Chủ tịch một DN tên tuổi trên sàn đã liên tục bán và bị giải chấp gần 60% vốn ra thị trường, giá cổ phiếu rơi 75% từ đầu năm xuống còn chưa nổi nửa cốc trà đá
Mới đây, CTCP Rạng Đông Holding (mã chứng khoán: RDP) đã công bố việc ông Hồ Đức Lam - Chủ tịch HĐQT công ty đã bị bán giải chấp 1,17 triệu cổ phiếu RDP, tương ứng 2,39% vốn điều lệ của công ty này. Thời gian thực hiện trong ngày 1/8. Như vậy, ông Hồ Đức Lam đã buộc phải hạ sở hữu từ 4,1 triệu đơn vị (8,48% vốn) về còn 2,9 triệu đơn vị (6,09% vốn).
Ông Hồ Đức Lam hiện vẫn đang là cổ đông lớn nhất của Rạng Đông Holding. Tuy nhiên, trong quá khứ, vào hồi cuối năm 2020 vị doanh nhân này từng sở hữu đến 64,2% vốn của Rạng Đông Holding. Sau đó, ông Hồ Đức Lam đã dần dần hạ tỷ lệ sở hữu của mình.
Tuy nhiên, từ tháng 8/2023 cho đến nay ông Hồ Đức Lam đã liên tục bán cổ phiếu RDP với tốc độ rất nhanh, hạ sở hữu tại Rạng Đông Holding từ 45% vốn về còn 6,1% vốn như hiện tại. Như vậy, chỉ trong vòng một năm Chủ tịch của Rạng Đông Holding đã bán tổng cộng hơn 19 triệu cổ phiếu, tương ứng mất gần 39% vốn. Trong quãng thời gian đó, ông Lam không chỉ bị bán giải chấp mà còn tự đăng ký bán cổ phiếu.
Trường hợp của ông Hồ Đức Lam nhắc chúng ta nhớ về những vụ lãnh đạo công ty bị bán giải chấp trong quá khứ, có thể kể đến như ông Đỗ Quý Hải - Chủ tịch HĐQT Hải Phát Invest (HPX), ông Nguyễn Văn Đạt - Chủ tịch HĐQT Phát Đạt (PDR) hay ông Bùi Thanh Nhơn - Chủ tịch Novaland (NVL). Tuy nhiên, như với ông Nguyễn Văn Đạt hay ông Bùi Thành Nhơn, các vị doanh nhân này chỉ bị bán giải chấp vài phần trăm công ty.
Với trường hợp ông Đỗ Quý Hải, vị doanh nhân này suốt trong quãng thời gian từ tháng 11/2022 đến tháng 9/2023 đã liên tục bán hàng chục triệu cổ phiếu HPX, có cả tự bán và bị bán giải chấp. Chủ tịch của Hải Phát Invest đã hạ sở hữu từ 40,4% vốn xuống còn 13,89% vốn và cũng đã dừng việc bán lại kể từ tháng 9/2023.
Như vậy, có thể thể thấy tỷ lệ ông Hồ Đức Lam hạ sở hữu của mình tại Rạng Đông Holding công ty là lớn hơn rất nhiều so với trường hợp của ông Đỗ Quý Hải.
Ông Hồ Đức Lam liên tục thoái vốn khỏi Rạng Đông Holding trong bối cảnh doanh nghiệp này bắt đầu kinh doanh chồi sụt. Cụ thể, doanh nghiệp này ghi nhận doanh thu giảm trong năm 2023 và báo lỗ gần 150 tỷ. Đến nửa đầu năm 2024, công ty này tiếp tục lỗ hơn 65 tỷ đồng. Tại thời điểm 30/6, Rạng Đông Holding đã lỗ lũy kế 266 tỷ đồng.
Sự kiện đánh dấu cho bước ngoặt đi xuống của doanh nghiệp này là việc Rạng động Holding đã thua kiện cổ đông ngoại Sojitz Planet Corporation (thuộc Tập đoàn Sojitz - Nhật Bản) và phải trả lại gần 157 tỷ đồng cùng các khoản phí, lệ phí liên quan. Chính vụ thua kiện này đã khiến chi phí dự phòng của Rạng Đông tăng vọt, dẫn đến việc doanh nghiệp này báo lỗ năm 2023
Năm 2016, Rạng Đông ký kết hợp tác thương mại toàn diện với Sojitz. Theo đó, Sojitz sẽ cung cấp nguyên liệu, chuyển giao công nghệ, hệ thống quản lý và phát triển sản phẩm mới theo tiêu chuẩn Nhật Bản cho Rạng Đông. Đến năm 2017, Rạng Đông và Sojitz tổ chức lễ ký kết cổ đông chiến lược. Ngoài ra, Sojitz còn mua 5 triệu cổ phần thông thường, đã phát hành và thanh toán đầy đủ tiền mua cổ phần tại CTCP Nhựa Rạng Đông Long An với giá mua hơn 174 tỷ đồng.
Tuy nhiên, theo Sojitz, sau khi chuyển nhượng cổ phần nêu trên, Rạng Đông đã vi phạm một số nghĩa vụ về việc đáp ứng các điều kiện sau chuyển nhượng. Do đó, căn cứ hợp đồng mua bán cổ phần, Sojitz thực hiện quyền chấm dứt hợp đồng và yêu cầu Rạng Đông hoàn trả ngay lập tức 90% giá mua cổ phần đã thanh toán, tương đương gần 157 tỷ đồng.
Tuy nhiên, Rạng Đông không hoàn trả nên Sojitz đã tiến hành khởi kiện vụ án tại Trung tâm Trọng tài Quốc tế Singapore (SIAC). Đến ngày 6/7/2022, Hội đồng trọng tài thuộc SIAC đã phán quyết Sojitz thắng kiện. Bị đơn Rạng Đông phải trả cho Sojitz số tiền gần 157 tỷ đồng như khoản bồi thường thiệt hại và phải trả cho Sojitz khoản tiền lãi 10%/năm đối với số tiền 157 tỷ đồng, tính từ ngày 1/4/2020 cho đến ngày thanh toán. Đồng thời, Rạng Đông còn phải trả phí và lệ phí của hội đồng trọng tài cũng như phí hành chính và lệ phí của SIAC hàng trăm triệu đồng.
Vụ kiện còn kéo dài đến tận cuối năm 2023 vì Tòa án nhân dân TP.HCM đã quyết định không công nhận phán quyết trọng tài SIAC. Tuy nhiên, sau khi xem xét lại, Tòa án nhân dân cấp cao tại TP.HCM đã quyết định, chấp nhận kháng cáo của Sojitz, công nhận và cho thi hành tại Việt Nam phán quyết trọng tài quốc tế nói trên.
Khó khăn về mặt tài chính, cộng thêm việc Chủ tịch bj bán giải chấp, cổ phiếu RDP cũng liên tục giảm. Cụ thể, kết phiên ngàu 2/8, thị giá RDP ở mức 2.410 đồng/cp (còn không bằng giá một ly trà đá), giảm gần 75% so với đầu năm.
Rạng Đông Holding trước là công ty Nhựa Rạng Đông và lên sàn HOSE năm 2009. Ông Hồ Đức Lam là anh em ruột với ông Hồ Quỳnh Hưng, Chủ tịch Bóng đèn Điện Quang (DQC). Ông Hồ Đức Dũng (con ông Lam) là thành viên HĐQT của RDP.
Xem thêm tại cafef.vn