Giới phân tích vẫn kỳ vọng chứng khoán năm 2025 sẽ vươn xa nhờ hàng loạt câu chuyện hỗ trợ. Ảnh tư liệu |
Thị trường chứng khoán Việt Nam đã trải qua một năm 2024 với nhiều biến động. VN-Index bứt phá trong 3 tháng đầu năm, tăng hơn 10% từ vùng 1.165 điểm lên gần 1.300 điểm, với lực kéo từ các nhóm cổ phiếu bluechips, đặc biệt là ngân hàng. Sự sôi động của thị trường trong giai đoạn này không chỉ thể hiện ở điểm số, mà còn là quy mô thanh khoản với nhiều phiên vượt ngưỡng tỷ USD, mức trung bình trên 20.000 tỷ đồng/phiên.
Thị trường có thể tạo bước ngoặt trong năm 2025Năm 2025, nâng hạng thị trường sẽ là một sự kiện đáng chú ý. Cánh cửa nâng hạng đã rộng mở khi cơ quan quản lý thời gian qua đã cho thấy những quyết tâm trong vấn đề giải quyết bài toán nâng hạng thông qua việc sửa đổi Luật Chứng khoán và tháo gỡ nút thắt giao dịch phải ký quỹ trước qua Thông tư 68/2024/TT-BTC. Bà Nguyễn Thị Mỹ Liên - Trưởng phòng Phân tích, Công ty Chứng khoán Phú Hưng. |
Tuy nhiên, mốc 1.300 điểm của chỉ số VN-Index cũng trở thành vùng kháng cự "cứng" trong năm 2024. Chỉ số của sàn HOSE giằng co liên tục trong giai đoạn giữa năm, với nhiều lần thất bại ở ngưỡng tâm lý 1.300 điểm. Diễn biến có phần kém tích cực hơn trong nửa cuối năm khi câu chuyện tỷ giá, áp lực bán ròng của nhà đầu tư nước ngoài tiếp tục trở thành tâm điểm.
Dù thị trường đang trải qua giai đoạn không thực sự sôi động, song giới phân tích vẫn kỳ vọng chứng khoán năm 2025 sẽ vươn xa nhờ hàng loạt câu chuyện hỗ trợ, từ nền tảng kinh tế vĩ mô, triển vọng nâng hạng, sự đảo chiều của dòng vốn ngoại...
Nền tảng từ câu chuyện vĩ mô
Nhận xét về triển vọng thị trường 2025, bà Trần Thị Khánh Hiền - Giám đốc Khối Nghiên cứu, Công ty Chứng khoán MB (MBS) cho rằng, có nhiều yếu tố có thể tạo nền tảng vững chắc hơn cho một chu kỳ tăng trưởng toàn diện của thị trường chứng khoán trong năm mới.
Chuyên gia của MBS cũng đưa ra 6 nhóm chủ đề chính cho năm tới, gồm: chuyển dịch sản xuất, đầu tư công, lạm phát, chính sách thời Trump 2.0, ẩn số kinh tế Trung Quốc, và chu kỳ nới lỏng tiền tệ trên toàn cầu.
Sản xuất trong nước được dự báo vẫn duy trì triển vọng tích cực trong bối cảnh nhu cầu thế giới tiếp tục phục hồi, cầu đầu tư trong nước cũng đang khả quan. Giai đoạn này có sự khác biệt khi Việt Nam đang sẵn sàng nâng cao vị thế trong chuỗi giá trị.
Đầu tư công cũng là một câu chuyện đáng chú ý, bởi sự hỗ trợ của các dự án lớn như cao tốc Bắc - Nam, đường sắt cao tốc và sân bay Long Thành có thể đảm bảo cho tăng trưởng, củng cố năng lực cạnh tranh của Việt Nam.
Ở chiều ngược lại, theo chuyên gia MBS, lạm phát năm 2025 không phải là mối lo, phần nào tạo dư địa cho Ngân hàng Nhà nước trong việc điều hành. Những biến số trên thị trường quốc tế, như chính sách điều hành Trump 2.0, ẩn số phục hồi của kinh tế Trung Quốc, hay chu kỳ nới lỏng tiền tệ có thể tạo ra cả cơ hội và thách thức cho Việt Nam.
