Chủ tịch TCM: ‘Năm 2024 sẽ tốt hơn, nhận gần đủ đơn hàng cho quý I’
Số lượng đơn hàng đang tăng dần
Ngành dệt may Việt Nam trong năm 2023 gặp nhiều khó khăn do đơn hàng nhỏ lẻ, đơn giá giảm. Nhiều doanh nghiệp phải sa thải hàng loạt nhân sự do không có đủ đơn hàng hoặc chấp nhận lỗ để có việc làm cho người lao động.
Theo thống kê của Hiệp hội Dệt may Việt Nam (Vitas), tính đến giữa tháng 12/2023, kim ngạch xuất khẩu dệt may đạt khoảng 40,3 tỷ USD, thấp hơn 10% so với 2022.
Tuy nhiên, ngành dệt may đang có dấu hiệu tốt dần trong các tháng cuối năm, Vitas đặt mục tiêu kim ngạch xuất khẩu 44 tỷ USD vào năm 2024, tiệm cận mức kỷ lục 2022.
Trò chuyện với Nhadautu.vn, ông Trần Như Tùng, Chủ tịch HĐQT Công ty cổ phần Dệt may – Đầu tư – Thương mại Thành Công (mã: TCM) cho biết năm 2023 doanh nghiệp luôn trong tình trạng hoạt động không đủ công suất, doanh thu thực hiện khoảng 85% so với kế hoạch đặt ra. Tuy nhiên, tình hình đã có sự cải thiện gần đây, hiện công ty đã nhận gần đủ đơn hàng cho quý I, khoảng 95%, nghĩa là đã có thể hoạt động full công suất trở lại.
Lãnh đạo TCM tin rằng năm 2024 sẽ tốt hơn năm 2023, số lượng đơn hàng có xu hướng tăng dù không mạnh mẽ như sau đợt dịch Covid-19 và giá chưa thực sự tốt.
“Sự phục hồi của ngành dệt may phụ thuộc nhiều vào nền kinh tế lớn nhất và thị trường xuất khẩu lớn nhất của Việt Nam là Mỹ. Fed phát đi tín hiệu lãi suất đạt đỉnh và sẽ sớm giảm. Khi việc này xảy ra, cầu người dân tăng lên, khi đó đơn hàng dệt may nói riêng và xuất khẩu nói chung sẽ tăng trở lại. Theo đó, năm 2024 sẽ có cơ hội sáng hơn năm 2023”, ông Tùng nói.
Dù vậy, Chủ tịch TCM cũng nhấn mạnh thách thức ngành dệt may phải đối mặt năm 2024 chính là các yếu tố liên quan đến phát triển bền vững, tiêu chuẩn ESG (môi trường, xã hội và quản trị doanh nghiệp). Hiện nay, các nước ở châu Âu, cụ thể là Đức đã áp dụng quy định những sản phẩm nhập vào phải đáp ứng tiêu chuẩn ESG. Nếu doanh nghiệp Việt không cải thiện được sẽ rất khó để nhận đơn hàng.
Kế hoạch kinh doanh 2024 tăng trưởng 10%
Dệt may Thành Công tiền thân là xí nghiệp tư nhân quy mô 500 lao động, có lịch sử thành lập từ năm 1967. Công ty cổ phần hóa và đưa cổ phiếu lên sàn chứng khoán từ 2006. Đến năm 2009, doanh nghiệp đón cổ đông chiến lược nước ngoài Công ty E-land Asia Holdings Pte.Ltd (Singapore) – trực thuộc Tập đoàn E-land của Hàn Quốc.
Qua quá trình phát triển, doanh nghiệp trở thành một trong số ít đơn vị đã phát triển được chuỗi khép kín từ sợi đến may, quy mô doanh thu 3.500 – 4.000 tỷ đồng mỗi năm. Sản phẩm xuất khẩu qua hơn 20 quốc gia, trong đó thị trường chính gồm Mỹ, Nhật Bản và Hàn Quốc. Năm 2023, nhờ đa dạng hóa thị trường mà đơn hàng của doanh nghiệp không có sự sụt giảm nhiều như các đơn vị cùng ngành khác. Hai thị trường lớn Nhật Bản và Hàn Quốc gần như đi ngang, sụt giảm chủ yếu đến từ thị trường Mỹ.
Ông Tùng kỳ vọng thị trường Mỹ sẽ có sự phục hồi tốt trong năm 2024. Chiến lược của TCM là cố gắng tìm kiếm đơn hàng nhiều nhất có thể, không chỉ Mỹ mà tất cả thị trường Việt Nam có ký hiệp định thương mại tự do. Như trong khối CPTPP, công ty đã phát triển thêm thị trường Canada, Úc; trong khối EVFTA thì phát triển thêm một số quốc gia châu Âu. Với thị trường Canada, tuy mới phát triển năm vừa qua nhưng đã đóng góp gần 8% doanh thu.
Nhìn lại năm 2023, Chủ tịch TCM bày tỏ doanh nghiệp chỉ đạt được 85% kế hoạch doanh thu và gần 90% kế hoạch lợi nhuận. Song, công ty đã giữ được và duy trì thu nhập ổn định cho người lao động, bố trí được 1 tháng lương thứ 13. Ngoài ra, công ty cũng có thưởng theo KPI cho nhân sự hoàn thành tốt nhiệm vụ.
Qua năm nay, ban lãnh đạo công ty dự định đề ra kế hoạch kinh doanh tăng trưởng 10% so với thực hiện 2023. “Đây là kế hoạch thận trọng và tương xứng với tiềm năng tăng trưởng chung của ngành”, ông Trần Như Tùng nói.
Xem thêm tại nhadautu.vn