Chủ tịch VPBank giải thích việc tiếp nhận một ngân hàng ‘0 đồng’

X_101005

Toàn cảnh ĐHĐCĐ thường niên VPBank 2024. Ảnh: NT

Ngày 29/4, Ngân hàng TMCP Việt Nam Thịnh vượng (VPBank) đã tổ chức thành công Đại hội đồng cổ đông (ĐHĐCĐ) thường niên năm 2024. Đại hội đã thông qua nhiều nội dung quan trong như: Kế hoạch kinh doanh, chia cổ tức năm 2024; nhận chuyển giao bắt buộc 1 ngân hàng 0 đồng; bầu bổ sung thành viên HĐQT; thành lập một chi nhánh, ngân hàng con hoặc văn phòng đại diện tại nước ngoài...

Mục tiêu lợi nhuận tăng 114%, chia cổ tức tiền mặt 10%

ĐHĐCĐ VPBank đã thông qua kế hoạch kinh doanh năm 2024 với một số chỉ tiêu chính: Lợi nhuận trước thuế 23.165 tỷ đồng, tăng 114% so với kết quả thực hiện của năm 2023. Tổng tài sản đạt 974.270 tỷ đồng, tăng 19%; tiền gửi khách hàng đạt 598.864 tỷ đồng, tăng 22%; tăng trưởng tín dụng đạt 25%, tương ứng dư nợ 752.104 tỷ đồng. Tỷ lệ nợ xấu dưới 3%.

Về phương án phân phối lợi nhuận, sau khi trích lập các quỹ, lợi nhuận còn lại của VPBank là 8.353 tỷ đồng. Trong năm 2024, ngân hàng này dự kiến sử dụng 7.934 tỷ đồng để chia cổ tức bằng tiền mặt, tương ứng tỷ lệ 10%. Thời gian thực hiện trả cổ tức là quý II và quý III/2024.

Đại hội cũng thông qua kế hoạch phát hành cổ phiếu theo chương trình lựa chọn cho người lao động (ESOP). Số cổ phiếu dự kiến phát hành tối đa là 30 triệu cổ phiếu, với mức giá 10.000 đồng/cp.

Bên cạnh đó, đại hội cũng sẽ thông qua một số nội dung quan trọng gồm: Nhận chuyển giao bắt buộc một tổ chức tín dụng (TCTD) có tổng tài sản, vốn chủ sở hữu không vượt quá 5% quy mô tương ứng của VPBank vào cuối năm 2023 và vốn điều lệ không quá 5.000 tỷ đồng.

Sau khi VPBank nhận chuyển giao bắt buộc, TCTD được chuyển giao bắt buộc hoạt động dưới hình thức ngân hàng trách nhiệm hữu hạn một thành viên do VPBank là chủ sở hữu, là pháp nhân độc lập.

Đại hội thông qua việc phát hành trái phiếu quốc tế bền vững theo hình thức phát hành riêng lẻ cho một số nhà đầu tư. Cụ thể, ngân hàng dự kiến phát hành tối đa 400 triệu USD, kỳ hạn 5 năm. Dự kiến phát hành trong năm 2024 - quý I/2025. 

Đại hội cũng thông qua hợp đồng khung cho vay, gửi tiền với Công ty tài chính VPB SMBC FC - công ty con của ngân hàng. Hạn mức cho vay, gửi tiền tại VPB SMBC FC đến mức tối đa 35% vốn điều lệ được ghi nhận trong BCTC kế toán gần nhất của VPBank theo từng thời kỳ.

Thông qua việc VPBank sẽ thành lập một chi nhánh, ngân hàng con hoặc văn phòng đại diện tại nước ngoài khi nhận thấy cơ hội kinh doanh ở nước ngoài.

Ngoài ra, đại hội thống nhất số lượng thành viên HĐQT nhiệm kỳ 2020 - 2025 là 7 thành viên trong đó có một thành viên độc lập. Bầu bổ sung hai thành viên HĐQT vào nhiệm kỳ, gồm: Ông Takeshi Kimoto do cổ đông chiến lược SMBC đề cử; và bà Phạm Thị Nhung được đề đề cử bởi nhóm cổ đông sở hữu 19,27% do ông Ngô Chí Dũng làm đại diện đề cử.

FE Credit sự kiến lãi 1.200 tỷ năm 2024

Trả lời cổ đông trong phiên thảo luận về tình hình hoạt động của FE Credit và định hướng thời gian tới, ông Nguyễn Đức Vinh, Tổng Giám đốc ngân hàng cho biết, hiện nay FE Credit có 49% vốn của SMBC, còn lại 51% của VPBank. FE Credit là "đứa con chung" của 2 tổ chức với cam kết hỗ trợ từ xây dựng hệ thống nền tảng đến tài trợ vốn.

X_100996

Đánh giá chung về thị trường tài chính tiêu dùng Việt Nam, ông Vinh cho rằng, vẫn rất tiềm năng, trong khi, số lượng người dân tham gia vào dịch vụ ngân hàng chưa nhiều, đặc biệt là nhóm khách hàng phổ thông. Tuy nhiên, trải qua giai đoạn COVID, đa số các công ty tài chính tiêu dùng đều rất khó khăn, rất ít có lãi. Khó khăn 1 phần đến từ hiểu biết của người dân chưa đầy đủ, dẫn tới công tác thu hồi nợ giảm sút mạnh (giảm tới 50%). Hy vọng, trong thời gian tới, cơ quan quản lý sẽ có quy định ngày càng rõ ràng để hỗ trợ hoạt động của các công ty tài chính chính thức.

