Chủ tịch Phan Đức Tú: Thuế quan của Mỹ ảnh hưởng đến 300.000 tỷ đồng dư nợ tín dụng của BIDV

Chủ tịch Hội đồng quản trị Ngân hàng TMCP Đầu tư và Phát triển Việt Nam (BIDV).
Sáng ngày 26/4, Ngân hàng TMCP Đầu tư và Phát triển Việt Nam (BIDV - HOSE: BID) đã tổ chức Đại hội đồng cổ đông thường niên. Tại sự kiện, một trong những vấn đề được các cổ đông quan tâm là ảnh hưởng từ chính sách thuế quan của Mỹ tới hoạt động của BIDV.
Trả lời câu hỏi này, ông Phan Đức Tú – Chủ tịch Hội đồng Quản trị BIDV – cho biết, các chính sách thuế quan từ phía Mỹ chắc chắn sẽ có những tác động nhất định tới hoạt động kinh doanh của ngân hàng.
Theo ông Tú, tổng dư nợ của các nhóm khách hàng có khả năng bị ảnh hưởng bởi chính sách này hiện vào khoảng 300.000 tỷ đồng, tương đương 15% tổng dư nợ của BIDV. Những ngành nghề có nguy cơ chịu ảnh hưởng lớn bao gồm thép, cơ khí, nhựa, thủy sản, dệt may, phương tiện vận tải, máy tính và bất động sản công nghiệp.
“Thuế quan từ Mỹ có thể tác động toàn diện đến nhiều mặt hoạt động như tín dụng, huy động vốn hay dịch vụ ngân hàng. Cụ thể, nhu cầu vay vốn sẽ sụt giảm khi các doanh nghiệp xuất khẩu bị đình trệ, buộc phải cắt giảm sản xuất để tìm kiếm thị trường mới. Từ đó kéo theo sự suy giảm trong nhu cầu tín dụng.
Không chỉ vậy, hoạt động huy động vốn, đặc biệt là từ các doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài (FDI) cũng sẽ bị ảnh hưởng, bởi phần lớn lượng tiền gửi của nhóm này là ngoại tệ”, ông Tú nhấn mạnh.

Về chất lượng tài sản, ông Phan Đức Tú cho rằng đây cũng là lĩnh vực chịu tác động. Khi dòng tiền của doanh nghiệp bị gián đoạn do thị trường xuất khẩu bị ảnh hưởng, việc trả nợ ngân hàng sẽ chậm lại, khiến chất lượng tín dụng giảm sút, dẫn tới ngân hàng phải tăng trích lập dự phòng và làm giảm lợi nhuận. Trong bối cảnh đó, BIDV sẽ triển khai các chính sách hỗ trợ đối với khách hàng truyền thống gặp khó khăn.
Dù chưa có kết quả chính thức từ đàm phán thương mại Mỹ - Trung, BIDV vẫn đang thận trọng xây dựng các kịch bản ứng phó. Ông Tú khẳng định, với sự chuẩn bị kỹ lưỡng, ngân hàng hoàn toàn có khả năng kiểm soát tốt chất lượng tài sản, như đã từng làm trong giai đoạn 2020–2024, khi lợi nhuận trước thuế tăng gấp ba lần – từ 10.000 tỷ đồng lên gần 32.000 tỷ đồng.
Ngoài ra, một nội dung mới được cổ đông đặt câu hỏi là liệu BIDV có kế hoạch tham gia xây dựng sàn giao dịch tài sản số hay không.
Trả lời tại đại hội, Tổng Giám đốc Lê Ngọc Lâm cho biết BIDV, với vai trò là ngân hàng thương mại Nhà nước, sẽ phối hợp tích cực cùng các cơ quan chức năng trong việc triển khai các chương trình liên quan đến tài sản số. Tuy nhiên, ông cũng nhấn mạnh rằng việc xây dựng các sàn giao dịch số là nhiệm vụ dành cho khu vực tư nhân, và hiện BIDV không có kế hoạch thành lập công ty để thực hiện hoạt động này.
Ông Lâm chia sẻ thêm, việc phát triển sàn giao dịch số đòi hỏi vốn đầu tư rất lớn, công nghệ cao và nhiều yếu tố phức tạp khác. BIDV sẽ đóng vai trò hỗ trợ, tư vấn và đồng hành trong quá trình triển khai, tận dụng kinh nghiệm nhiều năm trong lĩnh vực tài chính – ngân hàng.
Cũng trong đại hội sáng nay, Tổng Giám đốc Lê Ngọc Lâm cũng cho biết, trong quý I/2024, lợi nhuận trước thuế riêng lẻ của BIDV đạt 7.019 tỷ đồng, giảm 1,5% so với cùng kỳ năm trước. Trong năm 2024, lợi nhuận trước thuế của khối ngân hàng thương mại đạt 30.610 tỷ đồng, tăng 15% so với năm 2023 và vượt kế hoạch đề ra. Lợi nhuận hợp nhất trước thuế đạt 31.990 tỷ đồng, tăng 16% so với cùng kỳ.
Tính đến cuối quý I/2025, tổng tài sản của BIDV đạt 2,8 triệu tỷ đồng. Dư nợ tín dụng đạt 2,07 triệu tỷ đồng, tăng 2,6% so với đầu năm; huy động vốn đạt 2,17 triệu tỷ đồng, tăng 1,7%; tỷ lệ nợ xấu được kiểm soát ở mức khoảng 1,65%.
Xem thêm tại cafef.vn