Chứng khoán háo hức chờ vốn ngoại quay lại
Trong tuần giao dịch từ ngày 16 đến 20-9, thị trường chứng khoán (TTCK) trong nước bất ngờ khởi sắc sau 2 tuần ảm đạm, thanh khoản xuống thấp kỷ lục. Đáng chú ý, khối ngoại đã quay lại mua ròng trong bối cảnh Cục Dự trữ Liên bang Mỹ (FED) lần đầu tiên giảm lãi suất sau 4 năm và Bộ Tài chính ban hành Thông tư 68/2024/TT-BTC bổ sung một số quy định nhằm tạo thuận lợi cho giao dịch của nhà đầu tư nước ngoài.
Nhiều yếu tố tích cực
Đóng cửa phiên cuối tuần (20-9), chỉ số VN-Index đạt 1.272,04 điểm, tăng 20,33 điểm (1,62%) so với tuần trước. Hồi phục và bứt phá mạnh mẽ trong tuần qua là cổ phiếu những nhóm ngành như: thủy sản - tăng 4,71%, công nghệ viễn thông - tăng 4,21%, chứng khoán - tăng 3,37%, ngân hàng - tăng 2,48%...
Thanh khoản cũng có sự cải thiện tích cực khi bình quân mỗi phiên đạt hơn 18.000 tỉ đồng, tăng đến 30% so với tuần trước, nhất là phiên cuối tuần nhảy vọt lên hơn 22.000 tỉ đồng. Theo giới phân tích, dòng tiền đổ vào TTCK nhiều hay ít chính là thước đo đánh giá mức độ quan tâm của nhà đầu tư.
Điều tích cực hơn là khối ngoại đã quay lại mua ròng 4/5 phiên với tổng giá trị hơn 1.230 tỉ đồng. Trước đó, khối ngoại đã có chuỗi bán ròng nhiều tháng với tổng giá trị lên tới hàng chục ngàn tỉ đồng.
Thống kê từ các công ty chứng khoán cho thấy khối ngoại tập trung mua những các cổ phiếu lớn thuộc các ngành chứng khoán, ngân hàng, công nghệ. Cụ thể, họ mua hơn 666 tỉ đồng cổ phiếu chứng khoán SSI, hơn 360 tỉ đồng cổ phiếu FPT, hơn 270 tỉ đồng cổ phiếu TCB (Techcombank)...
Giới phân tích cho rằng yếu tố tác động tích cực nhất đến TTCK tuần qua là việc FED cắt giảm mạnh lãi suất lần đầu tiên từ năm 2020. Nhiều chuyên gia cho biết sau khi FED cắt giảm lãi suất, các TTCK đều phản ứng khá tốt. Điều đó có nghĩa giới đầu tư tin tưởng vào thông điệp của FED sau quyết định cắt 0,5 điểm % lãi suất.
Theo ông Thái Minh Thành, Giám đốc Tư vấn đầu tư - Công ty CP Chứng khoán VPS, việc FED giảm lãi suất là một trong những lý do chính khiến khối ngoại quay lại mua ròng những phiên gần đây. Ông Thành tính toán khối ngoại có thể mua ròng khoảng 80.000-90.000 tỉ đồng cổ phiếu trong thời gian tới, tương đương giá trị mà khối này đã bán ròng trong năm 2023 và 2024.
Ngoài ra, ông Thành cho hay trước khi mua ròng ở thị trường Việt Nam tuần rồi, trong 2 tháng qua, các quỹ ngoại đã quay lại và "rót" khá nhiều tiền vào TTCK các nước châu Á. Do đó, khả năng họ tiếp tục quay lại Việt Nam là rất cao.
Ông Thành dẫn thông tin từ Bloomberg cho thấy các quỹ đầu tư đã tăng tỉ trọng nắm giữ trái phiếu chính phủ Thái Lan, Indonesia và Malaysia. Họ cũng mua ròng cổ phiếu ở Indonesia, Malaysia và Philippines trong 3 tháng liên tiếp.
"Với triển vọng này, dự báo VN-Index thời gian tới có thể đạt 1.300 điểm dễ dàng vì đang có nhiều cơ hội mở ra. Dòng tiền sẽ luân phiên lan tỏa dần ra các nhóm cổ phiếu, tương tự giai đoạn 2020-2021. Do đó, những nhịp điều chỉnh "rung lắc" là cơ hội mua và nắm giữ cổ phiếu để tối ưu lợi nhuận" - ông Thành nhận định.
Triển vọng nâng hạng và "hút" tiền
Liên quan Thông tư 68/2024/TT-BTC, đây được xem là bước tiến rất quan trọng để gỡ nút thắt, đáp ứng các tiêu chuẩn nhằm nâng hạng TTCK Việt Nam từ cận biên lên mới nổi thứ cấp theo tiêu chí của FTSE Russell.
