Chủ tịch Lê Viết Hải: Sự chuẩn bị cho thị trường nước ngoài đã chín muồi, HBC tự tin thay thế được nhà thầu Trung Quốc

 Chủ tịch Lê Viết Hải phát biểu tại ĐHĐCĐ HBC. (Ảnh chụp màn hình).

13h00 chiều 25/4, CTCP Tập đoàn Xây dựng Hoà Bình (Mã: HBC) đã tổ chức ĐHĐCĐ thường niên năm 2025 theo hình thức trực tuyến. Đại hội với sự tham dự của 497 cổ đông tham dự, đại diện cho hơn 179,5 triệu cổ phiếu, tương ứng với 51,7% tổng số cổ phần có quyền biểu quyết và đủ điều kiện để tiến hành đại hội.

Năm nay, tập đoàn đặt mục tiêu doanh thu 9.000 tỷ đồng và lợi nhuận sau thuế 360 tỷ đồng. So với con số lợi nhuận 963 tỷ đồng đạt được trong năm 2024 (phần lớn đến từ việc hoàn nhập chi phí dự phòng phải thu khó đòi lên tới hơn 1.200 tỷ đồng), mục tiêu lợi nhuận cho năm 2025 giảm 63%. 

Theo Chủ tịch HĐQT Lê Viết Hải, đây là mục tiêu thận trọng so với tình hình, điều kiện tài chính của công ty. "Chúng tôi không muốn đặt ra mục tiêu quá cao để thực thi", nhà sáng lập HBC nói.

Ông Hải cũng tin rằng trong 3 năm tới, HBC sẽ khôi phục lại vị thế vốn có của mình. 

 Nguồn: Báo cáo tài chính.

Nhìn lại năm 2024, Tổng Giám đốc Lê Văn Nam cho biết trong năm tập đoàn đã thi công 22 công trình và đã bàn giao 14 dự án, trong đó triển khai mới 10 dự án.

Năm qua, tập đoàn cũng đã đẩy mạnh thu hồi công nợ. Tổng giá trị thu hồi được 7.200 tỷ đồng trong đó tiền mặt là 5.700 tỷ và hoán đổi bằng tài sản là 1.500 tỷ. Thu theo tiến độ hợp đồng 6.640 tỷ, trong đó thu về tài khoản 5.200 tỷ. Giá trị thu hồi quá hạn 650 tỷ và tiền về tài khoản là 450 tỷ và hoán đổi là 200 tỷ.

Giá trị trúng thầu năm 2024 đạt hơn 13.800 tỷ đồng và dự kiến cho năm 2025, giá trị đạt 12.000 tỷ đồng.

Tổng Giám đốc HBC nhận định năm 2025 là giai đoạn chín muồi để tập đoàn phát triển mạnh thị trường nước ngoài và hi vọng các cổ đông, đối tác ủng hộ và tin tưởng HBC.

Chào bán tối đa 347 triệu cổ phiếu để trả nợ với giá phát hành 10.000 đồng/cp

Điểm đáng chú ý nhất tờ trình lên ĐHĐCĐ là kế hoạch chào bán tối đa 347 triệu cổ phiếu theo hình thức riêng lẻ cho không quá 10 nhà đầu tư chứng khoán chuyên nghiệp. Con số này cao hơn so với kế hoạch ban đầu là phát hành tối đa 200 triệu cổ phiếu. Tỷ lệ phát hành 1:1, sau phát hành vốn điều lệ của HBC sẽ tăng lên gấp đôi.

Mức giá chào bán dự kiến là 10.000 đồng/cổ phiếu, cao hơn tới 70% so với thị giá cổ phiếu HBC đang giao dịch quanh mức 5.900 đồng/cổ phiếu. Nếu phát hành thành công, HBC dự kiến huy động tối đa 3.470 tỷ đồng.

Toàn bộ số tiền thu về từ đợt chào bán này, theo kế hoạch, sẽ được sử dụng cho mục đích thanh toán các khoản nợ vay của công ty tại các ngân hàng và thanh toán các hợp đồng thi công và/hoặc thanh toán nợ cho các nhà cung cấp, nhà thầu phụ. Cổ phiếu phát hành riêng lẻ sẽ bị hạn chế chuyển nhượng trong vòng 1 năm.

Một điểm khác cũng gây chú ý là chính sách thưởng cho HĐQT, Ban điều hành và cán bộ trọng yếu năm 2025. Theo đó, nếu đạt chỉ tiêu lợi nhuận (vốn đã đặt ở mức rất thấp so với 2024), mức thưởng là 1% lợi nhuận sau thuế công ty mẹ. Nếu vượt chỉ tiêu từ 100% đến 200%, thưởng thêm 5% phần vượt; và vượt trên 200% chỉ tiêu sẽ được thưởng thêm 10% phần vượt.

