Chủ tịch Trần Hùng Huy: ACB không có kế hoạch M&A và không bán vốn tại ACBS
Theo ông Huy, qua quan sát, ACB cũng nhận thấy có cơ hội để M&A, nhưng qua nghiên cứu, Ngân hàng nhận thấy, ACB có thể tự mình phát triển mà không cần M&A. Đồng thời, ACB cũng không có kế hoạch mở rộng hoạt động ở nước ngoài.
Ông Trần Hùng Huy, Chủ tịch HĐQT ACB. |
Đối với ACBS (công ty chứng khoán trực thuộc ACB), trong những năm trước, Ngân hàng cũng có ý định bán một phần vốn cho nhà đầu tư trong và ngoài nước. Bởi ACB luôn mong muốn đẩy mạnh phát triển các công ty con trực thuộc để đảm bảo quyền lợi cho cổ đông nên việc gọi thêm vốn cũng là điều cần thiết.
Cũng theo ông Huy, trước đây, đã có đối tác mong muốn được đầu tư vào ACBS và Ngân hàng cũng đã tiến hành tìm hiểu, đàm phán. Tuy nhiên, qua một thời gian tìm hiểu, đặc biệt trải qua giai đoạn dịch Covid-19 đối tác cũng có khó khăn nhất định và ACB nhận thấy không phù hợp nên đã tự mình đẩy mạnh phát triển ACBS.
Trong năm qua, ACBS đã tăng vốn điều lệ thêm 1.000 tỷ đồng, lên mức 4.000 tỷ đồng. Nguồn vốn góp đến từ chủ sở hữu là ngân hàng mẹ ACB.
Về mảng trái phiếu, ACB cho biết, không có đầu tư vào trái phiếu doanh nghiệp. Trong mảng đầu tư trái phiếu, ACB đẩy mạnh đầu tư trái phiếu Chính phủ.
Chủ tịch ACB cũng cho hay, Ngân hàng đẩy mạnh chiến lược bán lẻ, tập trung mảng khách hàng cá nhân, SME bên cạnh khối khách hàng doanh nghiệp lớn. Bên cạnh đó, tập trung mạnh mẽ vào mảng ngân hàng số, ACB sẽ tập trung đẩy mạnh trong thời gian tới, với chi phí đầu tư công nghệ hàng năm của Ngân hàng đến 1.000 tỷ đồng. Đặc biệt, Ngân hàng tập trung quản trị rủi ro.
Với mục tiêu lợi nhuận đưa ra cho năm nay ở mức 22.000 tỷ đồng, tăng 10% so với năm 2023. Về tỷ lệ cổ tức 25% được ACB duy trì trong nhiều năm qua và trong 2024 ngân hàng cũng dự kiến chia ở mức này. Nhưng theo Chủ tịch ACB, với tình hình thị trường có khó khăn hiện nay thì để thực hiện được tỷ lệ cổ tức 25% cũng là áp lực đối với ACB.
Xem thêm tại baodautu.vn