Chủ tịch PAN: ‘Không tăng vốn nếu chưa có kế hoạch sử dụng hiệu quả’

Thận trọng kế hoạch 2025

Tại ĐHĐCĐ thường niên 2025 diễn ra chiều 23/4, HĐQT Công ty Cổ phần Tập đoàn PAN (HoSE: PAN) đã công bố kế hoạch kinh doanh hợp nhất năm 2025 với định hướng tăng trưởng có kiểm soát, trong bối cảnh thị trường quốc tế và nội địa còn nhiều biến động.

Cụ thể, doanh thu thuần hợp nhất dự kiến đạt 17.256 tỷ đồng, tăng 7% so với năm 2024. Lợi nhuận trước thuế và sau thuế lần lượt đạt 1.407 tỷ đồng và 1.210 tỷ đồng, cùng tăng 4%. Lợi nhuận sau thuế cổ đông công ty mẹ đặt mục tiêu 672 tỷ đồng, tăng 10%. Doanh nghiệp cũng dự kiến chia cổ tức tiền mặt tối thiểu 5%, nếu hoàn thành kế hoạch.

Theo HĐQT, năm 2025 được dự báo tiếp tục khó khăn với doanh nghiệp xuất khẩu do áp lực lạm phát, lãi suất và chính sách bảo hộ thương mại toàn cầu. Trong nước, tiêu dùng phục hồi chậm. Kế hoạch kinh doanh được xây dựng trên kịch bản tăng trưởng thận trọng. Nếu loại trừ khoản lợi nhuận bất thường từ thương vụ hợp nhất Công ty Hải Yến vào CTCP Khử trùng Việt Nam (VFG) trong năm 2024, lợi nhuận sau thuế cổ đông công ty mẹ thực tế tăng khoảng 20%.

Trong lĩnh vực nông nghiệp, PAN tiếp tục tập trung vào các mảng giống cây trồng, lương thực, thuốc bảo vệ thực vật và khử trùng – những ngành có lợi thế cạnh tranh cao.

Ở mảng thực phẩm, bánh kẹo được dự báo tăng trưởng doanh thu khoảng 15%, lợi nhuận trước thuế từ hoạt động cốt lõi tăng 10–15%, nhờ mở rộng thị trường Nhật Bản, Hàn Quốc và Trung Quốc. Mảng hạt và hoa quả sấy tăng trưởng kỳ vọng 10–15% khi nhu cầu phục hồi tại Trung Quốc, Hong Kong, đồng thời mở rộng thị trường Nhật Bản và phát triển các sản phẩm giá trị gia tăng.

Trong khi đó, lĩnh vực thủy sản được xây dựng kế hoạch thận trọng. Mảng tôm đối mặt với rủi ro từ các vụ kiện thuế tại Mỹ, nên kế hoạch doanh thu và lợi nhuận giữ ở mức tương đương 2024. Tuy nhiên, chi phí đầu vào có xu hướng hạ nhiệt và nếu các vụ kiện có kết quả tích cực, hiệu quả kinh doanh sẽ cải thiện. Mảng cá tra vẫn chịu áp lực từ giá xuất khẩu thấp, dự kiến tăng trưởng một chữ số.

Tại đại hội, Tổng Giám đốc PAN – bà Nguyễn Thị Trà My cho biết tập đoàn ghi nhận doanh thu thuần quý I/2025 đạt 4.119 tỷ đồng, tăng 19% so với cùng kỳ và hoàn thành 24% kế hoạch năm. Lợi nhuận sau thuế đạt 194 tỷ đồng, tăng 15,2%; lợi nhuận sau thuế cổ đông công ty mẹ đạt 108 tỷ đồng, tăng 29% và tương ứng 16% kế hoạch năm.

Cơ cấu doanh thu theo ngành: thủy sản đóng góp 52,3%, nông nghiệp 35,3%, thực phẩm đóng gói 12,3%.