HĐQT cũng sẽ trình cổ đông thông qua việc bổ sung ngành nghề kinh doanh như sản xuất khai thác mỏ và xây dựng, dịch vụ lưu trú ngắn ngày, đại lý du lịch, hoạt động hỗ trợ dịch vụ tài chính chưa được phân vào đâu...

Ngoài ra, ĐHĐCĐ lần này cũng sẽ bầu lại HĐQT và Ban kiểm soát nhiệm kỳ 2025-2029. Danh sách ứng viên HĐQT đã được công bố, gồm ông Lê Viết Hải, ông Lê Viết Hiếu, bà Nguyễn Thị Lượt, ông Lê Văn Nam, ông Nguyễn Tường Bảo và ông Nguyễn Kinh Luân.

 Ban chủ tọa ĐHĐCĐ thường niên năm 2025 của HBC. (Ảnh chụp màn hình).

Thảo luận:

Câu hỏi: Kết quả đạt được của HBC tại thị trường nước ngoài? Mục tiêu các năm tới?

Ông Nguyễn Kinh Luân, Phó Tổng Giám đốc phụ trách thị trường nước ngoài: HBC vẫn tập trung thị trường Australia, Mỹ, Campuchia và một số thị trường ở Đông Phi.

Năm 2024, công ty đã cung cấp dịch vụ quản lý dự án và cung ứng vật liệu xây dựng cho Mỹ và đang thương thảo với các đối tác ở California, tiến tới thỏa thuận liên doanh trong năm 2025. Hi vọng năm 2025 đạt được thỏa thuận sẽ có những hợp đồng.

Tương tự, ở Australia, tập đoàn cũng cung cấp dịch vụ quản lý dự án và cung ứng vật liệu và đang thương thảo với các đối tác tại quốc gia này.

Năm vừa rồi, chúng tôi đã trúng thầu 4 dự án ở Kenya để xây dựng nhà ở xã hội cho cảnh sát tại đây. Tổng mức ký hợp đồng là 70 triệu USD cho 3.500 căn. HBC đang thương thảo với chính quyền nước sở tại cho chính sách sắp tới.

Tại Campuchia, tập đoàn đang thương thảo về các dự án về hạ tầng dân dụng và đang có kế hoạch phát triển mạnh tại Campuchia nói riêng và Đông Nam Á nói chung. Công ty sẽ sớm báo tin vui cho cổ đông.

Tại sao công ty đưa ra chỉ tiêu lợi nhuận thấp hơn năm 2024? Kế hoạch bán tài sản, máy móc và bán dự án đem lại lợi nhuận ra sao?

Ông Lê Văn Nam, Tổng Giám đốc: Năm 2024 HBC đưa ra kế hoạch lợi nhuận sau thuế 433 tỷ đồng nhưng do điều kiện thuận lợi nên trong năm công ty đã vượt kế hoạch với 959 tỷ đồng.

Sang năm 2025, kế hoạch lợi nhuận sau thuế 360 tỷ, giảm mạnh so với kết quả năm vừa rồi. Kế hoạch này được xây dựng như sau. Thứ nhất là lợi nhuận gộp từ hoạt động sản xuất kinh doanh chính là 5% của doanh thu, tương đương 450 tỷ.

Phần chuyển nhượng dự án là 600 tỷ. Trừ đi giá vốn khoảng 300 tỷ. Do đó thu về khoảng 300 tỷ từ chuyển nhượng.

Tiếp đó là hoàn nhập dự phòng. Như tính toán, công ty đang trích lập dự phòng 1.897 tỷ, năm nay dự kiến thu được 200 tỷ.

Chuyển nhượng máy móc thiết bị thu về khoảng 30 tỷ. Dự kiến vẫn tiếp tục thoái vốn, chuyển nhượng một số công ty con dự kiến thu về khoảng 60 tỷ.

Như vậy dự kiến tổng thu của HBC khoảng 960 tỷ, với 450 tỷ đồng là lợi nhuận gộp từ hoạt động kinh doanh chính. Chi phí quản lý khoảng 230 tỷ và chi phí lãi vay 350 tỷ, chi phí bán hàng khoảng 20 tỷ. Như vậy trừ đi ta sẽ có được lợi nhuận sau thuế khoảng 360 tỷ.

Tính khả thi của việc phát hành 347 triệu cổ phiếu với giá 10.000 đồng/cp? Đã có nhà đầu tư đăng ký chưa?

