Chủ tịch Trần Đình Long khẳng định, Hòa Phát thành công vì KHÔNG bị biến thành tập đoàn họ hàng: Làm việc tại công ty "gia đình trị" tại sao khiến nhân viên sợ hãi?
Hòa Phát không muốn thành tập đoàn họ hàng
Trong một bài phỏng vấn với báo chí cách đây vài năm, khi được hỏi về vấn đề đưa nhân viên là người thân vào làm việc tại công ty, ông Trần Đình Long - Chủ tịch HĐQT tập đoàn Hòa Phát đã khẳng định họ hàng không phải tiêu chí để tuyển dụng. Thậm chí, càng là vợ của các lãnh đạo càng không được vào làm việc. Nguyên văn trích đoạn trả lời của ông Long như sau:
"Người ta đồn rằng ở Hoà Phát thì họ hàng của lãnh đạo không được vào làm việc tại công ty. Điều này thực hư ra sao?
Không phải! Chính xác phải là không lấy tiêu chí họ hàng để tuyển dụng, chứ họ hàng trong công ty này cũng nhiều chứ. Chúng tôi không điều hành theo cách cực đoan đến vậy đâu. Họ hàng ở trong công ty rất nhiều, nhưng đều ở những vị trí rất bình thường.
Trước đây, khi tôi làm kinh doanh một thời gian, công ty cũng to rồi, có một người thân khuyên rằng: "Phải đưa người nhà vào một số vị trí quan trọng để quản lý tiền cho mình thì mới an tâm. Chứ làm lớn như vậy tiền nong không cẩn thận là mất hết!". Lúc đó, tôi trả lời: "Không cần như vậy đâu!". Chúng tôi vận hành các vị trí trong công ty theo năng lực, công việc chứ không liên quan đến họ hàng.
Cái này thì không thể nói hay hoặc dở được được, mà là chính sách của mỗi công ty mỗi khác. Nhưng tôi nghĩ ngày hôm nay chúng tôi thành công ở điều đó đấy, vì không biến Hoà Phát trở thành một tập đoàn họ hàng.
Vậy còn vợ các sếp của Hoà Phát có can thiệp vào chuyện công ty không, như vợ ông còn có tên trong danh sách cổ đông lớn?
Các bà vợ thì tuyệt đối không được làm ở đây, nhất là vợ của các lãnh đạo công ty. Ngay cả vợ tôi cũng vậy, tuyệt đối không giao vị trí, hay công việc gì ở Hòa Phát cả.
Nhưng điều này không đồng nghĩa với việc Hòa Phát không trọng dụng phụ nữ. Là một công ty thuộc lĩnh vực công nghiệp nặng, nhưng tỷ lệ nữ giới ở Hòa Phát làm lãnh đạo khoảng trên 30%, và nhiều người ở vị trí lãnh đạo cấp cao. Tôi nghĩ mình nên được tặng danh hiệu vì sự tiến bộ của phụ nữ (cười to). Nói đùa vậy thôi chứ tôi thấy cán bộ nữ ở đây có nhiều tố chất nổi trội như chăm chỉ, cẩn thận và thú thật là họ cũng rất giỏi."
Công ty gia đình có gì đặc biệt?
Làm việc tại công ty gia đình khi sếp trên, sếp dưới đều là người nhà là điều khiến nhiều người sợ hãi.
Công ty gia đình là một hình thức doanh nghiệp mà một hoặc nhiều thành viên trong cùng một gia đình có ảnh hưởng lớn đến quyết định và hoạt động của công ty. Loại hình này có thể phân loại dựa trên nhiều tiêu chí, bao gồm quy mô, mức độ tham gia của gia đình, và việc kế thừa quyền lực.
Theo VietnamWorks, có ba loại công ty gia đình phổ biến:
Công ty gia đình nhỏ: Đây là các công ty có quy mô nhỏ, thường chỉ có một hoặc hai thành viên gia đình làm chủ hoặc quản lý. Các ví dụ điển hình là cửa hàng, quán ăn, và tiệm may...
Công ty gia đình trung bình: Đây là các công ty có quy mô trung bình, thường có nhiều hơn hai thành viên gia đình tham gia vào quản lý hoặc sở hữu. Ví dụ điển hình là các công ty sản xuất, dịch vụ, và thương mại.
Công ty gia đình lớn: Đây là các công ty có quy mô lớn, thường có nhiều thế hệ của gia đình tham gia vào quản lý hoặc sở hữu. Chẳng hạn như các tập đoàn và doanh nghiệp đa quốc gia.
