Lãi suất tiết kiệm vẫn ở mức thấp
Các ngân hàng liên tục tăng lãi suất huy động thời gian qua, nhất là từ đầu quý II/2024, song lãi suất tiết kiệm cao nhất kỳ hạn 3 tháng hiện chỉ 3,8%/năm tại NamABank, OCB, OceanBank; 6 tháng cao nhất 5,05%/năm tại NCB; 9 tháng cao nhất 5,4%/năm tại BVBank; 12 tháng cao nhất 5,7%/năm tại BVBank; 24 tháng cao nhất là 6,1%/năm tại OCB.
Theo giới phân tích tài chính, tiền gửi của người dân và doanh nghiệp tăng trưởng thấp trong những tháng đầu năm đi cùng tăng trưởng tín dụng hồi phục (đến cuối tháng 6/2024 tín dụng toàn nền kinh tế tăng 6%) khiến nhiều nhà băng phải tăng lãi suất huy động nhằm đảm bảo cân đối nguồn vốn.
Bên cạnh đó, hoạt động can thiệp của Ngân hàng Nhà nước thông qua các công cụ tín phiếu và bán ngoại tệ cũng ảnh hưởng tới thanh khoản tiền đồng của các ngân hàng.
Công ty Chứng khoán Rồng Việt (VDSC) nhận định, lãi suất huy động tăng trở lại là một kịch bản phù hợp dựa trên biến động của kỳ vọng tỷ giá và chính sách lãi suất. Thực tế, từ đầu quý II/2024, mặt bằng lãi suất VND bắt đầu tăng và đến giữa năm, mức lãi suất huy động VND từ các ngân hàng đã tăng 0,5-1%/năm cho các kỳ hạn khác nhau.
Lãi suất giao dịch trên thị trường tiền tệ liên ngân hàng cũng tăng. Các mức lãi suất can thiệp thị trường từ cơ quan quản lý như lãi suất thị trường mở (OMO), lãi suất phát hành tín phiếu cũng được điều chỉnh cao hơn. Dù vậy, 2 mức lãi suất điều hành chính thức là lãi suất tái cấp vốn và trần lãi suất huy động ngắn hạn vẫn giữ nguyên, không thay đổi.
Theo ông Đinh Đức Quang, Giám đốc Khối Kinh doanh tiền tệ, Ngân hàng UOB Việt Nam, các diễn biến trên cho thấy chưa có sự thay đổi chính sách tiền tệ từ cơ quan quản lý trong thời gian qua. UOB Việt Nam bảo lưu quan điểm đối với các diễn biến lãi suất trên thị trường
. Những mức lãi suất mang tính chất thương mại (huy động từ dân cư và doanh nghiệp, thị trường liên ngân hàng…) đang được điều chỉnh để phù hợp hơn với diễn biến cung cầu vốn trên thị trường, tương quan với lãi suất USD trên thị trường thế giới, cũng như lợi tức đầu tư so với các kênh đầu tư khác như chứng khoán, bất động sản, vàng...
Chưa kể, các mức lãi suất thương mại nêu trên đã ở mức rất thấp trong 6 tháng cuối năm 2023 do nền kinh tế tăng trưởng chậm, nhu cầu vốn từ nền kinh tế thấp, tín dụng hệ thống ngân hàng tăng hạn chế, các kênh đầu tư khác cũng gặp khó khăn.
Tuy nhiên, kể từ đầu quý II/2024, tình hình kinh tế đã có những bước cải thiện rõ rệt, do vậy mặt bằng lãi suất sẽ tìm đến điểm cân bằng mới.
“Lãi suất huy động dù đang tăng trở lại những vẫn thấp hơn thời điểm trước dịch Covid-19. Do đó, chúng tôi dự báo mặt bằng lãi suất VND trong nửa cuối năm 2024 có thể tiếp tục tăng thêm 0,25-0,75%/năm, tạo ra đường cong lãi suất hài hòa cho các kỳ hạn từ 1-12 tháng ở mức từ 3-6%/năm vào cuối năm. Đây là mức khá hợp lý trong điều kiện vĩ mô ổn định, lạm phát được kiểm soát quanh mức 4%, tỷ giá USD/VND có thể biến động 4-5% năm 2024”, ông Quang nói.
