Chú trọng bảo đảm an toàn thông tin trong chuyển đổi số ngân hàng

Ông Trần Long, Phó Tổng Giám đốc BIDV cho biết, BIDV đã xác định "Công nghệ và chuyển đổi số" là một trong 3 trụ cột chính trong chiến lược hoạt động. Trong thời gian qua, BIDV đã đầu tư nguồn lực rất lớn cho hoạt động chuyển đổi số và liên tục ra mắt các giải pháp tài chính sáng tạo mới, trong đó có những kết quả trong hoạt động ngân hàng mở mà BIDV đã và đang mang đến cho khách hàng trên nền tảng Open API.

-9818-1715161944.jpg

Khách hàng hào hứng với những trải nghiệm số trên ứng dụng của BIDV tại sự kiện Chuyển đổi số ngành ngân hàng 2024.

Đi cùng với sự phát triển của ngân hàng số, các nhà băng cũng đang đối mặt với những thách thức về rủi ro bảo mật thông tin khách hàng và ngân hàng.

Ông Đinh Văn Chiến, Phó Tổng Giám đốc Ngân hàng TMCP Tiên Phong (TPBank) chia sẻ với số lượng giao dịch khoảng 1,5 triệu tỷ đồng thì chỉ cần một dấu hiệu "nằm ngang" sẽ gây thiệt hại đến hàng ngàn khách hàng, hàng ngàn tỷ đồng.

Để ngăn ngừa rủi ro, các hành vi gian lận hoặc có dấu hiệu bất thường, TPBank thu thập hàng ngàn tỷ dữ liệu từ các nguồn dữ liệu cấu trúc, phi cấu trúc để phân tích đủ, phân tích đúng kết hợp cùng các mô hình phân tích của AI nhằm đưa cảnh bảo và ngăn chặn các giao dịch bất thường trên tài khoản.

“TPBank đã thu thập được kho dữ liệu sinh trắc học của hơn 5 triệu khách hàng, giúp cho khách hàng thuận tiện hơn trong giao dịch; hỗ trợ ngân hàng nhận diện các đối tượng giả mạo. Điển hình, TPBank đã phát hiện một đối tượng sử dụng 54 giấy tờ giả mạo khác nhau để thực hiện giao dịch trên các kênh khác nhau. Đây cũng là tiền đề quan trọng giúp TPBank thực hiện đầy đủ quy định của Ngân hàng Nhà nước từ 1/7/2024”, ông Chiến cho hay.

Trước những thách thức về bảo mật, an toàn ngành ngân hàng, ông Phạm Anh Tuấn, Vụ trưởng Vụ Thanh toán cho biết, thời gian tới, Ngân hàng Nhà nước sẽ tập trung hoàn thiện thể chế, tiếp tục triển khai Đề án 06 của Thủ tướng Chính phủ, bố trí nguồn lực hợp lý cho hoạt động chuyển đổi số và đẩy mạnh ứng dụng công nghệ số, hoàn thiện các hành lang pháp lý...

Mặc dù đánh giá cao nỗ lực chuyển đổi số của ngành ngân hàng, song Thượng tướng Nguyễn Duy Ngọc, Thứ trưởng Bộ Công an cũng cho rằng, việc đảm bảo an ninh, an toàn hệ thống là thách thức không nhỏ trong khi nguy cơ bị tấn công ngày càng gia tăng.

Mặt khác, cũng chưa có sự phối hợp nhịp nhàng, chặt chẽ với các đơn vị nghiệp vụ của Bộ Công an, Bộ Quốc phòng, Bộ Thông tin và Truyền thông... trong việc giám sát, đảm bảo an ninh, an toàn hệ thống, bảo vệ dữ liệu khách hàng, người dân, doanh nghiệp...

“Đây là những nguyên nhân căn cơ dẫn đến chậm tiến độ đề ra gây lãng phí tài nguyên cơ sở dữ liệu, đánh mất cơ hội được sử dụng các tiện ích, văn minh xã hội mà người dân đáng ra phải được hưởng, gây mất niềm tin của nhân dân vào quá trình chuyên đổi số quốc gia” Thứ trưởng Nguyễn Duy Ngọc nhận định.

Trước những hạn chế trên, Thứ trưởng Nguyễn Duy Ngọc đề nghị, thời gian tới, ngành ngân hàng cần tiếp tục hoàn thiện tập trung hoàn thành số hóa, làm sạch dữ liệu để phục vụ xác thực, kết nối, khai thác dữ liệu "gốc" là dữ liệu về dân cư, căn cước, định danh điện tử.

Cùng với đó, về hạ tầng, bảo đảm an ninh, an toàn thông tin là vấn đề quan trọng, đặc biệt là trong bối cảnh các hệ thống lớn liên tục bị tấn công, rủi ro về tài chính là vấn đề rất nghiêm trọng đối với việc phát triển kinh tế tại các quốc gia.

"Lực lượng công an sẵn sàng cùng với ngân hàng trong công tác chuyển đổi số để tạo điều kiện tốt nhất phục vụ người dân và doanh nghiệp", Thứ trưởng Nguyễn Duy Ngọc khẳng định.

Cụ thể, đến nay, ngành Công an đã phối hợp với Ngân hàng Nhà nước làm sạch 49 triệu dữ liệu của Trung tâm Thông tin tín dụng quốc gia Việt Nam, 3,5 triệu dữ liệu của các tổ chức tín dụng, trung gian thanh toán, ví điện tử và đang tiếp tục phối hợp chặt chẽ để triển khai làm sạch với số dữ liệu còn lại. Đồng thời, phối hợp triển khai xác minh những tài khoản nghi ngờ giả mạo phục vụ công tác quản lý nhà nước, phòng chống rửa tiền, phòng chống tội phạm, xây dựng lòng tin của người dân.

Bên cạnh đó, đã sử dụng và đưa vào nghiệp vụ lõi để định danh một cách an toàn, hiệu quả với 1,5 triệu lượt sử dụng dịch vụ. Trung bình mỗi tháng từ 300 - 500 nghìn lượt (tăng trưởng 30% hàng tháng). Chất lượng và trải nghiệm dịch vụ đã đọc và xác thực thành công với các thiết bị đầu đọc chưa đến 2 giây và trên điện thoại từ 3 - 5 giây.

"Với giải pháp này, tôi tin tưởng rằng sẽ từng bước thay thế hoàn toàn các giải pháp truyền thống như trước đây và loại bỏ hoàn toàn các điều kiện để tội phạm lợi dụng phạm tội, vi phạm pháp luật, ảnh hưởng đến an ninh tiền tệ", Thứ trưởng Bộ Công an chia sẻ.

Thanh Hoa

Xem thêm tại vnbusiness.vn