Chứng khoán hồi phục nhẹ, thanh khoản sụt giảm mạnh

Trong phiên giao dịch sáng, sự thận trọng của nhà đầu tư sau phiên giảm mạnh nhất 1 tháng hôm qua (22/10), khiến diễn biến thị trường diễn ra chậm và các chỉ số chỉ giằng co nhẹ quanh tham chiếu và đóng cửa giảm nhẹ.

Trong đó, đáng chú ý là “sự bất đồng” của nhóm cổ phiếu họ nhà Vingroup khi VHM bị chốt lời nên quay đầu giảm 2,38%, trong khi VIC và VRE đều tăng, thậm chí VIC có lúc tăng mạnh 5% trước khi bị thu hẹp đáng kể đà tăng vào cuối phiên.

Cũng bị chốt lời và quay đầu giảm sau chuỗi 5 phiên tăng ấn tượng là EIB, nhưng mức giảm không mạnh nhất VHM.

Bước vào phiên giao dịch chiều, diễn biến thị trường không có nhiều sự khác biệt so với phiên sáng, chỉ có điều lực cung giá thấp được tiết giảm kéo nhiều mã quay đầu tăng trở lại, trong đó có một số mã bluechip, qua đó giúp VN-Index hồi phục, đóng cửa với sắc xanh nhạt. Tuy nhiên, thanh khoản sụt giảm trở lại mức trung bình sau phiên tăng mạnh hôm qua.

Chốt phiên, VN-Index tăng 1,01 điểm (+0,08%), lên 1.270,9 điểm với 204 mã tăng và 156 mã giảm. Tổng khối lượng giao dịch đạt 589,9 triệu đơn vị, giá trị 14.051,4 tỷ đồng, giảm 26% cả về khối lượng và giá trị so với phiên hôm qua. Trong đó, giao dịch thỏa thuận đóng góp 54 triệu đơn vị, giá trị 1.188,5 tỷ đồng.

Trong nhóm bluechip, VIC vẫn duy trì đà tăng, dù đà tăng này tiếp tục bị thu hẹp chút ít so với phiên sáng, đóng cửa 2,37% lên 43.200 đồng, khớp hơn 5 triệu đơn vị; 2 cổ phiếu ngân hàng vượt lên với mức tăng khá tốt là STB tăng 2,29% lên 35.800 đồng, khớp 12,1 triệu đơn vị và TPB tăng 2,02% lên 17.650 đồng, khớp 18 triệu đơn vị. PLX lùi 1 bước giá so với phiên sáng, còn tăng 1,2% lên 42.300 đồng. Các mã khác tăng nhẹ, trong đó VRE chỉ còn tăng 0,27% lên 18.650 đồng.

Trong khi đó, ở chiều ngược lại, VHM nới đà giảm thêm 1 bước giá, đóng cửa giảm 2,59% xuống 47.000 đồng, khớp tới 33,3 triệu đơn vị. Mười mã giảm còn lại trong rổ VN30 chỉ giảm dưới 1%.

Nhờ đó, VN30-Index cũng đóng cửa tăng nhẹ 0,8 điểm (+0,06%), lên 1.349,72 điểm.

Về các nhóm ngành, nhóm ngân hàng ngoài STB và TPB, còn có 5 sắc xanh nhạt tại MSB, LPB, NAB, CTG và VCB, nhiều hơn phiên sáng 3 sắc xanh. Trong khi đó, OCB từ sắc xanh lùi về tham chiếu, trong khi các mã từ sắc đỏ hồi về điểm xuất phát có EIB, HDB, TCB, ACB, cùng với MBB đứng tham chiếu từ sáng. Trong khi đó, ở chiều ngược lại các mã chỉ giảm nhẹ dưới 0,8%.

Nhóm chứng khoán lại cân bằng cả về số mã tăng giảm và biên độ tăng giảm của các mã.

Nhóm bất động sản, DIG hạ nhiệt đôi chút còn tăng 3,46% lên 20.950 đồng, trong khi SGR nới đà tăng lên 3,59%, mạnh nhất nhóm, đóng cửa ở mức 43.300 đồng, PDR cũng nới đà tăng với mức tăng 3,35% lên 21.600 đồng, tương tự là NLG tăng 3,01% lên 39.300 đồng… Trong khi mã tăng mạnh thứ 3 trong nhóm phiên sáng là VRC lại quay đầu giảm 0,92%, xuống 7.500 đồng. Cũng có mức tăng khá tốt hôm nay là DXG tăng 2,47% lên 16.600 đồng.

Nhóm thép trong khi đà tăng của SMC và DTL hạ nhiệt đáng kể trong phiên sáng, thì HSG giữ nguyên đà tăng nhẹ 0,25% lên 20.300 đồng, cùng với đó là NKG cũng tham gia với mức tăng nhẹ 0,25% lên 20.450 đồng. Nhóm này chỉ còn 2 sắc đỏ nhạt tại HPG giảm 0,75% xuống 26.450 đồng và TLH giảm 0,93% xuống 5.310 đồng.

