Chủ tịch HĐQT MB: Ngân hàng đặt mục tiêu vốn hóa sớm đạt 10 tỷ USD

Sáng 26/4, Ngân hàng TMCP Quân đội (MB - HoSE: MBB) đã tổ chức Đại hội đồng cổ đông (ĐHĐCĐ) thường niên 2025. Tại đại hội, Chủ tịch HĐQT Lưu Trung Thái và ban lãnh đạo đã chia sẻ nhiều thông tin liên quan đến đến kế hoạch kinh doanh, tăng trưởng tín dụng và chiến lược hoạt động của ngân hàng.

Tại phần thảo luận, cổ đông đặt câu hỏi về câu chuyện liệu MB có kế hoạch tăng vốn hóa để xứng đáng với nội tại ngân hàng. "Chẳng hạn mục tiêu vốn hóa 20-25 tỷ USD", cổ đông này đặt vấn đề.

Chủ tịch HĐQT MB: Ngân hàng đặt mục tiêu vốn hóa sớm đạt 10 tỷ USD ảnh 1

Chủ tịch MB Lưu Trung Thái

Chủ tịch MB cho biết, ngân hàng đang có giá trị vốn hóa hơn 6 tỷ USD. Với mục tiêu gần nhất là 10 tỷ USD, HĐQT sẽ có kế hoạch từng bước, rõ ràng. Theo ông, nếu duy trì được chất lượng hoạt động và hiệu quả, mỗi năm tăng trưởng kinh doanh 22-23% và đẩy mạnh tăng trưởng quy mô vốn thì giá trị nội tại của ngân hàng sẽ tăng.

"Chỉ cần dừng chia cổ tức 3 năm thì giá cổ phiếu MBB sẽ tăng gấp ba hoặc ít nhất là gấp đôi," ông Thái đánh giá.

Chủ tịch HĐQT MB: Ngân hàng đặt mục tiêu vốn hóa sớm đạt 10 tỷ USD ảnh 2

Toàn cảnh đại hội đồng cổ đông

Cũng về nội dung tăng vốn, giải đáp cổ đông về kế hoạch tăng vốn điều lệ và việc ngân hàng cùng lúc lại tiến hành mua lại cổ phiếu quỹ làm giảm vốn, Chủ tịch MB Lưu Trung Thái lý giải hai động thái này không hề mâu thuẫn.

Theo đó, MB đã trình tới các cổ đông phương án tăng vốn điều lệ thêm 20.346 tỷ đồng từ hơn 61.022 tỷ đồng lên 81.368 tỷ đồng, tương ứng tăng 33,3%. Đồng thời, có phương án mua lại 100 triệu cổ phiếu, tương đương khoảng 1,2% vốn điều lệ sau khi tăng vốn làm cổ phiếu quỹ.

Theo ông Thái, mua lại cổ phiếu quỹ là một biện pháp, một công cụ hỗ trợ cho thị trường, giúp ổn định thanh khoản và tạo niềm tin cho nhà đầu tư trong giai đoạn biến động. Đây là việc MB đã từng làm trong quá khứ và đã rất thành công. Chủ tịch MB khẳng định hoạt động này không ảnh hưởng nhiều đến hệ số an toàn vốn (CAR) của ngân hàng nhưng cung cấp một công cụ quan trọng trong giai đoạn có quá nhiều biến động hiện nay.

MB chuyển đổi số không phải để cắt giảm nhân sự

Về chuyển đổi số, ông Lưu Trung Thái cho biết, ngân hàng đang tập trung cho hai việc chính. Thứ nhất là ưu tiên đầu tư cho hai nền tảng dành cho khách hàng cá nhân và khách hàng doanh nghiệp, khách hàng có thể tự phục vụ, tự sử dụng.

Thứ hai là giải quyết vấn đề năng suất lao động. Những năm trước, quy mô nhân sự MB không tăng nhiều nhưng lợi nhuận tăng mạnh do ứng dụng công nghệ để tăng năng suất. Tuy nhiên với kế hoạch mở rộng quy mô mạnh mẽ hơn, MB vẫn có kế hoạch tăng tuyển dụng trong năm nay, dự kiến tăng thêm 1.000 người. Theo ông Thái, những năm sau, tốc độ tăng quy mô nhân sự của MB có thể sẽ giảm đi.

Ông Vũ Thành Trung, Thành viên HĐQT MB cũng chia sẻ, quan điểm của ngân hàng làm chuyển đổi số không phải để cắt giảm nhân sự mà để tăng năng lực làm việc khi ứng dụng công nghệ. Khi có công nghệ, họ sẽ chuyển dịch sang các mảng có giá trị cao hơn.

Nói về ứng dụng AI nói riêng và công nghệ nói chung, ông Trung cũng cho hay, quy mô khách hàng hiện nay của MB rất lớn, dự kiến đạt 35 triệu trong năm nay, do đó đầu tư công nghệ thời gian tới sẽ nhiều nhất là cho bảo mật.