UOB Việt Nam dự báo Cục Dự trữ liên bang Mỹ (Fed) sẽ có 2 lần cắt giảm lãi suất USD vào tháng 9 và tháng 12 năm nay với mức giảm mỗi lần 0,25%/năm.
Với P/E mục tiêu quanh vùng hiện tại 14x cùng kỳ vọng tăng trưởng lợi nhuận doanh nghiệp niêm yết ở mức 15%, chúng tôi ước tính ngưỡng hợp lý của chỉ số VN-Index cho năm 2024 là vùng 1.390 điểm, tương ứng với mức tăng 23% so với thời điểm cuối năm 2023 và cao hơn 10% so với thời điểm hiện tại (cuối tháng 6/2023).
Bà Bùi Thị Thao Ly, Giám đốc Phân tích, Công ty Chứng khoán Shinhan Việt Nam (SSV).
Nếu dự báo này diễn ra trên thực tế sẽ là cơ sở thuận lợi để các nền kinh tế khác có thể cân nhắc cắt giảm hoặc không cần tăng lãi suất chính sách và khi đó, áp lực tỷ giá lên các đồng tiền mới nổi sẽ được giảm bớt.
Dẫu vậy, vẫn cần lưu ý khả năng lãi suất USD sẽ được duy trì ở mức cao trong thời gian dài hơn trong vài năm tới.
Ông Suan Teck Kin, Giám đốc Khối Nghiên cứu thị trường và Kinh tế toàn cầu, Tập đoàn UOB đánh giá, sự suy yếu gần đây của VND trước sự mạnh lên của USD và sự gia tăng tỷ lệ lạm phát trong nước có thể khiến NHNN thận trọng trong mọi thay đổi về lãi suất chính sách, qua đó duy trì lãi suất tái cấp vốn ở mức 4,5%/năm như hiện tại.
Chứng khoán hưởng lợi
Trong bối cảnh các kênh đầu tư khác còn khó khăn, tiền nhàn rỗi vẫn chọn ngân hàng, cộng với lãi suất tiết kiệm tái tăng nên tiền gửi tiết kiệm tăng nhẹ.
Số liệu mới được Ngân hàng Nhà nước công bố cho thấy, tính đến cuối tháng 4/2024, tiền gửi khách hàng cá nhân và tổ chức kinh tế tại các tổ chức tín dụng đạt 13,42 triệu tỷ đồng, tăng 0,9% so với tháng liền trước (tương đương khoảng 140.000 tỷ đồng) và tăng 0,4% so với cuối năm 2023 (tương đương khoảng 50.000 tỷ đồng).
Như vậy, số dư tiền gửi tại các tổ chức tín dụng đã phần nào cải thiện sau khi tăng trưởng âm trong 2 tháng đầu năm 2024. Trong đó, tiền gửi của dân cư đạt gần 6,72 triệu tỷ đồng, tăng 2,8% và tiếp tục lập kỷ lục mới. Chỉ riêng trong tháng 4/2024, tiền gửi khu vực tăng thêm khoảng 40.000 tỷ đồng.
Ngược lại, tiền gửi của doanh nghiệp đạt 6,7 triệu tỷ đồng, giảm 1,95% so với đầu năm (tương đương hơn 133.600 tỷ đồng). Dù vậy, nếu so sánh với thời điểm cuối tháng 3/2024, tiền gửi doanh nghiệp vẫn tăng hơn 81.000 tỷ đồng.
Ngoài ra, Ngân hàng Nhà nước cho biết, tổng phương tiện thanh toán tính đến cuối tháng 4/2024 đạt hơn 16 triệu tỷ đồng, tăng 0,13% so với đầu năm. Như vậy, sau khi sụt giảm vào tháng 1/2024, tiền gửi dân cư vào hệ thống ngân hàng đã tăng trở lại khi lãi suất tiết kiệm nhích dần.