Có nhiều ví dụ về các công ty gia đình thành công trên khắp thế giới, như Walmart, Samsung và Ford. Các công ty này đã tồn tại qua nhiều thế hệ và duy trì sự uy tín, phát triển bền vững trên thị trường.
Công ty gia đình có những đặc điểm và lợi thế riêng biệt so với các hình thức doanh nghiệp khác, bao gồm sự gắn kết cao giữa các thành viên gia đình, sự truyền thống của giá trị và nguyên tắc kinh doanh, tính linh hoạt trong quản lý, khả năng chịu đựng khủng hoảng.
Song, làm việc tại một công ty gia đình cũng tiềm ẩn nhiều khó khăn và áp lực đối với nhân sự.
Theo một nghiên cứu của Viện Nghiên cứu Kinh doanh Gia đình (Family Business Institute), tỷ lệ nghỉ việc của nhân sự ở công ty gia đình là 21%, cao hơn so với tỷ lệ 16% của công ty phi gia đình. Điều này cho thấy rằng nhân sự tại các công ty gia đình thường không hài lòng và không muốn gắn bó lâu dài tại đó.
Có một số nguyên nhân và hậu quả khiến nhân sự cảm thấy "khổ tâm" khi làm việc tại công ty gia đình:
- Thiếu minh bạch: Các công ty gia đình thường thiếu minh bạch trong việc ra quyết định, phân phối nguồn lực, đánh giá hiệu suất và trả lương. Nhân sự có thể cảm thấy bị bỏ rơi, không công bằng, hoặc không được tôn trọng khi không biết rõ về các tiêu chí và quy trình của công ty.
- Thiên vị: Các công ty gia đình thường có xu hướng thiên vị người thân trong việc thăng tiến, giao nhiệm vụ hoặc xử lý xung đột. Nhân sự có thể cảm thấy bị phân biệt đối xử, mất cơ hội hoặc bị áp bức khi phải chịu sự ưu ái hoặc bắt nạt từ các thành viên gia đình.
- Xung đột lợi ích: Các công ty gia đình thường đối mặt với xung đột lợi ích giữa các thành viên gia đình trong việc quản lý và phát triển công ty. Nhân sự có thể cảm thấy bị kéo vào các mâu thuẫn hoặc tranh chấp không liên quan đến công việc, hoặc bị ép buộc phải tuân theo ý muốn của các thành viên gia đình.
- Áp lực tâm lý: Các công ty gia đình thường đánh đổi sự gắn kết và trách nhiệm của các thành viên gia đình bằng áp lực tâm lý cao. Nhân sự có thể cảm thấy căng thẳng, lo lắng, hoặc mất cân bằng giữa công việc và cuộc sống khi phải làm việc với các thành viên gia đình.
Những nguyên nhân và hậu quả này có thể dẫn đến rủi ro và thách thức cho nhân sự khi làm việc tại công ty gia đình:
- Thiếu cơ hội thăng tiến: Nhân sự có thể bị hạn chế cơ hội thăng tiến khi các vị trí quan trọng thường được dành riêng cho các thành viên gia đình. Điều này có thể làm giảm động lực, khả năng học hỏi, và sáng tạo của nhân sự, cũng như mất đi sự hứng thú và đam mê với công việc.
- Bị phụ thuộc: Nhân sự có thể trở nên phụ thuộc vào công ty gia đình khi họ thiếu kỹ năng, kiến thức hoặc kinh nghiệm để làm việc ở nơi khác. Điều này có thể làm giảm sự tự tin, độc lập và khả năng thích ứng của họ, cũng như hạn chế sự phát triển nghề nghiệp.
- Bị mất giá trị: Nhân sự có thể cảm thấy bị mất giá trị khi công việc của họ không được công nhận, đánh giá, hoặc thưởng. Điều này có thể làm giảm sự hài lòng, sự gắn kết, và lòng trung thành của nhân sự, cũng như tăng tỷ lệ nghỉ việc hoặc chuyển việc.
Làm ở công ty gia đình lương 1,5 tỷ/năm, tôi vẫn không trụ nổi vài tháng
Chia sẻ của một kỹ sư tên Lý Bình về trải nghiệm làm việc tại mô hình công ty gia đình thu hút nhiều sự chú ý trên nền tảng Toutiao (Trung Quốc).
