Chủ tịch MB đề xuất cho phép doanh nghiệp Nhà nước có chế độ trả lương như tư nhân

Sáng nay,15/4, tại trụ sở Chính phủ, Hội nghị Thủ tướng Chính phủ làm việc với các Chủ tịch, Tổng giám đốc một số Tập đoàn, Tổng Công ty Nhà nước được tổ chức với chủ đề: Doanh nghiệp Nhà nước tiên phong trong chuyển đổi số và thúc đẩy tăng trưởng. 

Chủ tịch MB đề xuất cho phép doanh nghiệp Nhà nước có chế độ trả lương như tư nhân- Ảnh 1.

Chủ tịch Hội đồng quản trị Ngân hàng MB Lưu Trung Thái phát biểu - Ảnh VGP/Nhật Bắc

Phát biểu tại Hội nghị, Chủ tịch Hội đồng quản trị Ngân hàng Thương mại cổ phần Quân đội (MB) Lưu Trung Thái cho biết, theo kinh nghiệm chuyển đổi số trong nhiều năm qua, ngân hàng thầy rằng cần có tư duy làm việc và áp dụng các phương pháp giống như các công ty công nghệ.

Trên cơ sở đó, để có quy mô khách hàng lớn nhất, mỗi năm MB đầu tư cho công nghệ khoảng 100 triệu USD liên tục trong vòng 7 năm, áp dụng công nghệ mới nhất để giải bài toán có khách hàng nhanh. Trong 5 năm trở lại đây, mỗi năm MB có 5-7 triệu khách hàng mới, dẫn đầu thị trường về số lượng giao dịch và số lượng khách hàng mới vào hệ thống.

Song song đó, MB cũng dùng hệ thống của các công ty công nghệ đang làm, vận dụng vào MB, qua đó khiến doanh thu từ áp dụng chuyển đổi số của MB tăng gấp 3 lần so với thông thường.

Từ đó, MB cũng mạnh dạn xin ý kiến của các cổ đông MB cho phép đầu tư lớn cho công nghệ và tăng cường công tác nhân sự cho chuyển đổi số và dữ liệu.

Về các kiến nghị, Chủ tịch MB cho rằng, thứ nhất, nên ưu tiên các cơ hội về chuyển đổi số, các dự án lớn về công nghệ, dự án về nền tảng mới cho doanh nghiệp Nhà nước, từ đó phát huy tính dẫn dắt của các đơn vị này.

Thứ hai là cho phép doanh nghiệp Nhà nước có chế độ trả lương như doanh nghiệp tư nhân, từ đó các doanh nghiệp Nhà nước sẽ dựa vào doanh thu, lợi nhuận để đầu tư cho chuyển đổi số.

Chủ tịch MB đề xuất cho phép doanh nghiệp Nhà nước có chế độ trả lương như tư nhân- Ảnh 2.

Ông Hoàng Gia Khánh, Tổng Giám đốc Tổng Công ty Đường sắt Việt Nam phát biểu - Ảnh VGP/Nhật Bắc

Trình bày báo cáo tại Hội nghị, Thứ trưởng Bộ Tài chính Nguyễn Đức Tâm cho biết, đến cuối năm 2024, tổng tài sản của 671 DNNN (473 doanh nghiệp do Nhà nước nắm giữ 100% vốn điều lệ và 198 DN do Nhà nước nắm giữ trên 50% vốn điều lệ) đạt trên 5,6 triệu tỷ đồng, tăng 45% so với năm 2023; vốn chủ sở hữu đạt gần 3 triệu tỷ đồng, tăng 61%, tổng doanh thu đạt gần 3,3 triệu tỷ đồng, tăng 24%, lợi nhuận trước thuế gần 227,5 nghìn tỷ đồng, tăng 8% và nộp NSNN gần 400 nghìn tỷ đồng, tăng 9%.

Theo Thứ trưởng Nguyễn Đức Tâm, các DNNN trong lĩnh vực công nghệ số, VNPT và Tổng Công ty Viễn thông MobiFone đã thể hiện rõ nét vai trò dẫn dắt trong chuyển đổi số, xây dựng hạ tầng số cho các cơ quan của Chính phủ và nhiều địa phương, tổ chức, doanh nghiệp; phát triển và ứng dụng thành công các sản phẩm chuyển đổi số về dịch vụ khách hàng… Viettel đã đang thực hiện mục tiêu trở thành Tập đoàn công nghệ, kinh doanh toàn cầu, thực hiện thắng lợi chuyển đổi số, tiên phong kiến tạo xã hội số và là nòng cốt xây dựng tổ hợp công nghiệp quốc phòng công nghệ cao.

Nhóm "Big 4" các ngân hàng lớn nhất Việt Nam cũng chuyển đổi số mạnh mẽ trong nhiều năm qua; Vietcombank, Agribank… đều triển khai ngân hàng số, dễ dàng trong thao tác, tích hợp nhiều giải pháp bảo mật ưu việt trên hệ thống dịch vụ ngân hàng số hiện đại…

Tuy nhiên, bên cạnh kết quả đạt được, DNNN vẫn còn một số tồn tại trong việc thực hiện chuyển đổi số, đổi mới sáng tạo, hiệu quả hoạt động chưa tương xứng với nguồn lực nắm giữ; năng lực cạnh tranh, khoa học công nghệ còn hạn chế; công cụ quản trị kinh doanh còn chậm đổi mới, chưa làm chủ công nghệ lõi trong chuyển đổi số.

Xem thêm tại cafef.vn