Tuy nhiên, theo bà Bùi Thị Thao Ly, Giám đốc Phân tích, Công ty Chứng khoán Shinhan Việt Nam (SSV), lãi suất huy động bắt đầu tăng trở lại từ tháng 6/2024 ở nhiều ngân hàng với mức tăng bình quân khoảng 0,5%/năm, nhưng do lãi suất tiền gửi đã giảm đáng kể từ cuối năm 2022 nên dù có tăng nhẹ trở lại thời gian gần đây thì vẫn sẽ duy trì ở mức thấp trong nửa cuối năm 2024. Môi trường lãi suất thấp luôn là điều kiện lý tưởng cho thị trường chứng khoán.
Cùng với đó, lượng tiền gửi của nhà đầu tư tại công ty chứng khoán cũng như dư nợ cho vay ký quỹ (margin) đang trong xu hướng tăng. Dư địa gia tăng margin vẫn rộng mở khi tỷ lệ dư nợ margin/vốn chủ sở hữu hiện ở ngưỡng 77% vào thời điểm cuối quý I/2024, tương đối thấp so với mức đỉnh 115% trong quý IV/2021 và quý I/2022.
“Như vậy, với P/E mục tiêu quanh vùng hiện tại 14x cùng kỳ vọng tăng trưởng lợi nhuận doanh nghiệp niêm yết ở mức 15%, chúng tôi ước tính ngưỡng hợp lý của chỉ số VN-Index cho năm 2024 là vùng 1.390 điểm, tương ứng với mức tăng 23% so với thời điểm cuối năm 2023 và cao hơn 10% so với thời điểm hiện tại (cuối tháng 6/2023)”, bà Ly nói.
Bà Thiều Thị Nhật Lệ, Tổng giám đốc UOBAM Việt Nam cũng đưa ra nhận định, môi trường lãi suất thấp tiếp tục được duy trì (dù lãi suất chính sách có thể tăng nhẹ), để hỗ trợ tăng trưởng kinh tế; nguồn vốn FDI tiếp tục tăng trưởng tốt; việc tăng cường giải ngân đầu tư công để thúc đẩy tăng trưởng kinh tế và quyết tâm của Chính phủ, các cơ quan quản lý trong việc nâng hạng thị trường chứng khoán Việt Nam từ thị trường cận biên lên thị trường mới nổi... là các yếu tố tác động tích cực lên thị trường này thời gian tới.
Cùng góc nhìn, ông Ngô Thành Huấn, Giám đốc Khối Tài chính cá nhân, Công ty cổ phần FIDT cho rằng, chứng khoán là kênh đáng để đầu tư nhất trong nửa cuối năm 2024 bởi đi trước diễn biến của nền kinh tế, về bản chất còn được gọi là “thị trường của sự kỳ vọng”, trong khi kênh tiền gửi không quá hấp dẫn ở giai đoạn này, cho dù lãi suất huy động tăng lên thời gian gần đây.
Mặc dù có cái nhìn lạc quan với triển vọng kinh tế vĩ mô và thị trường chứng khoán Việt Nam trong nửa cuối năm 2024, nhưng theo nhận định của giới phân tích tài chính, rủi ro chính sách tiền tệ và căng thẳng địa chính trị leo thang vẫn hiện hữu và cần lưu tâm trong nửa cuối năm 2024.
Đặc biệt, việc Fed có thể tiếp tục trì hoãn giảm lãi suất hoặc giảm chậm và nhẹ hơn so với các ngân hàng trung ương khác có thể khiến USD mạnh lên so với các đồng tiền khác trong thời gian dài hơn.
Khi tỷ giá tăng, hàng nhập khẩu trở nên đắt đỏ hơn và thúc đẩy lạm phát tăng, làm gia tăng áp lực cho việc điều hành chính sách tiền tệ, từ đó ảnh hưởng tới môi trường lãi suất thấp hiện nay.