Chứng khoán giảm mạnh nhất từ đầu năm: Đã nên thu gọn danh mục?

Kết thúc tuần giao dịch, VN-Index giảm 28,98 điểm (2,26%), xuống 1.255 điểm. Nhóm ngân hàng gây áp lực lớn nhất tới chỉ số chính. CTG, BID, MBB và TCB đã lấy đi tổng cộng 10,3 điểm của VN-Index. Ngoài ra trong top 10 còn có các mã ngân hàng khác như ACB, VIB và STB. Chiều tăng điểm, HVN và NVL với mức tăng lần lượt 15,2% và 6% đã dẫn đầu nhóm ảnh hưởng tích cực với mức tác động lần lượt 1,36 điểm và 0,5 điểm.

Trong khi đó, nhóm cổ phiếu dầu khí có diễn biến đáng chú ý trước những thông tin về dự án Lô B Ô môn và giá dầu tăng mạnh. POS tăng 20,31%, PVC tăng 11,49%, PGS tăng 11,11%, PTV tăng 10,87%, PVS tăng 7,65%, PVB tăng 7,41%...

Thanh khoản HoSE cả tuần đạt 127.065 tỷ đồng, tăng 12,4% so với tuần trước, cải thiện trở lại khi Chứng khoán VNDirect kết nối với các sở giao dịch. Nhà đầu tư nước ngoài giao dịch đột biến trong tuần, bán ròng 2.178 tỷ đồng trên HoSE. So với các tuần trước, giao dịch khối ngoại tuần này đã bớt tiêu cực, với việc mua ròng trở lại trong 2 phiên cuối tuần, dù với giá trị không lớn. Top bán ròng trong tuần là các mã VHM (654 tỷ đồng), MSN (526 tỷ đồng) và SSI (491 tỷ đồng). Trong khi đó, phía mua ròng dẫn đầu là MWG với giá trị 391 tỷ đồng và NVL (201 tỷ đồng).

Chứng khoán giảm mạnh nhất từ đầu năm: Đã nên thu gọn danh mục? ảnh 1

Khối ngoại mua ròng trở lại trong 2 phiên cuối tuần, dù giá trị còn khiêm tốn.

Ông Phạm Bình Phương - chuyên viên phân tích thuộc Chứng khoán Mirae Asset - nhận định, sau khi không thể tăng trở lại vùng đỉnh cũ tại 1.290, VN-Index đã giảm dứt khoát trong 3 phiên liên tiếp. Đây là dấu hiệu đáng lo ngại cho xu hướng ngắn hạn.

Ngưỡng hỗ trợ tâm lý 1.250 điểm có thể giúp chỉ số cân bằng hơn trong tuần sau, nhưng để thoát khỏi xu hướng giảm điểm ngắn hạn, VN-Index cần có thời gian ổn định tạo nền. Ông Phương khuyến nghị, nhà đầu tư cần quan sát thận trọng diễn biến của chỉ số tại mốc 1.250 điểm và có thể ở mốc 1.230 điểm nếu VN-Index chưa ngừng rơi.

Nhóm phân tích Chứng khoán Sài Gòn - Hà Nội (SHS) cho rằng, thị trường điều chỉnh nhưng vẫn trong quá trình tích lũy nếu VN-Index không đánh mất vùng hỗ trợ quanh 1.250 điểm.

“Việc thị trường rung lắc trước cản mạnh 1.300 điểm là vận động bình thường. VN-Index có thể còn vận động rung lắc rũ bỏ và tích lũy thêm với ngưỡng 1.250 điểm. Trong trường hợp VN-Index thủng ngưỡng hỗ trợ 1.250 điểm, chỉ số chính sẽ quay đầu bước vào nhịp giảm ngắn hạn”, nhóm phân tích của SHS nhận định.

Về trung hạn, VN-Index đang có đà tăng mạnh nhưng chưa thực sự xác nhận xu hướng tăng (uptrend), trừ khi vượt cản 1.300 điểm. Thị trường cần thêm thời gian tích lũy, bởi ngưỡng 1.300 điểm là khu vực cản mạnh, khoảng nền tích lũy càng kéo dài thì quá trình vượt cản sẽ càng tin cậy. Chúng tôi cho rằng khu vực tích lũy cho nỗ lực vượt cản sẽ là vùng 1.250 điểm - 1.300 điểm.

“Nhà đầu tư ngắn hạn và trung hạn có thể giải ngân nếu thị trường có tín hiệu phục hồi trong tuần tới. Ngược lại, trong trường hợp tiêu cực, VN-Index thủng hỗ trợ 1.250 điểm, nhà đầu tư ngắn hạn cần hạn chế giải ngân, vì VN-Index sẽ bước vào nhịp giảm ngắn hạn”, nhóm phân tích từ SHS lưu ý.

Chứng khoán Vietcombank (VCBS) cũng đưa góc nhìn thận trọng, khuyến nghị nhà đầu tư cân nhắc thu gọn danh mục, tuy nhiên không nên hoảng loạn bán đuổi cổ phiếu trong các phiên giảm mạnh. Thị trường đã trải qua thời gian tăng dài 4 tháng, và nhịp điều chỉnh là cần thiết để VN-Index tiếp tục hướng lên các vùng điểm cao.

VN Index vẫn đang trong nhịp tăng điểm trung hạn và những nhịp điều chỉnh ngắn hạn là cơ hội để sàng lọc và giải ngân mua mới với những cổ phiếu tiềm năng đã có mức chiết khấu tốt. Tuy nhiên, VCBS lưu ý nhà đầu tư hạn chế sử dụng margin (vay ký quỹ) để quản trị rủi ro. Các nhóm ngành đáng chú ý khi thị trường cho tín hiệu mua chủ động trở lại: bất động sản, dầu khí, đầu tư công, ngân hàng.

Xem thêm tại tienphong.vn