Chủ tịch Hồ Hùng Anh: Techcombank đã chứng minh năng lực quản trị rủi ro

Sáng 20/4, Techcombank đã tổ chức Đại hội đồng cổ đông thường niên năm 2024 thông qua nhiều nội dung quan trọng. Trong đó, đáng chú ý là kế hoạch chia cổ tức tiền mặt lần đầu sau hơn 1 thập kỷ.

Theo đó, ngân hàng sẽ triển khai kế hoạch trả cổ tức tiền mặt 1.500 đồng/ cổ phiếu, là mức cổ tức tiền mặt cao nhất trong số các ngân hàng đã công bố. Nhà băng dự kiến dành hơn 5.283 tỷ đồng từ nguồn lợi nhuận chưa phân phối để chia cho cổ đông.

Theo lãnh đạo Techcombank, việc chia cổ tức sẽ đảm bảo dòng tiền thường xuyên cho cổ đông, khi vừa có thu nhập trực tiếp đến từ kết quả kinh doanh hàng năm, trong khi vẫn tối ưu hóa lợi ích từ tiềm năng tăng giá dựa trên vị thế dẫn đầu của ngân hàng tại Việt Nam.

Tổng giám đốc Techcombank, ông Jens Lottner, cho biết việc thay đổi chính sách chi trả cổ tức dựa trên đánh giá về tiềm năng lợi nhuận, tình hình vốn và những dự báo về thay đổi chính sách.

Sau một thập kỷ giữ vững mức tăng trưởng lợi nhuận gần 40% mỗi năm, Techcombank hiện là ngân hàng tư nhân hàng đầu tại Việt Nam, với tổng lợi nhuận trước thuế trong 3 năm gần nhất đạt trên 3 tỷ đô la Mỹ.

Với những nền tảng hiện có, lãnh đạo Techcombank cho biết ngân hàng có thể thực hiện chia cổ tức bằng tiền mặt đồng thời vẫn duy trì được tốc độ tăng trưởng doanh thu, lợi nhuận 20% mỗi năm cũng như các tỷ lệ an toàn như chiến lược đề ra.

Bên cạnh đó, Techcombank cũng trình phương án tăng vốn điều lệ từ 35.225 tỷ đồng lên 70.450 tỷ thông qua việc phát hành cổ phiếu tỷ lệ 100% từ nguồn vốn chủ sở hữu.

Nguồn vốn chủ sở hữu dự kiến được sử dụng để tăng vốn điều lệ gồm lợi nhuận sau thuế chưa phân phối, quỹ dự trữ bổ sung vốn điều lệ và thặng dư vốn cổ phần trên báo cáo tài chính năm 2023 đã được kiểm toán. Việc phát hành cổ phiếu tăng vốn dự kiến hoàn thành trong năm nay.

Về hoạt động kinh doanh, năm nay Techcombank lên kế hoạch tăng trưởng tín dụng 16,2%. Lợi nhuận dự kiến tăng trưởng 18,4% lên 27.100 tỷ đồng. Tỷ lệ nợ xấu sẽ kiểm soát dưới 1,5%.

Techcombank vẫn theo đuổi những chiến lược đã đặt ra. 4 trụ cột chính trong chiến lược là CASA 55%, vốn hoá 20 tỷ USD, thu nhập phí chiếm 30% tổng thu nhập, ROE 20%.

Ông Jens Lottner cho biết bất chấp những khó khăn của nền kinh tế, Techcombank vẫn duy trì trạng thái tốt, có thể kể đến những yếu tố mạnh nhất là CASA, Thu nhập phí thuần, các chỉ số tài chính như ROA, ROE duy trì lành mạnh. 

Techcombank là ngân hàng dẫn đầu về cho vay bất động sản, trái phiếu và những mảng này đều hồi phục trong năm qua. Riêng lĩnh vực bảo hiểm còn chịu áp lực nhưng không có nhiều lo ngại. Thực tế, nửa sau năm 2023, doanh số bán bảo hiểm của Techcombank cũng đã tăng đáng kể so với đầu năm.

Ông Hồ Hùng Anh, chủ tịch Techcombank chia sẻ thời gian qua ngân hàng gặp nhiều khó khăn trong lĩnh vực thế mạnh, như cho vay bất động sản, đầu tư tài chính. Song, ngân hàng cũng đã chứng minh năng lực quản trị rủi ro của mình.

“Năm 2023, chúng tôi đã đạt kế hoạch. Năm 2024 vẫn còn thách thức, Techcombank đưa ra kế hoạch thận trọng. Việc củng cổ, phát huy thế mạnh, ứng dụng công nghệ dữ liệu sẽ giúp chúng tôi đi vào các phân khúc khác, lĩnh vực kinh tế khác hiệu quả, kiểm soát tốt rủi ro”, ông Hồ Hùng Anh chia sẻ.

Sự phục hồi nhanh chóng của ngân hàng đến từ việc tạo nên vị thế vững chắc khi lựa chọn phân khúc chủ đạo là các khách hàng cá nhân có thu nhập khá và cao trở lên, cùng với đó là các tập đoàn uy tín hàng đầu đang dẫn dắt thị trường trong các phân khúc mục tiêu của Việt Nam, lãnh đạo ngân hàng nhận định.

Cùng với đó, chuyển đổi số hiệu quả, cùng khả năng kiểm soát rủi ro và chi phí ở các chốt chặn, là động lực để ngân hàng tự tin chinh phục mục tiêu 2024, cho dù bối cảnh kinh tế chung vẫn còn thách thức.

Với thành công đó, Techcombank đang từng bước nhân rộng cách tiếp cận theo chuỗi này ở các ngành kinh tế khác.

Một ví dụ điển hình cho việc áp dụng chiến lược này ở một ngành mới chính là dự án “Winlife” hợp tác với Masan, đưa giải pháp thanh toán sáng tạo của Techcombank cùng các chương trình tích lũy điểm thưởng hấp dẫn đến với hàng triệu khách hàng thông qua mạng lưới hơn 3.000 cửa hàng tiện lợi Winmart trên cả nước.

Khi tiếp cận theo chuỗi giá trị ngành, mối quan hệ sâu sắc giữa ngân hàng với một vài khách hàng chủ chốt của chuỗi trở thành nền tảng. Để từ đó, ngân hàng phát triển một bộ giải pháp tổng thể đáp ứng nhu cầu thanh toán, tín dụng và đầu tư… cung cấp cho toàn bộ các đối tượng tham gia chuỗi giá trị, từ nhà cung cấp cho tới những người tiêu dùng cuối cùng. 

Xem thêm tại theleader.vn