Ông Lê Viết Hải, Chủ tịch HĐQT: HBC có chiến lược mở rộng thị trường nước ngoài, song song đó vẫn phát triển thị trường trong nước. Tuy nhiên hiệu quả từ thị trường nội địa tôi đánh giá không cao, margin (biên lợi nhuận) còn thấp do cạnh tranh khốc liệt. Mục tiêu chính của HBC vẫn là đánh ra thị trường quốc tế. Dù khó khăn, công ty vẫn đang chuẩn bị các bước để phát triển thị trường nước ngoài.

Thị trường nước ngoài những năm gần đây vẫn có tăng trưởng nhất định, quy mô thị trường xây dựng nước ngoài đạt 15.000 tỷ USD, trong khi Viêt Nam chỉ 36 tỷ USD. So ra quy mô của Việt Nam chỉ bằng 0,25% so với quốc tế.

HBC nhìn nhận thời gian qua, sự chuẩn bị cho thị trường nước ngoài đã chín muồi và tập đoàn cần nguồn vốn lớn để chiếm lĩnh thị trường.

Tuy nhiên HBC phải đối phó với tình hình bất lợi: những chủ đầu tư khách sạn, resort đối tác của HBC gặp khó khăn, thu hồi nợ rất chậm. Tôi xác định những khoản nợ này không mất đi, bởi chủ đầu tư là những công ty lớn, họ vẫn kêu gọi được các chủ đầu tư nước ngoài khác để bỏ vốn tham dự triển khai các dự án. Do đó, khả năng thu hồi nợ của HBC rất cao.

Có những dự án xây dựng ở nước ngoài hiện này đem về lợi nhuận gộp lên đến 20 – 30% là bình thường (cao hơn ở Việt Nam là 5 -10%). Cho nên, nếu HBC kết hợp với nhà thầu địa phương, con số sẽ tăng lên rất nhiều.

Với năng lực của HBC, chúng tôi tự tin có thể thay thế các nhà thầu của Hàn Quốc, Trung Quốc, Châu Âu,… tại các quốc gia. Chẳng hạn, chi phí nhân công của nhà thầu Trung Quốc gấp 3 lần so với chi phí nhân công đội ngũ Việt Nam. Vậy tại sao chúng ta không thay thế được nhà thầu Trung Quốc ở các quốc gia đang thiếu nguồn cung xây dựng này?

Một ví dụ khác là chúng ta đang xuất khẩu vật liệu xây dựng đến nửa vòng Trái Đất sang Mỹ nhưng vẫn có giá cạnh tranh hơn so với hàng xuất từ các quốc gia gần đó. Chúng ta còn có lợi thế về dây chuyền sản xuất hiện đại (dưới 30 năm) hơn so với các đối thủ. Nguồn nguyên liệu sản xuất trong nước rất dồi dào. Nguồn nhân lực giá rẻ. Như vậy có thể thấy chuỗi cung ứng của Việt Nam về vật liệu xây dựng cạnh tranh hơn nhiều so với nhà thầu quốc tế lớn như Hàn Quốc, Nhật Bản và thậm chí cả Trung Quốc.

Đứng trước cơ hội đó, để thay đổi triệt để tình trạng thiếu hụt tài chính, chúng ta cần đầu tư lượng vốn vừa đủ, để vừa giải quyết các khoản nợ, vừa đủ tài chính để phát triển thị trường nước ngoài và đầu tư cho những lĩnh vực mà HBC nhận thấy có thể tạo nên vị thế cạnh tranh tuyệt đối cho tập đoàn trong tương lai.

Hiện nay có một số nhà đầu tư quan tâm đến phương án phát hành cổ phiếu riêng lẻ của HBC. Tôi khẳng định giá phát hành 10.000 đồng/cp không làm thiệt hại cho cổ đông. Khi pha loãng Book value (giá trị sổ sách) tăng lên sẽ tăng lợi ích cho cổ đông.

Công ty đánh giá về khoản nợ quá hạn 1.800 tỷ đồng?

Ông Lê Văn Nam: Khoản phải thu quá hạn 1.800 tỷ đồng dự kiến sẽ thu về hết và khoảng 3  - 5 năm sẽ xong. Trong 2025, dự kiến thu khoảng 400 tỷ.

Với tỷ giá VND/USD hiện nay, HBC làm gì?

Ông Nguyễn Kinh Luân: Tại các thị trường HBC đầu tư là Mỹ và Campuchia, chúng ta hầu hết cung cấp dịch vụ tổng thầu với tiền nhận về là USD, như vậy tỷ giá USD tăng lên, điều này làm tăng giá trị doanh thu quy đổi sang VND. Bên cạnh đó, HBC cũng đã phòng ngừa rủi ro về tỷ giá đối với các vật liệu bị ảnh hưởng.

Đại hội kết thúc với tất cả tờ trình được thông qua.

Xem thêm tại vietnambiz.vn