Áp lực chốt lời ngắn hạn rõ hơn
Thị trường chứng khoán hôm nay tiếp tục diễn biến giằng co, nhưng áp lực chốt lời ngắn hạn biểu hiện rõ hơn so với hôm qua. Mặc dù độ rộng của thị trường không quá tiêu cực, nhưng áp lực chốt lời kết hợp với khối ngoại đẩy mạnh xả ròng phiên chiều khiến chỉ số không hồi được về cuối phiên như hôm qua.
Đóng cửa phiên giao dịch hôm nay, chỉ số VN-Index điều chỉnh giảm nhẹ -2,73 điểm, dừng lại ở mức 1.227,31 điểm. Độ rộng của thị trường nghiêng nhẹ về bên bán. Thống kê trên HOSE, hôm nay có 217 mã tăng, 77 mã tham chiếu, trong khi có 263 mã giảm. Về nhóm ngành, độ rộng thị trường nghiêng về phía tiêu cực với 10/18 ngành giảm điểm, trong đó ngành bán lẻ dẫn đầu đà giảm, theo sau là ngành công nghệ thông tin, tài nguyên cơ bản… Ở chiều ngược lại, ngành truyền thông có một phiên giao dịch rất tích cực hôm nay.
|
Nhóm VN30 cũng diễn biến tương tự khi giằng co và đóng cửa giảm nhẹ. Theo đó, chỉ số VN30-Index giảm nhẹ -2,18 điểm, còn 1.239,9 điểm. Rổ VN30 độ rộng không quá chênh lệch nhưng sắc đỏ lấn át nhẹ với 16 mã giảm, 1 mã đứng giá và 13 mã tăng.
Trên sàn Hà Nội, hai chỉ số chính đóng cửa trái chiều nhau. Theo đó, chỉ số HNX-Index tăng +0,16 điểm, đóng cửa tại 234,01 điểm; trong khi đó, chỉ số UPCoM-Index đóng cửa giảm nhẹ -0,03 điểm, còn 90,57 điểm.
Thanh khoản thị trường giảm ở mức khá. Tính riêng trên HOSE, tổng giá trị giao dịch đạt mức 17.951 tỷ đồng, trong đó, giá trị khớp lệnh đạt 16.800 tỷ đồng, giảm -18,14% so với phiên trước.
Khối ngoại đẩy mạnh bán ròng mạnh dù trái chiều trên cả 2 sàn. Tính trên HOSE, khối ngoại bán ròng -938,03 tỷ đồng, trong đó, lực bán tập trung vào các mã gồm: HPG (-149,95 tỷ đồng), VPB (-117,02 tỷ đồng), MSN (-109,6 tỷ đồng)… Trong khi đó, khối ngoại mua ròng trên sàn HNX với giá trị +21,27 tỷ đồng.
Rung lắc có thể vẫn còn
Thị trường chứng khoán trong nước hôm nay cho thấy áp lực chốt lời ngắn hạn rõ nét hơn. Điều này cũng dễ hiểu vì thị trường trái qua chuỗi phiên tăng tốt. Nhìn ở góc độ nào đó, đây là diễn biến thị trường cần để tìm xu hướng tăng bền hơn.
Theo SSI Researhc, VN-Index điều chỉnh nhẹ và tích lũy trong phạm vi 1.222 - 1.230 điểm. Các chỉ báo kỹ thuật RSI và ADX trên vùng tích cực và có dấu hiệu suy giảm. Theo đó, chỉ số VN-Index có thể tiếp tục đi ngang trong khu vực trên trước khi chuyển hướng tích cực trở lại. |
Nhìn một cách tổng thể, hôm nay, lực bán chốt lời tập trung vào một số mã ngân hàng lớn và các bluechips khiến tác động tới chỉ số lớn hơn. Thực tế, lực cầu vẫn khá tốt nên mới tạo hiện tượng giằng co và mức độ giảm điểm không đáng kể. Bên cạnh đó, độ rộng của thị trường cũng không quá thiên lệch về bên bán, khi trên HOSE vẫn có 217/263 mã tăng/giảm. Điều đó cũng có nghĩa là độ phân hóa đang tạo cơ hội cho một số mã, mặc dù rủi ro rung lắc ngắn hạn đang tăng lên.
Đóng góp vào đà giảm hôm nay cũng phải kể đến khối ngoại. Diễn biến bán mạnh của khối này hôm nay khá bất ngờ. Điều này ít nhiều sẽ có tác động tới tâm lý chung của nhà đầu tư trong một vài phiên tới.
Áp lực bán lớn hơn khiến VN-Index điều chỉnh nhẹ. Ảnh minh họa. |
Thanh khoản hôm nay giảm khá, khi trên giá trị khớp lệnh chỉ đạt khoảng 18,2 nghìn tỷ đồng. Đó là biểu hiện của sự thận trọng đối với bên cầm tiền khi thị trường vào giai đoạn cần tìm lại sự cân bằng trong ngắn hạn. Tuy vậy, so với giai đoạn trước Tết, mức 18 nghìn tỷ đồng không phải là mức thấp. Sự suy yếu của thanh khoản là khi so sánh với những phiên gần đây. Do vậy, rung lắc sẽ còn duy trì nhưng quan trọng nhất là quản trị danh mục trong giai đoạn này. Bán mạnh hay mua mạnh có thể có hiệu suất kém hơn.
Theo BSC, sau một đợt tăng dốc, áp lực chốt lời dần hiện rõ hơn, nhưng nhìn chung thanh khoản vẫn đang ủng hộ đà tăng của VN-Index. Xu hướng rung lắc có thể sẽ tiếp tục diễn ra trong những phiên tới trong quá trình chỉ số trở về ngưỡng kháng cự 1.250 điểm./.