội địa hóa cao.

Xem thêm tại markettimes.vn