Về hỗ trợ về vốn, ông Vinh cho biết, FE Credit nhận được hỗ trợ về vốn từ VPBank và SMBC với mức chi phí thấp hơn thời gian trước đây (lãi đầu vào từ 6-7%), giúp cho công ty này có thể hướng tới phân khúc khách hàng rủi ro thấp hơn trong thời gian tới.

Với định hướng nêu trên, Tổng giám đốc VPBank tự tin năm 2024, FE Credit có thể đạt mức lợi nhuận 1.200 tỷ. FE Credit vẫn là mảng kinh doanh nhiều tiềm năng và từ năm 2025 có thể trở lại các mốc lợi nhận 3.000-4.000 tỷ đồng.

SMBC giúp gì cho VPBank?

Trả lời câu hỏi của cổ đông "SMBC giúp gì cho VPBank?", ông Ngô Chí Dũng, Chủ tịch HĐQT VPBank cho biết, SMBC giúp nâng cao năng lực quản trị rủi ro, quản trị tuân thủ cho VPBank. Đây được coi là nền tảng để VPB nâng dần các chỉ số, tiệm cận thông lệ quốc tế.

Về khách hàng FDI, Việt Nam là nước có môi trường đầu tư tốt, nhiều doanh nghiệp FDI tìm đến. Tuy nhiên không phải ngân hàng nào cũng có khả năng phục vụ được nhóm doanh nghiệp này. Với SMBC, VPVank sẽ tham gia được vào các lĩnh vực ngân hàng mong muốn nhiều năm nay nhưng chưa làm được, phục vụ nhóm khách hàng FDI. Trong tương lai, khối khách hàng doanh nghiệp lớn, FDI sẽ là một trong các cột trụ phát triển của VPBank.

Tỷ lệ cho vay bất động sản 34-35%

Đánh giá về ngành bất động sản, ông Ngô Chí Dũng nhấn mạnh, cho vay bất động sản vẫn là lĩnh vực an toàn và được hầu hết các ngân hàng quan tâm. Tuy nhiên, VPBank phân biệt rõ, lĩnh vực nhà ở như chung cư, nhà ở xã hội, nhà ở có nhu cầu ở thực sẽ được chú trọng, còn lĩnh vực có tính đầu cơ cao VPBank không tham gia tài trợ.

Ông Vinh giải thích thêm, cho vay nhóm bất động sản là lĩnh vực cho vay quan trọng, tiềm năng, mang lai lợi ích cho xã hội và ngành ngân hàng. VPBank coi trọng phân khúc có nhu cầu ở thực và tránh phân khúc đầu cơ.

Hiện tỷ trọng cho vay bất động sản của VPBank: nhóm bất động sản xây dựng là hơn 19%; nhóm cho vay người mua nhà khoảng 16%. Tổng cộng 2 nhóm là 34-35%. VPBank là 1 trong 3 ngân hàng cho vay mua nhà ở lớn nhất thị trường. Đây tiếp tục là định hướng quan trọng của ngân hàng thời gian tới.

Lợi thế tái cơ cấu ngân hàng 0 đồng

Chia sẻ về lý do VPBank tham gia nhận chuyển giao bắt buộc ngân hàng 0 đồng, ông Ngô Chí Dũng cho biết, về mặt năng lực tài chính, năng lực quản trị không phải ngân hàng nào cũng có thể tái cơ cấu ngân hàng 0 đồng.

"Các ngân hàng này đề lỗ luỹ kế rất lớn và tiếp tục lỗ. Vì vậy, xét về chỉ tiêu tài chính thì các ngân hàng cơ bản không thiết tha gì tái cơ cấu nhưng VPBank thì hơi đặc biệt khi có sự tham gia của SMBC với nền tảng vốn lớn", ông Dũng nói.

Giải thích cụ thể hơn, ông Dũng cho biết, trong chiến lược của VPBank tăng trưởng quy mô là quan trọng. Tham gia tái cơ cấu ngân hàng yếu kém, mang lại cho VPBank 2 lợi thế. Một là tăng trưởng tín dụng cao hơn trung bình ngành. Với nền tảng vốn lớn, việc được tăng trưởng tín dụng cao giống như điều kiện cần và đủ (có vốn và được tăng trưởng quy mô cao).

Thứ 2 là được mở thêm room nước ngoài. Ông Dũng nhấn mạnh, VPBank có các nhà đầu tư nước ngoài mong muốn nâng tỷ lệ ở VPBank lên. Vì vậy, việc tham gia tái cơ cấu ngân hàng 0 đồng được mở room ngoại lên cao hơn 30% là điều kiện quan trọng để tăng quy mô và nâng được quy mô vốn của VPBank lên.

Vì vậy, về mặt chiến lựơc, những cơ chế chính sách dành cho VPBank khi tham gia tái cơ cấu thì việc nhận chuyển giao bắt buộc được cho là phù hợp.

Ngoài ra, Chủ tịch VPBank cho biết thêm rằng, nếu VPBank tham gia tái cơ cấu để hệ thống ngân hàng tốt hơn. VPBank lại có năng lực thì tại sao không làm? Đây cũng là đóng góp cho hệ thống.

Xem thêm tại nhadautu.vn