Theo đó, Lý Bình từng làm kỹ sư kỹ thuật tại một công ty ở Thâm Quyến với mức lương 20.000 NDT/tháng trong 5 năm. Môi trường lẫn sếp đều không có gì để chê, không cần tăng ca đi sớm về muộn nhưng mức lương này ở thành phố lớn như Thâm Quyến không phải cao, làm 5 năm chưa được tăng lương thăng tiến nên Lý Bình luôn nung nấu ý định "nhảy việc".
Bước ngoặt đến khi anh được mời đến làm việc tại công ty khác ở vị trí quản lý bộ phận kỹ thuật với mức lương 30.000 NDT/tháng (hơn 100 triệu đồng) chưa kể thưởng cuối năm. Theo đại diện công ty này, thu nhập 1 năm của Lý Bình không dưới 450.000 NDT (~1,5 tỷ đồng). Sau một đêm cân nhắc, mặc cho lời khuyên can của vợ, Lý Bình vẫn cảm thấy đây là cơ hội phát triển tuyệt vời nên xin từ chức tại công ty cũ.
Thế nhưng "đời không như mơ", khi bắt đầu làm việc tại công ty này, ngay trong buổi họp đầu tiên, anh đã nhận ra tất cả lãnh đạo đều là người nhà. Giám đốc tài chính là em gái sếp tổng, giám đốc nhân sự là em rể, các trưởng phòng khác đều là người thân của Chủ tịch công ty. Thậm chí mọi người trong cuộc họp còn nói chuyện bằng tiếng địa phương xen lẫn tiếng phổ thông khiến Lý Bình cảm thấy bản thân vô cùng lạc lõng.
Lý Bình được giao phụ trách dự án lớn về công nghệ cùng giám đốc kỹ thuật là ông Trần. Nhưng ông Trần lại nói Lý Bình sẽ hoàn toàn chịu trách nhiệm về dự án này, chỉ cần báo cáo với ông hàng ngày là đủ. Sau đó người đàn ông họ Lý phát hiện ra ông Trần chỉ có chuyên môn mua bán nguyên vật liệu, hoàn toàn không biết gì về công nghệ.
Làm việc một thời gian, Lý Bình nhận ra một cô gái trong bộ phận của mình ngày nào cũng làm việc "cưỡi ngựa xem hoa", chỉ mải trang điểm và làm đẹp trong giờ làm việc. Khi bị Lý Bình nhắc nhở, cô gái đó đáp trả bằng thái độ không nghiêm túc nên anh đã đề xuất với ông Trần nên sa thải nhân viên này. Thế nhưng ông Trần chỉ nói anh hãy tập trung làm tròn trách nhiệm của bản thân thay vì để ý người khác. Chỉ đến khi một đồng nghiệp tiết lộ, Lý Bình mới biết cô gái kia là cháu gái ông Trần, tốt nhất là nên "nhắm mắt làm ngơ", công ty này là như vậy.
Cấp trên giao việc xuống Lý Bình, cấp dưới lại lười biếng không có thực lực nhưng anh cũng chẳng thể nhắc nhở "đắc tội", kết quả là Lý Bình hoàn toàn tự chịu trách nhiệm về dự án trên. Khối lượng công việc lớn, ngày nào cũng phải tăng ca, thậm chí thứ 7, CN còn phải đến công ty. Chưa kể còn phải hướng dẫn nhiều nhân viên mới trong công ty chiếm rất nhiều thời gian. Nhiều bạn bè khuyên Lý Bình nên nghỉ việc nhưng anh vẫn cố gắng để chứng tỏ bản thân xứng đáng với mức lương cao. Thế nhưng khi sản phẩm ra mắt thị trường thành công, người được khen ngợi lại là ông Trần chứ không phải Lý Bình.
Điều tồi tệ hơn là sau khi dự án hoàn thành, sếp tổng lại thông báo Lý Bình không vượt qua thời gian thử việc, không đáp ứng được yêu cầu của công ty. Nghe xong người đàn ông này cảm thấy như bị lừa, vừa đào tạo xong người mới vừa xong dự án đã bị sa thải, không phải mọi chuyện quá trùng hợp sao?.