Cùng quan điểm với MBS, nhóm phân tích từ Công ty Chứng khoán Tiên Phong (TPS) kỳ vọng tăng trưởng kinh tế của Việt Nam năm 2025 có thể đạt 6,7% - 7,2%, cao hơn dự báo của Quỹ Tiền tệ quốc tế (IMF). "Ba gạch đầu dòng" cho các luận điểm của dự báo là câu chuyện đầu tư công sẽ được thúc đẩy mạnh mẽ, dòng vốn FDI tiếp tục chảy mạnh vào Việt Nam và tiêu dùng nội địa tăng.
"Tiêu dùng thị trường trong nước sẽ có đóng góp quan trọng duy trì tăng trưởng kinh tế. Sự gia tăng chi tiêu này cũng mở ra những cơ hội trong ngành bán lẻ, nơi các hình thức thương mại điện tử đang phát triển rất mạnh" - nhóm phân tích của TPS cho biết thêm.
VN-Index được dự báo vượt 1.400 điểm
Trước những đánh giá về nền tảng vĩ mô, cùng với câu chuyện nâng hạng thị trường trong năm 2025, Giám đốc Khối Nghiên cứu MBS cho rằng, VN-Index có thể sẽ đạt mức 1.400 - 1.420 điểm trong năm 2025.
"Chúng tôi cho rằng, nền tảng vĩ mô vững chắc, thể chế cải cách và chính sách tiền tệ thuận lợi sẽ lan tỏa đến kết quả kinh doanh của các doanh nghiệp. Lợi nhuận thị trường năm 2025 - 2026 dự báo tăng trưởng lần lượt 18% và 19%" - bà Khánh Hiền dự báo.
Mốc VN-Index 1.400 điểm cũng được nhiều chuyên gia khác nhắc tới khi dự báo về thị trường chứng khoán năm 2025.
"Có thể nửa đầu năm thị trường vẫn nhiễu động nhưng cuối năm thăng hoa, VN-Index có thể sẽ đạt cao nhất 1.400 điểm trong năm 2025" - ông Trần Hoàng Sơn - Giám đốc Chiến lược thị trường, Công ty Chứng khoán VPBank (VPBankS) dự báo. Tương tự, ông Nguyễn Thế Minh - Giám đốc Phân tích, Công ty Chứng khoán Yuanta Việt Nam cũng đánh giá, VN-Index có thể vượt qua ngưỡng 1.400 điểm, thậm chí là ngưỡng kỷ lục 1.500 điểm trong năm 2025.
Ngoài nền tảng vĩ mô, câu chuyện tỷ giá, chuyên gia VPBankS và Yuanta cho rằng, câu chuyện nâng hạng thị trường chứng khoán sẽ tạo ra "con sóng" trong năm tới.
Theo ông Trần Hoàng Sơn, thanh khoản thị trường sẽ tăng trở lại, khối ngoại mua ròng trước khi thị trường Việt Nam được nâng hạng. Nếu được nâng hạng, Việt Nam có thể huy động 1,7 tỷ USD vốn thụ động, 6 - 7 tỷ USD vốn chủ động. Nhìn lại các quốc gia đã có câu chuyện nâng hạng, dòng vốn vào rất mạnh. Riêng Trung Quốc, nhóm cổ phiếu A Share huy động 200 tỷ USD.
"Năm 2025 thị trường chứng khoán Việt Nam sẽ có bước ngoặt rất quan trọng, hút được vốn lớn và kích hoạt dòng vốn trong nước" - Chuyên gia của VPBankS nhận xét.
Ẩn số tỷ giá trong năm 2025Sức mạnh đồng USD đang được xem là “ẩn số quan trọng” trong năm 2025, do chịu nhiều tác động và cũng có tác động rất lớn tới chính sách tiền tệ của Cục Dự trữ Liên bang Mỹ (FED) cũng như hầu hết các quốc gia trên toàn cầu, bao gồm Việt Nam. Theo Công ty Chứng khoán Tiên Phong (TPS), đồng USD được dự báo diễn biến khá phức tạp do bị ảnh hưởng của nhiều yếu tố như chính sách thuế quan và di dân của Mỹ, sức khỏe của nền kinh tế Mỹ, xung đột địa chính trị, biến đổi khí hậu và sự hồi phục của các quốc gia khác. "Trong những năm gần đây, Việt Nam ưu tiên thực hiện các chính sách thu hút dòng vốn FDI và xuất khẩu. Do đó, điều hành tỷ giá ổn định là một trong những nhiệm vụ quan trọng của Ngân hàng Nhà nước. Vì vậy, công cụ chính sách tiền tệ sẽ được sử dụng để kiểm soát tỷ giá trong năm 2025" - nhóm phân tích từ TPS nhận xét./. |