Chủ tịch TPS: Giai đoạn 2024-2025 chứng khoán Việt Nam sẽ rất phát triển

HOP TPS

Lãnh đạo TPS trả lời cổ đông. Ảnh: M.H

Kế hoạch lãi tăng 25%

Sáng ngày 24/4, Chứng khoán Tiên Phong – TPS (mã: ORS) tổ chức họp ĐHCĐ thường niên 2024. Báo cáo cổ đông, bà Bùi Thị Thanh Trà, Tổng Giám đốc đánh giá năm 2023 thị trường chứng khoán đã có thăng trầm do ảnh hưởng bởi nhiều biến động vĩ mô trong và ngoài nước. Công ty ghi nhận doanh thu tăng 7% lên 2.919 tỷ đồng và lợi nhuận sau thuế tăng 68% lên 228,5 tỷ đồng.

Năm nay, TPS lên kế hoạch doanh thu 2.551 tỷ đồng, giảm 13% so với thực hiện 2023; lợi nhuận sau thuế 286 tỷ đồng, tăng 25%.

Bà Trà cho rằng năm 2024, thị trường chứng khoán vẫn còn các biến số về căng thẳng địa chính trị thế giới, tình hình đáo hạn trái phiếu trong nước đặc biệt là trái phiếu ngành bất động sản và năng lượng tái tạo. Tuy nhiên, thị trường được hỗ trợ bởi môi trường lãi suất thấp; nền kinh tế phục hồi; hệ thống KRX vận hành cũng cố cho khả năng nâng hạng và giúp thanh khoản cải thiện; thị trường trái phiếu phục hồi trở lại khi nhu cầu phát hành trái phiếu của các doanh nghiệp bất động sản vẫn lớn, việc các dự án dần được tháo gỡ về pháp lý là tiền đề cho hoạt động huy động vốn và cơ cấu nợ.

Do vậy, bà Trà chia sẻ với thế mạnh trong lĩnh vực ngân hàng đầu tư, tư vấn trái phiếu doanh nghiệp, công ty sẽ tiếp tục đẩy mạnh hoạt động này, chú trọng trái phiếu niêm yết, lựa chọn tổ chức phát hành có tên tuổi, uy tín, theo các chuẩn mực của 5Cs (Cashflow, Capital, Conditions, Collateral, Corporate Governance) để tư vấn và phân phối đến các nhà đầu tư.

Bên cạnh đó, dự báo các hoạt động M&A, IPO, huy động vốn năm nay sẽ trở nên sôi động hơn, công ty sẽ phát triển các mảng hoạt động kinh doanh đang có tiềm lực khai thác lớn như tư vấn niêm yết, tư vấn tái cấu trúc doanh nghiệp (thoái vốn, thu xếp vốn, mua bán - sáp nhập), tư vấn mua bán nợ, bảo lãnh phát hành chứng khoán, mở rộng phân khúc môi giới, cho vay ký quỹ… nhằm đa dạng nguồn doanh thu và lợi nhuận.

Tăng vốn lên 5.512,5 tỷ đồng

Vào quý I, công ty đã hoàn tất thủ tục tăng vốn lên 3.000 tỷ đồng. HĐQT trình phương án triển khai thêm các đợt phát hành cổ phiếu trong năm để tăng lên 5.512,5 tỷ đồng.

Cụ thể, công ty chia cổ tức tỷ lệ 12% bằng cổ phiếu, tương đương phát hành 36 triệu cổ phiếu; phát hành ESOP 14 triệu cổ phiếu và chào bán cho cổ đông hiện hữu 201,25 triệu đơn vị. Các đợt phát hành sẽ được thực hiện trong năm 2024 đến quý II/2025. Giá chào bán ESOP là 10.000 đồng/cp và chào bán cho cổ đông không thấp hơn 10.000 đồng/cp.

Ngoài ra, TPS cũng sẽ phát hành/chào bán trái phiếu với tổng hạn mức tối đa 1.000 tỷ đồng để bổ sung nguồn vốn trung, dài hạn đáp ứng nhu cầu mở rộng hoạt động kinh doanh như tự doanh, bão lãnh phát hành chứng khoán…

Thảo luận:

Công ty nên chia cổ tức tiền mặt do đã huy động vốn từ cổ đông nhiều nhưng chưa chia lại?

Ông Đỗ Anh Tú – Chủ tịch HĐQT: Cơ hội thị trường đang tốt nên ban lãnh đạo vẫn muốn dồn nguồn lực cho phát triển. Tôi tin rằng hiệu quả đem lại cho các năm sau rất nhiều.

