Chủ tịch Hòa Bình (HBC) kể chuyện những cơn bão tàn khốc và quyết tâm khôi phục vị thế

Năm 2023 là một năm cực kỳ khó khăn với nền kinh tế thế giới nói chung và ngành xây dựng, bất động sản tại Việt Nam nói riêng.

Ông Lê Viết Hải chia sẻ: “Có thể khẳng định rằng trong suốt 36 năm kể từ ngày thành lập, thời gian vừa qua là thời gian có những sóng gió, những cơn bão tàn khốc nhất liên tục ập tới trong đời doanh nhân của tôi cũng như Tập đoàn Xây dựng Hòa Bình. Những khó khăn đó xuất phát từ những biến động và sự cố khách quan của xã hội, những biến cố chưa từng xảy ra trên thế giới và ở Việt Nam.

Tuy nhiên, không thể phủ nhận rằng trong những khó khăn đã xảy ra đó, có những lỗi chủ quan và trách nhiệm thuộc về cá nhân ông cũng như ban lãnh đạo Tập đoàn".

Đó là vấn đề hệ thống quản lý chưa hoàn thiện để xảy ra nợ quá mức không đảm bảo sự an toàn cho hoạt động kinh doanh liên tục của công ty; Hệ thống quản trị rủi ro chưa hiệu quả và chưa nghiêm chỉnh thực thi; Hệ thống quản lý hồ sơ thanh quyết toán còn nhiều lỗ hổng, chưa đảm bảo việc thu hồi nợ nhanh chóng và hiệu quả; Chi phí vận hành, quản lý còn cao, chưa linh hoạt và khó co giản khi có biến động lớn về thị trường; Tính tuân thủ về kỷ luật lao động còn lỏng lẻo chưa thực sự nghiêm minh.

Bên cạnh đó, những báo cáo, đánh giá tình hình từ công trường nhiều khi còn dựa trên cảm tính và thiếu thông tin chuẩn xác, khách quan; nhiều hiện tượng tiêu cực đã xảy ra gây thiệt hại cho Tập đoàn nhất là khi công ty gặp nguy biến, xảy ra sự mất ổn định về các nguồn lực, đặc biệt về nguồn nhân lực.

Những khó khăn trên đã giúp ông và Tập đoàn rút ra “những bài học xương máu” để đảm bảo ngăn ngừa rủi ro và có các giải pháp ứng phó hiệu quả với mọi biến cố trong tương lai.

Nhờ tinh thần không bao giờ bỏ cuộc, luôn nỗ lực vượt qua nghịch cảnh và sức chịu đựng kiên cường, Hòa Bình đã vượt qua thách thức của năm 2023, đạt được thành tựu. Hòa Bình thực hiện hoài bão mang thương hiệu xây dựng Việt Nam ra nước ngoài. Hòa Bình cùng một đối tác thành lập một công ty liên doanh tại một nước thứ 3, với số vốn 120 triệu đô la, mỗi bên góp 60 triệu đô la. Trong đó Hòa Bình nắm giữ 51% và đối tác 49%.

Ông Lê Viết Hải cho biết, HBC đặt quyết tâm cao nhất, phấn đấu thực hiện thành công mục tiêu kế hoạch năm 2024 và chiến lược "Khôi phục vị thế" cho Hòa Bình trong 5 năm, 10 năm tới.

HBC đã trải qua năm 2023 nhiều khó khăn, quyết tâm tăng tốc trong 2024

HBC đã trải qua năm 2023 nhiều khó khăn, quyết tâm tăng tốc trong 2024

Để làm được điều đó, nhà sáng lập HBC nhấn mạnh đến 5 giải pháp cụ thể: hoàn thiện hệ thống quản lý, thiết lập hệ thống ghi nhận thông tin và giám sát mọi hoạt động của tập đoàn (Monitoring Center), ứng dụng những tiến bộ về kỹ thuật công nghệ xây dựng, tiên phong ứng dụng công nghệ trí tuệ nhân tạo và tăng cường kỷ luật lao động.

“Xuất khẩu xây dựng là ước mơ, khát vọng của tôi nói riêng và của các thành viên Hòa Bình nói chung và tôi tin chỉ có hướng đi này mới giúp Hòa Bình tiếp tục phát triển, từng bước khôi phục vị thế trong tương lai. Hoà Bình với tốc độ tăng trưởng 5 năm tăng 5 lần doanh thu trong suốt 3 thập niên, chẳng khác gì loài cá voi, nếu không tìm đường ra biển lớn sẽ chết trong ao hồ chật chội.

Cũng có thế ví việc chinh phục thị trường xây dựng nước ngoài của Hòa Bình như câu chuyện của cây tre. Cây tre khi được trồng xuống đất chỉ mọc lên vài phân trên mặt đất và nó dành toàn bộ sức lực cho việc cắm rễ hàng trăm mét dưới lòng đất trong suốt 4 năm đầu tiên, khi gốc rễ đã đủ chắc thì từ năm thứ 5 nó mới bứt phá với tốc độ 30 phân mỗi ngày và chỉ mất 6 tuần để đạt chiều cao 15 mét. Trải qua hơn 12 năm nỗ lực triển khai chiến lược xuất khẩu xây dựng, Hòa Bình đã đi “cắm rễ” tại các thị trường nước ngoài, khắp các châu lục và hiện giờ Hoà Bình đã có những điều kiện thuận lợi nhất để ước mơ xuất khẩu xây dựng đó trở thành hiện thực”, Chủ tịch HĐQT Hòa Bình chia sẻ.

Xem thêm tại www.tinnhanhchungkhoan.vn