Chứng khoán DSC nộp hồ sơ niêm yết trên sàn HoSE

Chứng khoán DSC tiền thân là CTCP Chứng khoán Đà Nẵng. Cuối năm 2020, Công ty đổi chủ khi cổ đông lớn là CTCP Việt Nam Equity và CTCP Đầu tư phát triển Nhà Đà Nẵng (mã NDN - sàn HNX) thoái vốn. Thay vào đó là 3 cá nhân gồm ông Nguyễn Đức Anh, ông Tạ Văn Mạnh và bà Nguyễn Thị Thu Hà.

Tính tới tháng 3/2021, Đại hội đồng cổ đông thường niên 2021 của Chứng khoán Đà Nẵng thông qua đổi tên thành CTCP Chứng khoán DSC, đồng thời chuyển trụ sở chính về tòa Thành Công Building ở số 80 Dịch Vọng Hậu, Cầu Giấy, Hà Nội.

Tại lần lấy ý kiến cổ đông bằng văn bản năm 2023, Công ty Chứng khoán DSC đã thông qua việc chuyển sàn từ sàn UPCoM sang sàn HoSE, thời gian triển khai sẽ giao và ủy quyền cho Hội đồng quản trị.

Tính tới 31/12/2023, Chứng khoán DSC có 3 cổ đông lớn gồm ông Nguyễn Đức Anh, Chủ tịch HĐQT sở hữu 35,64% vốn điều lệ; Công ty cổ phần Đầu tư NTP sở hữu 34,17% vốn điều lệ; bà Văn Lê Hằng sở hữu 4,89% vốn điều lệ; và còn lại 25,3% vốn điều lệ thuộc về các cổ đông khác.

Điểm đáng lưu ý, giữa năm 2023, Tập đoàn Thành Công (TC Group) chia sẻ thông tin Công ty cổ phần Chứng khoán DSC đã tham gia hệ sinh thái của Tập đoàn từ cuối năm 2021.

“Chứng khoán DSC tiếp tục từng bước khẳng định vị thế là mảnh ghép quan trọng ngành Tài chínhNgân hàng, góp phần hoàn thiện hệ sinh thái đa ngành của Tập đoàn Thành Công”, thông tin từ Tập đoàn Thành Công nhấn mạnh.

Vượt kế hoạch kinh doanh năm 2023

Xét về hoạt động kinh doanh, trong năm 2023, Chứng khoán DSC ghi nhận tổng doanh thu đạt 438,45 tỷ đồng, tăng 162,8% so với cùng kỳ, lợi nhuận sau thuế ghi nhận 119,9 tỷ đồng, tăng 258,5% so với cùng kỳ năm trước.

Được biết, trong năm 2023, Công ty Chứng khoán DSC đặt kế hoạch kinh doanh với tổng doanh thu 281 tỷ đồng và lợi nhuận trước thuế 97 tỷ đồng. Như vậy, kết thúc năm 2023 với lợi nhuận trước thuế đạt 150,2 tỷ đồng, Chứng khoán DSC đã hoàn thành tới 154,8% so với kế hoạch lợi nhuận năm.

Về kế hoạch kinh doanh năm 2024, Chứng khoán DSC vẫn chưa công bố tài liệu chi tiết cho Đại hội đồng cổ đông sẽ tổ chức ngày 25/3/2024 tại Hà Nội. Trong đó, theo kế hoạch, tại Đại hội sắp tới, Chứng khoán DSC sẽ trình cổ đông Báo cáo kết quả kinh doanh năm 2023, kế hoạch kinh doanh năm 2024, phương án phân phối lợi nhuận năm 2023, báo cáo tình hình sử dụng vốn trong đợt tăng vốn lên 2.048 tỷ đồng …

PG Bank bắt đầu “bơm” vốn cho Chứng khoán DSC

Quay trở lại tình hình tài chính cuối năm 2023, tính tới 31/12/2023, tổng tài sản của Chứng khoán DSC tăng 71,1% so với đầu năm, tương ứng tăng thêm 1.713,3 tỷ đồng, lên 4.122,6 tỷ đồng. Trong đó, tài sản chủ yếu các tài sản tài chính ghi nhận thông qua lãi/lỗ (FVTPL) ghi nhận 1.678,9 tỷ đồng, chiếm 40,7% tổng tài sản; các khoản cho vay ghi nhận 1.491,5 tỷ đồng, chiếm 36,2% tổng tài sản; các khoản đầu tư nắm giữ đến ngày đáo hạn ghi nhận 443,5 tỷ đồng, chiếm 10,8% tổng tài sản; các tài sản tài chính khác ghi nhận 438,7 tỷ đồng, chiếm 10,6% tổng tài sản; và các khoản mục khác.

Trong kỳ, các tài sản tài chính ghi nhận thông qua lãi/lỗ (FVTPL) tăng 49,3% so với đầu năm, tương ứng tăng thêm 554,5 tỷ đồng, lên 1.678,9 tỷ đồng. Trong đó, Công ty thuyết minh các tài sản tài chính ghi nhận thông qua lãi/lỗ (FVTPL) bao gồm chủ yếu 1.451,6 tỷ đồng đầu tư chứng chỉ tiền gửi; 82 tỷ đồng đầu tư cổ phiếu SSI; 72,8 tỷ đồng đầu tư cổ phiếu FPT; 70,3 tỷ đồng đầu tư cổ phiếu ACB…

Về phần nguồn vốn, tính tới cuối năm 2023, tổng nợ vay của Chứng khoán DSC tăng 41% so với đầu, tương ứng tăng thêm 538,2 tỷ đồng, lên 1.849,3 tỷ đồng và bằng 82,8% vốn chủ sở hữu. Trong đó, Công ty đang vay 1.261,4 tỷ đồng tại Ngân hàng TMCP Đầu tư và Phát triển Việt Nam - Chi nhánh Đông Hà Nội; 450 tỷ đồng Ngân hàng TMCP Thịnh Vượng và Phát triển – Chi nhánh Đông Đô (đầu năm dư nợ vay tại PGBank là 0 đồng); và 137,9 tỷ đồng tại Ngân hàng TMCP Công thương Việt Nam – Chi nhánh Chương Dương.

Trong đó, mục đích Chứng khoán DSC vay vốn tại PG Bank để đầu tư trái phiếu Chính phủ, trái phiếu Chính phủ bảo lãnh, chứng chỉ tiền gửi và hoạt động giao dịch ký quỹ.

Xem thêm tại baodautu.vn