Trong đó, mảng nông nghiệp tăng trưởng doanh thu 10%, lợi nhuận trước thuế tăng 20%, chủ yếu nhờ VFG. Mảng thủy sản có doanh thu tăng 36% nhưng lợi nhuận trước thuế giảm 13%, do Fimex lãi giảm 36%, dù Aquatex Bentre tăng gần gấp đôi lợi nhuận. Mảng thực phẩm đóng gói biến động nhẹ, Lafooco giảm nhưng Bibica tăng trưởng bù đắp.

Chia cổ tức thấp để đầu tư dài hạn

Tại đại hội, trả lời về việc duy trì mức cổ tức tiền mặt ở mức tối thiểu 5% dù năm 2024 ghi nhận lợi nhuận cao, Chủ tịch HĐQT Nguyễn Duy Hưng khẳng định đây là lựa chọn có chủ đích nhằm ưu tiên nguồn lực cho đầu tư dài hạn. Theo ông Hưng, việc tái đầu tư sẽ tạo nền tảng vững chắc hơn cho tăng trưởng, từ đó mở ra cơ hội nâng tỷ lệ cổ tức trong các năm tới.

“Chúng tôi không chia cổ tức cao trước mắt để giữ lại nguồn lực, đầu tư cho tương lai. Với chiến lược này, khi các dự án mới đi vào ổn định, cổ đông sẽ được hưởng thành quả bền vững hơn”, ông nói.

Về triển vọng kinh doanh ba quý còn lại của năm 2025, ông Hưng nhìn nhận môi trường vĩ mô tiếp tục nhiều biến động, đặc biệt là từ thị trường quốc tế và lãi suất toàn cầu. Tuy nhiên, việc PAN đặt mục tiêu tăng trưởng là có cơ sở. “Chưa bao giờ làm kinh doanh là không khó khăn, đặc biệt trong bối cảnh hiện nay. Nhưng khi chúng tôi đã đặt mục tiêu, nghĩa là chúng tôi tin mình có thể làm được. Trước giờ, chúng tôi vẫn giữ được lời hứa đó,” ông nhấn mạnh.

Đối với ảnh hưởng từ đà giảm giá gạo – một mặt hàng chủ lực trong hoạt động xuất khẩu, ông Hưng cho biết PAN tập trung vào phân khúc cao cấp, có thương hiệu, không đi vào dòng phổ thông nên mức độ ảnh hưởng được đánh giá là không đáng kể.

Trước câu hỏi về việc nhiều công ty thành viên gần đây thay đổi Chủ tịch HĐQT, ông Hưng khẳng định đây là bước đi bình thường trong chiến lược phát triển nhân sự và tái cấu trúc hệ thống.

“Tre già măng mọc. Đến lúc thay thì phải thay. Nếu chúng tôi là doanh nghiệp nhà nước thì nhiều người đã nghỉ hưu từ lâu rồi,” ông nói, đồng thời cho biết việc thay Chủ tịch tại các công ty như Bibica, ABT hay Lafooco đều không ảnh hưởng tiêu cực mà ngược lại, giúp cải thiện kết quả kinh doanh.

Trường hợp Vinaseed được ông Hưng nêu cụ thể: “Trước đây công ty chỉ tăng trưởng khoảng 2% mỗi năm. Sau khi thay Chủ tịch, họ mạnh dạn đặt mục tiêu tăng trưởng 14%. Nếu không có tinh thần đổi mới, sẽ không ai dám đặt ra kế hoạch như vậy.”

Về kế hoạch tăng vốn tại công ty mẹ, Chủ tịch PAN cho biết doanh nghiệp sẽ không thực hiện nếu chưa có phương án sử dụng nguồn vốn rõ ràng. “Chúng tôi chỉ tăng vốn khi có cơ hội và kế hoạch đầu tư cụ thể, không tăng trước rồi mới tính tiếp,” ông nói.

Với các công ty thành viên, PAN sẵn sàng thoái vốn nếu tìm được đối tác phù hợp và có năng lực vận hành hiệu quả hơn. “Chúng tôi chỉ giữ lại doanh nghiệp nếu còn làm tốt. Nếu không làm tốt mà có người khác làm tốt hơn, chúng tôi sẵn sàng chuyển giao,” ông Hưng khẳng định.

Xem thêm tại vietnamfinance.vn