Việc liên tục tăng vốn có ảnh hưởng đến pha loãng cổ phiếu?

Ông Đỗ Anh Tú – Chủ tịch HĐQT: Qua tiếp xúc với nhà đầu tư, họ nhận định chưa có thị trường nào có PE đẹp như Việt Nam, trong 2 năm nữa 2024 – 2025 thị trường chứng khoán sẽ rất phát triển. Qua đó để thấy được kỳ vọng của nhà đầu tư.

Công ty muốn tận dụng cơ hội thì phải tăng vốn điều lệ để tăng quy mô cho vay margin. Tôi cho rằng việc tăng vốn điều lệ sẽ đem lại hiệu quả rất tốt và cổ đông không cần lo lắng về việc cổ phiếu bị pha loãng.

TPS có thế mạnh trong lĩnh vực trái phiếu và rất tích cực phát triển. Trong 2 năm qua, thị trường trái phiếu gặp khó khăn, ban lãnh đạo cho biết các rủi ro liên quan tính đến nay ra sao? Công ty rút ra bài học gì sau đợt vừa rồi?

Bà Bùi Thị Thanh Trà - CEO: TPS trong quá trình tư vấn phát hành cho các tổ chức phát hành, hệ sinh thái tập đoàn đều chú trọng đến uy tín và tài sản đảm bảo của lô trái phiếu. Cho đến nay, các tổ chức phát hành, tập đoàn mà TPS tư vấn phát hành đều đáp ứng được quyền lợi nhà đầu tư trái phiếu.

Giai đoạn 2021 – 2022, các doanh nghiệp phát hành trái phiếu ồ ạt, việc giám sát lỏng lẻo và không có chuẩn mực đã dẫn đến đổ bể không đáng có. Một số doanh nghiệp, tập đoàn có nền tảng tốt, tài sản lớn nhưng phát hành trái phiếu ồ ạt đã dẫn đến hệ lụy xấu.

Tuy nhiên, các năm gần đây, đặc biệt là 2024, các cơ quan quản lý đã đưa ra nhiều tiêu chí, siết chặt hơn quá trình phát hành trái phiếu, minh bạch thông tin hơn. Đây là điều kiện rất tốt để nhà đầu tư trái phiếu hiểu rõ hơn về tổ chức phát hành.

TPS đã làm việc với doanh nghiệp và đối tác tương lai, tư vấn họ phải thực hiện xếp hạng tín nhiệm, đáp ứng tiêu chí về nguồn vốn trên tài sản, tài sản đảm bảo, không chỉ doanh nghiệp và cả trái phiếu cũng được xếp hạng tín nhiệm nhằm đảm bảo minh bạch thông tin.

Ban lãnh đạo đánh giá thị trường trái phiếu đang phục hồi dần nhưng không thể tăng trưởng nóng như 2021 – 2022. Qua tiếp xúc với các doanh nghiệp, tập đoàn thì họ đã thận trọng hơn, e dè hơn trong phát hành trái phiếu sau giai đoạn vừa qua.

TPS đưa ra tiêu chí lựa chọn đối tác là có uy tín, nguồn tiền đảm bảo thanh toán nghĩa vụ trái phiếu, chọn lựa đơn vị niêm yết trên sàn chứng khoán hay có xếp hạng tín nhiệm đáp ứng đủ tiêu chí.

Ban lãnh đạo chia sẻ rủi ro liên quan đến lô trái phiếu liên quan DGT?

Bà Bùi Thị Thanh Trà – CEO: Giá trị của lô trái phiếu đến nay khoảng 200 tỷ đồng. Tài sản đảm bảo của lô trái phiếu gồm 2 mỏ và cổ phiếu DGT. Hiện các tài sản đảm bảo được định giá cao hơn giá trị lô trái phiếu nên nên cổ đông yên tâm.

Ban lãnh đạo đánh giá thế nào về xu hướng “xanh” hiện nay?

Ông Đỗ Anh Tú – Chủ tịch HĐQT: TPS nhận thấy đây là xu hướng. Trong các hoạt động tư vấn phát hành trái phiếu, tư vấn vốn, công ty sẽ chú trọng đến những doanh nghiệp thực hành ESG, phát triển xanh…

Đại hội kết thúc với việc các tờ trình được thông qua.

Xem thêm tại nhadautu.vn