Làm sao để trụ vững và thăng hoa trong công ty gia đình
Chủ tài khoản An An, 30 tuổi, từng làm việc tại một công ty đã niêm yết tại Thượng Hải (Trung Quốc). Công ty này có phó chủ tịch là anh trai của chủ tịch, chị dâu chủ tịch là giám đốc, các con của sếp lớn đều nắm giữ vị trí quan trọng. Vậy nên theo An An, nếu bạn có thực lực vẫn có khả năng thăng tiến lên cấp độ quản lý nhưng các vị trí chủ chốt thì gần như đã cố định nên rất khó thăng tiến vượt bậc nếu làm việc lâu năm tại công ty gia đình. Mối quan hệ và sự tin tưởng lẫn nhau là điều kiện quan trọng để mô hình doanh nghiệp này vận hành trôi chảy, nhưng bản thân nhân viên như An An rất khó xử nếu gia đình sếp lớn có mâu thuẫn.
Còn cư dân mạng họ Ngô tại tỉnh Chiết Giang (Trung Quốc) cho rằng khi làm việc tại công ty gia đình, việc vận dụng cả IQ lẫn EQ mỗi ngày đều vô cùng quan trọng. Đặc biệt là cần khéo léo và thận trọng để không mất lòng đồng nghiệp, tuyệt đối tránh việc bàn tán về sếp và đồng nghiệp khác, nếu không sẽ kéo theo nhiều rắc rối. Cô đã gắn bó với công ty hiện tại được 4 năm, tuy cũng có lúc phải "nhìn trên nhìn dưới" nhưng nhìn chung đãi ngộ tốt, mức lương cô gái này nhận được khá hậu hĩnh, sếp hay tổ chức các hoạt động cho cả gia đình lẫn nhân viên.
Theo chủ tài khoản Hà Đông, 25 tuổi, doanh nghiệp gia đình vận hành có tốt hay không phụ thuộc rất lớn vào ông chủ. Anh từng làm tại 2 công ty như vậy tại Thâm Quyến (Trung Quốc), sếp tổng đều là những người rất giỏi nhưng một bên "cả nể" người nhà nên một số nhân viên vô cùng lười biếng, có tâm lý ỷ lại, nhân viên không phải người nhà thấy bất bình nên nhanh chóng rời đi.
Còn sếp hiện tại của anh khá rạch ròi trong việc "công tư phân minh" nên giữ chân được nhiều nhân tài làm việc lâu năm, hiệu quả công việc tốt hơn hẳn. Đặc điểm chung của 2 công ty Hà Đông từng làm là hay phát sinh những quy định mới, chỉ cần sếp cảm thấy hợp lý liền bổ sung vào nội quy khiến nhiều người "xoay sở" không kịp.
Mỗi môi trường sẽ có ưu nhược điểm riêng nhưng nhiều người vẫn khuyên nếu những ai rơi vào tình cảnh như Lý Bình đừng cảm thấy vì mức lương cao mà cố gắng ở lại môi trường không phù hợp với bản thân mình.
Dưới đây là một số giải pháp và lời khuyên chi tiết:
- Lựa chọn công ty gia đình phù hợp với bản thân: Trước khi quyết định làm việc tại một công ty gia đình, hãy xem xét công ty đó có phù hợp với bạn không. Bạn nên tìm hiểu về văn hóa, giá trị, mục tiêu, tầm nhìn, thậm chí là đối thủ của công ty. Hãy đảm bảo rằng bạn có thể hòa nhập và đáp ứng yêu cầu của họ.
- Thiết lập một mối quan hệ chuyên nghiệp và minh bạch với các thành viên gia đình trong công ty: Hãy đánh giá vai trò và quyền lực của các thành viên gia đình, từ đó thiết lập mối quan hệ từ thân thiết đến xã giao. Chú trọng giao tiếp rõ ràng, thẳng thắn, không lấp liếm.
- Tôn trọng, học hỏi từ kinh nghiệm và kiến thức: Không ngừng học hỏi từ kinh nghiệm và kiến thức của các thành viên gia đình, nhưng đừng ngần ngại đưa ra ý kiến khi cần thiết.
- Tìm kiếm, tận dụng cơ hội học tập và phát triển nghề nghiệp: Tìm kiếm cơ hội tham gia các dự án mới, hợp tác với các bộ phận khác, và tham gia các khóa đào tạo. Đảm bảo rằng bạn có mục tiêu cũng như kế hoạch cho sự nghiệp của mình.
- Chăm sóc sức khỏe tinh thần và cân bằng cuộc sống-công việc: Xác định và giải quyết nguyên nhân gây stress; tìm kiếm sự hỗ trợ từ người thân và bạn bè; tham gia các hoạt động giải trí để thư giãn. Đảm bảo rằng bạn duy trì cân bằng giữa cuộc sống và công việc, không quá căng thẳng hoặc áp lực.
Xem thêm tại cafef.vn