Chứng khoán APG chuyển vào Nam, đóng cửa toàn bộ chi nhánh

Công ty cổ phần Chứng khoán APG (HoSE: APG) vừa thông qua việc thay đổi địa điểm trụ sở chính của công ty, chuyển từ trụ sở hiện tại (tầng 5, toà nhà Grand Building, số 30-32 Hoà Mã, phường Phạm Đình Hổ, quận Hai Bà Trưng, TP. Hà Nội) sang trụ sở mới tại toà nhà văn phòng OSC Việt Nam (số 161 Võ Văn Tần, phường Võ Thị Sáu, quận 3, TP. HCM).

Động thái này diễn ra sau khi APG thông báo đóng cửa chi nhánh TP. HCM và phòng giao dịch 132 Mai Hắc Đế, Hà Nội. Theo ban lãnh đạo APG, các diễn biến này nằm trong kế hoạch tái cấu trúc công ty. APG hiện chỉ còn 1 cơ sở hoạt động nằm tại trụ sở chính tại Hà Nội, và sắp tới là TP. HCM sau khi việc di dời trụ sở hoàn tất.

Việc chuyển vị trí trụ sở sang một khu vực hoàn toàn mới khiến nhiều nhà đầu tư liên tưởng tới làn sóng đổi chủ của các công ty chứng khoán trong thời gian gần đây.

Đơn cử như Công ty cổ phần Chứng khoán Việt Tín (VTSS) đã đổi tên thành Công ty Chứng khoán VTG (VTGS), chuyển trụ sở công ty từ toà nhà 40 Phan Bội Châu (quận Hoàn Kiếm, TP. Hà Nội) về toà nhà Bến Thành Tower (Quận 1, TP. HCM) sau khi gia đình cựu Chủ tịch Ronald Nguyễn Anh Đạt “dứt áo ra đi” và TIN Global Pte. Ltd - một doanh nghiệp Singapore đã thâu tóm 49% cổ phần của VTGS.

Theo ban lãnh đạo Chứng khoán APG, kế hoạch tìm kiếm, đầu tư mặt bằng cơ sở hạ tầng làm trụ sở, văn phòng chi nhánh, hướng đến những địa điểm vị trí thuận tiện và dễ tiếp cận đối với khách hàng và nhân viên, tại các quận trung tâm thành phố - nơi có nhiều các đơn vị tài chính - ngân hàng khác. 

Được biết, Chủ tịch Nguyễn Hồ Hưng đã bán xong 5 triệu cổ phiếu APG trong thời gian từ ngày 1 - 4/10, giảm tỷ lệ sở hữu từ 5,27% còn 3,03% và không còn là cổ đông lớn.

Ngoài ông Hưng, các nhân sự cấp cao khác của Chứng khoán APG như ông Trần Thiên Hà - Thành viên HĐQT kiêm Tổng Giám đốc, bà Nguyễn Thị Quỳnh Nga - người phụ trách quản trị công ty cũng đã bán bớt cổ phiếu APG.

Với việc giảm tỷ lệ sở hữu của ông Nguyễn Hồ Hưng, Chứng khoán APG không còn ghi nhận cổ đông lớn nào khác. Toàn bộ hơn 223 triệu cổ phiếu APG trên thị trường chứng khoán đều do các cổ đông nhỏ lẻ nắm giữ.

Bên cạnh việc đổi trụ sở, ban lãnh đạo Chứng khoán APG còn thông qua chủ trương vay vốn công ty/quỹ đầu tư nước ngoài để bổ sung cho các hoạt động kinh doanh. Tổng số vốn vay dự kiến là 16 triệu SGD (tương đương khoảng 300 tỷ đồng). Thời hạn vay dự kiến là 11 tháng 15 ngày (dưới 12 tháng).

Bên cạnh việc vay vốn của tổ chức nước ngoài, Chứng khoán APG cũng tiến hành “xả hàng” khi đăng ký bán bớt 1 triệu cổ phiếu LDP của Công ty Cổ phần Dược Lâm Đồng và 2 triệu cổ phiếu GKM của Công ty Cổ phần GKM Holdings.

Theo báo cáo tài chính, tính tới cuối quý III, tiền mặt tại quỹ và tiền gửi ngân hàng cho hoạt động của công ty giảm từ hơn 122 tỷ đồng còn hơn 1,7 tỷ đồng, tương đương mức giảm lên tới gần 99%.

Mặt khác, các khoản tương đương tiền của Chứng khoán APG vẫn đang ghi nhận 141 tỷ đồng, các khoản đầu tư nắm giữ đến ngày đáo hạn ghi nhận 272 tỷ đồng tại thời điểm cuối quý III/2024.

Được biết, các động thái tái cơ cấu của công ty bắt đầu sau khi khoản lỗ 148 tỷ đồng được hình thành trong quý III. Dù chưa phải khoản lỗ nặng nề nhất mà Chứng khoán APG từng ghi nhận, nhưng cũng đem lại không ít gánh nặng cho công ty. Khoản lỗ này đã đánh bay toàn bộ lợi nhuận mà công ty đem về trong nửa đầu năm.

Luỹ kế 9 tháng, lỗ sau thuế của Chứng khoán APG là 98 tỷ đồng. Con số này cách xa so với mục tiêu lãi trước thuế 239 tỷ đồng của công ty trong 2024. Kế hoạch kinh doanh mà ban lãnh đạo Chứng khoán APG đề ra nhiều khả năng sẽ không thể hoàn thành, bởi trong quá khứ công ty chưa từng đem về khoản lãi lớn nào đủ đề bù đắp thua lỗ và lật ngược tình thế.

Xem thêm tại vietnamfinance.vn