Chủ tịch FPT Trương Gia Bình phân tích ảnh hưởng của công nghệ lên thị trường chứng khoán qua 3 chữ cái D, G, I

Chia sẻ tại Hội nghị triển khai nhiệm vụ phát triển thị trường chứng khoán (TTCK) năm 2024 mới đây, ông Trương Gia Bình - Chủ tịch FPT - gửi lời cảm ơn Đảng, Nhà nước với những thành công về chính sách ngoại giao cây tre.

"Chỉ có Việt Nam mới có quan hệ ngoại giao cao nhất với Trung Quốc, Nga, Mỹ, Nhật Bản, Ấn Độ. Và có lẽ chỉ có Việt Nam được kinh doanh tự do, được ưu tiên, ưu đãi. Đó là cơ hội rất lớn cho cộng đồng doanh nghiệp trong nước và nước ngoài để hợp tác, làm việc".

"Trong bối cảnh vị thế của Việt Nam như vậy tôi có cảm giác TTCK của chúng ta làm rất tốt trong nhiều năm nhưng chưa xứng đáng với vị thế. TTCK của Việt Nam phải lên một tầm nữa tương đương với tất cả các TTCK của các nền kinh tế thị trường lớn. Các TTCK lớn có gì, tác nghiệp gì thì ta cũng phải làm được như mua trước bán sau, thanh toán bù trừ,... Điều này phụ thuộc vào chính chúng ta. Các TTCK có năng lực gì thì chúng ta phải có năng lực đó", Chủ tịch FPT cho biết.

Ông Trương Gia Bình cũng đồng tình với các ý kiến về việc chúng ta phải nâng cấp thị trường lên thị trường mới nổi.

"Công nghệ có thể làm gì được? Công nghệ có 3 từ lớn là DGI", ông Bình nói.

Trong đó, D là Digital. Ông Bình lấy ví dụ ở Thái Lan, Bộ Tài chính nắm rất chắc công ty nào đầu tư vào công ty nào, với một quan hệ sở hữu minh bạch như vậy sẽ phát triển rất nhiều điều.

"Đề án 06 (Đề án phát triển ứng dụng dữ liệu về dân cư, định danh và xác thực điện tử phục vụ chuyển đổi số quốc gia giai đoạn 2022 - 2025, tầm nhìn đến năm 2030 - PV) có quá nhiều dữ liệu, làm sao để D của chúng ta minh bạch và có đẳng cấp như tất cả các nước", ông Bình nêu vấn đề.

G là Green. Ông Bình cho biết thế giới đang bước vào giai đoạn không làm không được, không làm không xuất khẩu được, không có báo cáo không xuất khẩu được, không làm kế toán carbon thì bị đánh thuế.

Thế giới đang bước vào giai đoạn không làm không được, không làm không xuất khẩu được, không có báo cáo không xuất khẩu được, không làm kế toán carbon thì bị đánh thuế.

"Chúng ta hiểu chuyển đổi xanh, chuyển đổi số là cặp bài trùng. Nếu làm được chúng ta mới có vốn xanh, trái phiếu xanh, tài chính xanh và đó là nguồn khổng lồ để kinh tế chúng ta phát triển và cũng là để Việt Nam hòa nhập với thế giới", ông Bình nói.

Chữ cuối cùng, ông Bình cho là chữ quan trọng, I là Trí tuệ nhân tạo.

"Đó là tương lai, AI ảnh hưởng đến kinh tế, đến chứng khoán quá lớn. Nasdaq sử dụng AI để phát hiện gian lận từ năm 2016; Nhật dùng AI phát hiện các giao dịch bất thường trên Nikkei từ năm 2018; Thái Lan sử dụng AI để phát hiện sai sót và gian lận trong các báo cáo tài chính từ năm 2023. Chúng ta có thể bảo vệ tài sản của Nhà nước, doanh nghiệp, người dân nhiều lần bằng cách chống gian lận".

"Việt Nam có tiềm năng về cả D, G, I. Vấn đề là chúng ta có sử dụng tiềm năng công nghệ của đất nước cho phát triển nền kinh tế không?", ông Bình đặt vấn đề.

Xem thêm tại cafef.vn