Chưa lo thắt chặt chính sách tiền tệ

"Không kỳ vọng Ngân hàng Nhà nước tăng lãi suất điều hành"

Trao đổi với Báo Đầu tư Chứng khoán, bà Yun Liu, chuyên gia kinh tế phụ trách thị trường ASEAN, Khối Nghiên cứu kinh tế toàn cầu, Ngân hàng HSBC nhận định, Việt Nam tiếp tục chặng đường phục hồi không mấy bằng phẳng trong tháng 4, phần nào phản ánh mức độ bất ổn cao của môi trường kinh doanh toàn cầu. Điều đáng khích lệ là xuất khẩu tăng 10,6% so với cùng kỳ năm trước, chủ yếu nhờ nhóm hàng điện tử (tăng 20% so với cùng kỳ). Tuy nhiên, những rủi ro bên ngoài khiến tâm lý trong ngắn hạn trở nên tương đối cẩn trọng, bất chấp lòng tin vào sự phục hồi mang tính chu kỳ trong chu kỳ thương mại toàn cầu đang gia tăng.

“Một số nhà xuất khẩu đã ghi nhận những mối lo ngại bắt nguồn từ gián đoạn ở Biển Đỏ trong thương mại với châu Âu. Không bất ngờ khi xuất khẩu dệt may và da giày vốn có điểm đến chính là châu Âu đã ngưng phục hồi, giảm gần 3% so với cùng kỳ năm trước”, bà Yun Liu nói.

Mặc dù vậy, bà Yun Liu cho rằng, năng lực sản xuất của Việt Nam mở rộng thông qua các dòng FDI dồi dào sẽ tạo thêm điều kiện thuận lợi cho sự phục hồi mang tính chu kỳ mạnh mẽ hơn khi chu kỳ thương mại nói chung lấy lại phong độ. Trong 4 tháng đầu năm, FDI mới vào lĩnh vực sản xuất tăng 50% so với cùng kỳ năm trước, còn vốn FDI giải ngân cũng vọt lên mức cao kỷ lục trong nhiều năm, đạt hơn 6 tỷ USD. Apple, vốn đã đầu tư gần 16 tỷ USD, vừa công bố ý định đẩy mạnh đầu tư ở Việt Nam sau chuyến thăm của CEO Tim Cook.

Đáng chú ý, trong khi nhu cầu hàng hóa vẫn đang phục hồi, nhu cầu đối với dịch vụ du lịch đã gia tăng, một phần là nhờ chính sách nới lỏng thị thực năm ngoái. Việt Nam đã đón tổng cộng hơn 6 triệu lượt khách quốc tế từ đầu năm tới hết tháng 4, cho thấy mục tiêu 17 - 18 triệu khách tới cuối năm hoàn toàn nằm trong tầm tay. Trên thực tế, du lịch Việt Nam có tỷ lệ phục hồi hàng tháng cao nhất ở ASEAN kể từ tháng 2.

Trong bối cảnh cạnh tranh thu hút khách du lịch trong khu vực ngày càng gia tăng, bà Yun Liu nhận định, các biện pháp như mở rộng danh sách miễn thị thực, vốn đang được xem xét, sẽ đóng vai trò quan trọng trong duy trì phong độ hiện tại của Việt Nam.

Theo bà Yun Liu, lạm phát dường như đã trở thành một vấn đề sát sườn. Lạm phát toàn phần tăng 0,1% so với tháng trước, đẩy lạm phát của năm so với cùng kỳ lên 4,4%, tương đương với dự báo của thị trường (HSBC dự báo 4,4%; BBG dự báo 4,4%). Đây là lần đầu tiên trong hơn một năm rưỡi, lạm phát tăng đến gần mức trần 4,5% - mức mục tiêu của Chính phủ. Cũng giống như những lần trước, yếu tố thúc đẩy chính vẫn là giá dầu cao hơn và lạm phát thực phẩm tăng.

“Yếu tố giá dầu một lần nữa nhắc chúng ta về mức độ dễ bị ảnh hưởng của Việt Nam đối với những biến động trên thị trường hàng hóa thế giới. Trong khi đó, yếu tố liên quan đến lạm phát thực phẩm cho thấy ngay cả với một nước xuất khẩu lương thực như Việt Nam cũng không tránh khỏi ảnh hưởng từ chi phí thực phẩm cao”, bà Yun Liu nói.

Trong bối cảnh áp lực lên VND gần đây đang gia tăng, đã có những băn khoăn liệu điều này có thúc giục Ngân hàng Nhà nước tăng lãi suất. Mặc dù cũng có rủi ro nhưng bà Yun Liu không cho rằng, khả năng này sẽ xảy ra.