"Vấn đề an ninh mạng đang gay gắt trên toàn xã hội. Năm ngoái, chúng tôi đã đưa ra giải pháp AI để ngăn chặn các giao dịch gian lận, lừa đảo. Khi khách hàng bật app MB lên thì MB sẽ quét phát hiện ra phần mềm lừa đảo, bất thường để cảnh báo với khách hàng và tự động ngắt để bảo vệ túi tiền khách hàng," ông Trung nói.

Nợ xấu nhích lên nhưng thấp hơn toàn ngành

Thông tin tại đại hội về chất lượng nợ vay, Chủ tịch MB cho biết, tỷ lệ nợ xấu của hệ sinh thái MB là 1,63%, riêng ngân hàng là 1,35%. Như vậy nếu so với năm 2023 và 2024, xu thế là nợ xấu có hơi nhích lên nhưng so với tỷ lệ nợ xấu toàn ngành là 2,8% thì MB vẫn đang ở ngưỡng thấp.

Năm 2023 - 2024, do ảnh hưởng của nền kinh tế, nợ xấu của ngành ngân hàng đã tăng từ 1,9% lên 2,8% và đồng thời dự phòng rủi ro tăng, song tỷ lệ bao phủ có xu hướng giảm rõ rệt. MB cũng không ngoại lệ nhưng tốc độ kiểm soát tốt hơn, lãnh đạo ngân hàng chia sẻ.

Chủ tịch HĐQT MB cho biết, đã ghi nhận rủi ro sớm, tăng chi phí dự phòng để bảo vệ cho ngân hàng. Năm nay MB có kế hoạch tăng tỷ lệ bao phủ nợ xấu lên trên 100%. Đồng thời, nghiên cứu những cách ứng phó riêng với từng khách hàng, đi cùng với việc lựa chọn khách hàng tốt.

Chủ tịch MB cũng cho biết, tỷ lệ liên đới CIC của ngân hàng hiện chiếm khoảng 16% quy mô nợ xấu. CIC, hay còn được biết đến với tên gọi Trung tâm Thông tin Tín dụng, là một tổ chức của Ngân hàng Nhà nước Việt Nam với chức năng thu thập, lưu trữ, phân tích, xử lý và dự báo thông tin tín dụng của cá nhân và tổ chức, nhằm hỗ trợ cho hoạt động của các tổ chức tín dụng.

Đại hội đã thông qua nhiều nội dung quan trọng. Trong đó, kế hoạch kinh doanh năm 2025 với lợi nhuận trước thuế tăng xấp xỉ 10% so với mức thực hiện năm 2024. Về chỉ tiêu tổng tài sản, ngân hàng đặt mục tiêu tăng 21,2%, tức đạt gần 1,37 triệu tỷ đồng vào cuối năm 2025. Huy động vốn trong năm 2025 kỳ vọng đạt mức tăng trưởng 23,3% trong khi đó tín dụng được dự báo sẽ tăng trưởng xấp xỉ 23,7% trong năm 2025, tùy thuộc theo hạn mức của Ngân hàng Nhà nước.

Tổng Giám đốc MB, ông Phạm Như Ánh cho biết kế hoạch trên đã dự trù những biến động bất lợi do tình hình kinh tế vĩ mô. Đối với khách hàng FDI có xuất khẩu đi Mỹ ở MB không lớn, chỉ chiếm 0,6%. Ngân hàng đánh giá số dư nợ không lớn nên không phải quá e ngại. "Quan điểm với MB là các khách hàng khi gặp khó khăn thì sẽ tiếp tục đồng hành khắc phục. Không phải thấy khách hàng xuất đi Mỹ thì chúng tôi sẽ dừng hợp tác", ông nói

Đối với tín dụng xanh, Tổng Giám đốc MB – Phạm Như Ánh cho biết, dư nợ cho lĩnh vực này hiện chiếm khoảng 8,5% tổng dư nợ của MB và định hướng duy trì, phát triển mảng này, nâng tỷ trọng lên khoảng 9,5%.

Ngân hàng cũng chú trọng việc cấp tín dụng cho nhóm khách hàng yếu thế, theo xác định của MB là các khách hàng khó tiếp cận dịch vụ ngân hàng, đặc biệt là khách hàng vùng sâu, vùng xa. MB định nghĩa là doanh nghiệp số, tập đoàn tài chính dẫn đầu, với 2 nền tảng App MBBank (dành cho khách hàng cá nhân) và BIZ MBBank (dành cho khách hàng doanh nghiệp), cơ bản mọi khách hàng đều có thể tiếp cận dịch vụ tài chính ngân hàng. Ngân hàng cũng đang phát triển sử dụng AI để cấp tín dụng tự động, phục vụ số lượng khách hàng lớn cùng lúc.

Xem thêm tại tienphong.vn