Bà Hoàng Việt Phương, Giám đốc Trung tâm Phân tích và Tư vấn đầu tư - Công ty Chứng khoán SSI (SSI Research), cho biết Tổng Công ty Lưu ký và Bù trừ chứng khoán Việt Nam cùng các công ty chứng khoán, ngân hàng lưu ký và các nhà đầu tư đang làm việc để hoàn tất thủ tục, quy trình trước khi Thông tư 68 có hiệu lực vào tháng 11-2024. Theo bà, với việc Bộ Tài chính ban hành Thông tư 68, SSI Research duy trì kịch bản TTCK Việt Nam sẽ được nâng hạng trong kỳ đánh giá tháng 9-2025.
"Với việc nâng hạng lên TTCK mới nổi, theo ước tính sơ bộ của chúng tôi, dòng vốn từ các quỹ ETF có thể lên đến 1,7 tỉ USD, chưa tính đến dòng vốn từ các quỹ chủ động (FTSE Russell, ước tính tổng tài sản gấp 5 lần so với các quỹ ETF)" - bà Phương nhìn nhận.
Công ty CP Chứng khoán Bảo Việt (BVSC) cho rằng Việt Nam đã đạt được 7/9 nhóm tiêu chí để nâng hạng từ TTCK cận biên lên mới nổi thứ cấp. Sau khi Bộ Tài chính ban hành Thông tư 68 (sửa đổi 4 thông tư liên quan việc nhà đầu tư tổ chức nước ngoài có thể mua chứng khoán mà không cần có đủ tiền và lộ trình công bố thông tin bằng tiếng Anh), Việt Nam đã tiến gần hơn đến việc đáp ứng 2 tiêu chí trên của FTSE.
Đại diện BVSC dự báo: "Trong kỳ đánh giá sắp tới vào ngày 8-10, chúng tôi cho rằng FTSE sẽ ghi nhận tích cực hơn về quá trình nâng hạng của TTCK Việt Nam. Có khả năng TTCK Việt Nam sẽ được xem xét nâng hạng sớm nhất là vào tháng 3-2025, sau khi có những đánh giá cuối cùng về tiêu chí "Chi phí giao dịch thất bại".
Trong khi đó, ông Huỳnh Anh Tuấn, Tổng Giám đốc Chứng khoán Ngân hàng Đông Á (DAS), nhìn nhận nếu đạt được mục tiêu nâng hạng lên TTCK mới nổi, đây là cột mốc quan trọng, đánh dấu sự trưởng thành và hội nhập sâu rộng của nền kinh tế Việt Nam vào thị trường tài chính toàn cầu. Việc này không chỉ mang lại cơ hội phát triển mới cho TTCK mà còn tác động sâu sắc đến nền kinh tế nước ta. Trong đó, tác động trực tiếp và tích cực nhất là việc thu hút dòng vốn ngoại và phát triển thị trường vốn.
Theo ông Tuấn, khi được công nhận là thị trường mới nổi, chứng khoán Việt Nam sẽ thu hút sự quan tâm của các nhà đầu tư tổ chức lớn trên thế giới, qua đó gia tăng lượng vốn ngoại chảy vào TTCK. Bên cạnh đó, các doanh nghiệp niêm yết quy mô lớn sẽ có cơ hội tiếp cận nguồn vốn lớn để đầu tư vào công nghệ, đổi mới sản phẩm và mở rộng thị trường; đồng thời vị thế của doanh nghiệp cũng tăng theo.
"Nhà đầu tư nên nắm bắt cơ hội trước khi TTCK được nâng hạng vì thông thường, từ 1- 2 năm trước thời điểm nâng hạng chính thức, TTCK bật tăng rất mạnh mẽ. Điển hình như TTCK Qatar tăng hơn 45% giai đoạn từ tháng 9-2013 đến tháng 9-2014, TTCK Ả Rập Saudi tăng hơn 23% giai đoạn 2017-2018, Romania tăng hơn 18% từ tháng 9-2018 đến tháng 9-2019..." - ông Tuấn dẫn chứng.
Cơ hội đi kèm nhiều thách thức
Theo ông Huỳnh Anh Tuấn, việc nâng hạng lên thị trường mới nổi là cơ hội lớn nhưng cũng đi kèm nhiều thách thức đối với TTCK Việt Nam. Để tận dụng tối đa cơ hội và giảm thiểu rủi ro, nhà nước cần tiếp tục cải thiện môi trường kinh doanh, nâng cao chất lượng quản lý TTCK, hỗ trợ doanh nghiệp nhỏ và vừa. Doanh nghiệp niêm yết cũng cần nâng cao năng lực cạnh tranh, minh bạch hóa hoạt động và tuân thủ các quy định của pháp luật.
Xem thêm tại cafef.vn