“Chúng tôi kỳ vọng lạm phát sẽ vượt trần 4,5% trong quý II/2024 nhưng cũng chỉ trong thời gian rất ngắn, trước khi có thể giảm xuống dưới 4% so với cùng kỳ năm trước trong quý III/2024. Ngoài ra, tăng lãi suất trong khi tăng trưởng tín dụng còn yếu có thể không tốt cho những tăng trưởng kinh tế mới chớm nở và đây cũng không phải liều thuốc tiên để hỗ trợ cho đồng nội tệ. Vì vậy, chúng tôi không kỳ vọng Ngân hàng Nhà nước sẽ có động thái tăng lãi suất điều hành”, bà Yun Liu nhấn mạnh.

Chính sách tiền tệ nới lỏng sẽ được duy trì

Diễn biến trên thị trường cho thấy, tháng 4 vừa qua, mặt bằng lãi suất huy động vốn trên thị trường 1 ghi nhận xu hướng tăng nhẹ trở lại, tập trung trong giai đoạn nửa cuối tháng.

Cụ thể, một số ngân hàng thương mại cổ phần như VPBank, VIB, SeaBank, BacA Bank, OCB, VietinBank, Sacombank đã điều chỉnh tăng lãi suất với mức tăng phổ biến từ 0,2 - 0,5%/năm tại cả kỳ hạn ngắn và dài.

Riêng trong khối ngân hàng thương mại cổ phần có vốn Nhà nước chi phối, VietinBank và BIDV đã điều chỉnh tăng lãi suất phụ trội 0,2%/năm tại các kỳ hạn dưới 12 tháng. Dù vậy, mặt bằng lãi suất huy động vẫn đang ở mức thấp nhất trong nhiều năm và lãi suất của một số ngân hàng thương mại cổ phần có vốn Nhà nước tại kỳ hạn dài đang niêm yết ở mức thấp hơn so với nhóm ngân hàng thương mại cổ phần tư nhân từ 0,2 - 1%/năm.

Một lãnh đạo cao cấp ngân hàng thương mại cổ phần Nhà nước dự báo trong tháng 5/2024, mặt bằng lãi suất huy động tiếp tục xu hướng tăng nhẹ khoảng 0,1 - 0,3%/năm tại nhiều ngân hàng khi các yếu tố tác động vẫn duy trì theo hướng tạo áp lực đối với lãi suất là chủ đạo.

Tuy nhiên, TS. Cấn Văn Lực, Chuyên gia kinh tế trưởng BIDV nhận định, trong năm 2024, Ngân hàng Nhà nước sẽ tiếp tục duy trì chính sách tiền tệ nới lỏng bởi các lý do sau: Thứ nhất, nền kinh tế thế giới tiếp tục đối mặt với nhiều thách thức, tác động đáng kể đến khả năng tăng trưởng của Việt Nam khi độ mở nền kinh tế nước ta ngày một lớn.

Thứ hai, lạm phát toàn cầu dự báo tiếp tục xu hướng giảm và lạm phát trong nước trong tầm kiểm soát (dưới 4%). Thứ ba, các ngân hàng trung ương lớn trên thế giới dự kiến có thể giảm bớt thắt chặt chính sách tiền tệ (qua động thái hạ lãi suất điều hành) với mức độ giảm lãi suất có thể được tăng cường trong nửa cuối năm 2024. Thứ tư, Chính phủ và Ngân hàng Nhà nước tiếp tục ưu tiên cho mục tiêu tăng trưởng kinh tế.

Cũng theo ông Lực, có vấn đề liên quan đến tỷ giá và trên thực tế, với áp lực tỷ giá tăng mạnh từ cuối tháng 2 vừa qua, Ngân hàng Nhà nước đã chào bán tín phiếu trở lại sau hơn 4 tháng không sử dụng công cụ này. Động thái này cho thấy định hướng rõ ràng của cơ quan quản lý nhằm hút bớt thanh khoản hệ thống và kích thích tăng lãi suất VND trên thị trường liên ngân hàng, giảm chênh lệch giữa lãi suất VND - USD. Tuy nhiên, đây chỉ là biện pháp tạm thời nhằm làm dịu đi áp lực tỷ giá.

“Tôi kỳ vọng lãi suất VND (liên ngân hàng, huy động vốn và cho vay) sẽ bước vào giai đoạn có phần ổn định hơn trong năm 2024 và mặt bằng lãi suất nhìn chung tiếp tục duy trì ở mức thấp, điều chỉnh tăng nhẹ từ 0,2 - 0,5% trong nửa cuối năm 2024 khi nhu cầu tín dụng phục hồi mạnh hơn”, TS. Cấn Văn Lực nói.

Xem thêm tại www.tinnhanhchungkhoan.vn