Về thanh khoản, VHM đã vượt qua VIB trở thành mã có thanh khoản tốt nhất sàn, trong khi VIB chỉ có thêm hơn 4 triệu đơn vị được khớp trong phiên chiều, nâng tổng khớp cả ngày lên 24,2 triệu đơn vị, đóng cửa giảm nhẹ 0,27% xuống 18.700 đồng. DXG là mã có thanh khoản tốt thứ 3 với 22,5 triệu đơn vị, TPB kế tiếp với 18 triệu đơn vị.

HNX-Index cũng hồi phục ngay khi bước vào phiên chiều và dù có chút rung lắc sau khung giờ 14h, nhưng đã kịp lấy lại phong độ leo thẳng lên mức cao nhất ngày khi đóng cửa.

Chốt phiên, HNX-Index tăng 1 điểm (+0,44%), lên 226,5 điểm với 95 mã tăng và 62 mã giảm. Tổng khối lượng giao dịch đạt 40,8 triệu đơn vị, giá trị 662,9 tỷ đồng, giảm mạnh hơn 31% về khối lượng và 56% về giá trị so với phiên hôm qua. Trong đó, giao dịch thỏa thuận đóng góp không đáng kể.

SHS vẫn là mã có thanh khoản tốt nhất HNX với 9,26 triệu đơn vị, nhưng đóng cửa giảm 0,68% xuống 14.500 đồng, dù đà giảm đã được thu hẹp so với phiên sáng 1 bước giá. Các mã có thanh khoản tốt tiếp theo đều đóng cửa tăng giá, như CEO khớp hơn 5,3 triệu đơn vị, đóng cửa tăng 1,32% lên 15.300 đồng; VFS khớp 1,88 triệu đơn vị, đóng cửa tăng 1,33% lên 15.200 đồng; PVS khớp 1,63 triệu đơn vị, đóng cửa tăng 0,79% lên 38.300 đồng; DDG khớp 1,07 triệu đơn vị, đóng cửa tăng kịch trần lên 3.000 đồng; IDJ khớp 1,44 triệu đơn vị, đóng cửa tăng 6,67% lên 6.400 đồng. Có thêm 2 mã nữa có thanh khoản trên 1 triệu đơn vị và đóng cửa trái chiều nhau là MBS và TIG.

UPCoM cũng hồi phục trong phiên chiều và leo thẳng một mạch lên mức cao nhất ngày mà không gặp nhiều khó khăn như 2 sàn niêm yết.

Chốt phiên, UPCoM-Index tăng 0,39 điểm (+0,43%), lên 92,12 điểm với 169 mã tăng và 115 mã giảm. Tổng khối lượng giao dịch đạt 38,8 triệu đơn vị, giá trị 590 tỷ đồng, trong đó giao dịch thỏa thuận đóng góp 18,3 triệu đơn vị, giá trị 317 tỷ đồng.

Hôm nay UPCoM chỉ có 4 mã khớp hơn 1 triệu đơn vị, gồm BSR khớp 2,26 triệu đơn vị, đóng cửa quay đầu giảm 0,46% xuống 21.500 đồng; HNG khớp 2,1 triệu đơn vị, đóng cửa tăng 4,35% lên 4.800 đồng; DFF khớp 1,1 triệu đơn vị, đóng cửa ở mức trần 1.900 đồng; và BVB khớp 1,01 triệu đơn vị, đóng cửa ở tham chiếu 11.800 đồng.

Trên thị trường chứng khoán phái sinh, có 3 hợp đồng tương lai chỉ số VN30 tăng theo thị trường cơ sở và 1 hợp đồng giảm, nhưng mức tăng giảm đều xoay quanh mức biến động của VN30. Trong đó, hợp đồng đáo hạn tháng 11 là VN30F2411 tăng 1,8 điểm (+0,13%), lên 1.354 điểm với 210.171 hợp đồng được giao dịch, tương đương tổng giá trị 28.392,4 tỷ đồng; khối lượng mở 56.544 hợp đồng.

Trên thị trường chứng quyền, hôm nay có tới 16 mã có thanh khoản trên 1 triệu đơn vị, chủ yếu là do SSI phát hành, ba mã do HSC và mã còn lại do ACBS. Trong đó, mã có thanh khoản tốt nhất là CSTB2404 do HSC phát hành với 3,5 triệu đơn vị, đóng cửa tăng 3,07% lên 1.680 đồng.

Trên thị trường trái phiếu doanh nghiệp riêng lẻ, hôm nay có 4,57 triệu đơn vị được chuyển nhượng, tổng giá trị 5.609 tỷ đồng. Trong đó, mã có khối lượng giao dịch lớn nhất là HIC12103 do Helios phát hành với gần 1,5 triệu đơn vị, giá trị hơn 153 tỷ đồng. Trong khi đó, xét về giá trị thì ACB12301 do ACB phát hành là mã có giá trị giao dịch lớn nhất tới 1.840 tỷ đồng, tương ứng khối lượng 18.000 đơn vị.

Xem thêm tại tinnhanhchungkhoan.vn