Chứng khoán Mỹ và giá dầu cùng tăng trong lúc dõi theo tình hình Trung Đông

Thị trường chứng khoán Mỹ tăng điểm nhẹ trong phiên giao dịch ngày thứ Tư (2/10), trong lúc căng thẳng địa chính trị gia tăng ở Trung Đông tiếp tục gây áp lực lên thị trường và nhà đầu tư chờ báo cáo việc làm dự kiến công bố vào ngày thứ Sáu. Giá dầu thô cũng đi lên do mối lo về sự gián đoạn nguồn cung.

Lúc đóng cửa, chỉ số S&P 500 tăng 0,01%, đạt 5.709,54 điểm. Chỉ số Nasdaq tăng 0,08%, đạt 17.952,12 điểm. Chỉ số Dow Jones tăng 39,55 điểm, tương đương tăng 0,09%, đạt 42.196,52 điểm.

Hôm thứ Ba, thị trường giảm điểm sau khi Iran phóng tên lửa đạn đạo vào Israel - đánh dấu cuộc tấn công lớn nhất từ trước tới nay của Tehran nhằm vào Israel. Diễn biến này đẩy cao mối lo về một cuộc chiến tranh tổng lực ở Trung Đông và khiến tâm lý ham thích rủi ro của nhà đầu tư suy giảm.

Tâm trạng của giới đầu tư cổ phiếu ở Phố Wall giờ đây vẫn còn bấp bênh khi Israel bắt đầu một chiến dịch trên bộ tại Lebanon và các cuộc giao tranh giữa lực lượng của Israel với tổ chức phiến quân Hezbollah do Iran hậu thuẫn tiếp tục diễn ra căng thẳng.

“Thị trường đang khựng lại vì căng địa chính trị tăng mạnh gần đây. Nhà đầu tư thường không lo sợ quá nhiều về những sự kiện như vậy cho tới khi có ảnh hưởng kinh tế rõ rệt, nhưng họ đang có một mối lo nhất định”, chuyên gia Lisa Erickson của công ty quản lý gia sản US Bank Wealth Management nhận định với hãng tin CNBC.

Tổng thống Mỹ Joe Biden nói ông không ủng hộ Israel có bất kỳ cuộc tấn công nào nhằm vào các cơ sở hạt nhân của Iran, đồng thời kêu gọi Israel hành động “phù hợp” trong phản ứng với cuộc tấn công từ phía Tehran. Về phần mình, Iran nói rằng cuộc tấn công đã kết thúc trừ phi Israel có thêm hành động gây hấn.

Chỉ số VIX đo lường nỗi sợ hãi ở Phố Wall đã quay đầu giảm sau khi tăng vọt vào hôm thứ Ba.

Báo cáo việc làm tháng 9 của công ty dữ liệu tuyển dụng ADP cho thấy số lượng việc làm mới trong khu vực kinh tế tư nhân của Mỹ tăng mạnh hơn dự báo. Số liệu này giúp giảm bớt mối lo của nhà đầu tư về sức khỏe nền kinh tế lớn nhất thế giới. Tuy nhiên, nhà đầu tư vẫn đang chờ báo cáo việc làm phi nông nghiệp dự kiến sẽ được Bộ Lao động Mỹ công bố vào ngày thứ Sáu.

Các thống kê về thị trường việc làm đang giữ một vai trò quan trọng trong việc quyết định các bước đi chính sách tiền tệ tiếp theo của Cục Dự trữ Liên bang Mỹ (Fed), thậm chí quan trọng hơn cả số liệu lạm phát. Đó là bởi lạm phát đã giảm khá gần về mục tiêu 2% của Fed, và ngân hàng trung ương này đang chuyển hướng sang tập trung nhiều hơn vào việc bảo vệ công ăn việc làm.

Một câu chuyện nữa thu hút mối quan tâm của nhà đầu tư ở Phố Wall vào thời điểm này là cuộc đình công của công nhân bến tàu ở vùng Bờ Đông và các hải cảng bên bờ Vịnh Mexico. 45.000 công nhân đã tham gia cuộc đình công kéo dài 2 ngày qua, khiến việc xếp dỡ hàng hóa bị ngưng trệ. Nguồn thạo tin tiết lộ với hãng tin Reuters rằng hiện tại, các bên vẫn chưa sắp xếp được cuộc đàm phán nào.

Được hỗ trợ bởi nhu cầu phòng ngừa rủi ro và báo cáo việc làm khả quan từ ADP, tỷ giá đồng USD so với đồng euro đạt mức cao nhất 3 tuần.

Giá trái phiếu kho bạc Mỹ cũng tăng, khiến lợi suất giảm xuống. Lợi suất giảm phản ánh kỳ vọng rằng Fed có thể sẽ không giảm lãi suất với mức giảm 0,5 điểm phần trăm trong cuộc họp tháng 11 mà chỉ giảm 0,25 điểm phần trăm.

Trên thị trường năng lượng, giá dầu thô Brent giao sau tại London tăng 0,34 USD/thùng, tương đương tăng 0,46%, chốt ở mức 73,9 USD/thùng. Giá dầu WTI giao sau tại New York tăng 0,27 USD/thùng, tương đương tăng 0,39%, chốt ở 70,1 USD/thùng.

Theo nhà phân tích Tamas Varga của công ty môi giới dầu lửa PVM Oil, nếu Israel tấn công vào hạ tầng dầu lửa cua Iran, Tehran có thể phản ứng bằng cách tấn công vào các cơ sở dầu lửa của Saudi Arabia. “Bất kỳ một sự kiện nào như thế đều có thể đẩy giá dầu tăng mạnh”, ông Varga nói.

“Iran chiếm khoảng 4% sản lượng dầu toàn cầu. Một vấn đề quan trọng là liệu Saudi Arabia có tăng sản lượng dầu hay không trong trường hợp nguồn cung từ Iran gián đoạn”, một báo cáo của công ty Capital Economics nhận định.

Theo một báo cáo của ngân hàng ANZ, sản lượng dầu thô của Iran đạt 3,7 triệu thùng/ngày trong tháng 8, mức cao nhất 6 năm.

Một cuộc họp cấp bộ trưởng của OPEC+ diễn ra vào ngày thứ Tư đã quyết định giữ nguyên chính sách sản lượng. Liên minh giữa Tổ chức Các nước xuất khẩu dầu lửa (OPEC) và một số thành viên ngoài khối gồm Nga dự kiến sẽ tăng sản lượng khai thác dầu hàng tháng thêm 180.000 thùng/ngày kể từ tháng 12 năm nay.

“Bất kỳ dấu hiệu nào về việc tăng sản lượng có thể sẽ giúp xoa dịu mối lo về sự gián đoạn nguôn cung dầu từ Trung Đông”, ANZ nhận định.

Tờ Wall Street Journal ngày thứ Tư đưa tin rằng Bộ trưởng Dầu lửa Saudi Arabia cảnh báo giá dầu có thể giảm về 50 USD/thùng nếu OPEC+ không thực thi đúng việc hạn chế sản lượng. OPEC sau đó đã bác bỏ thông tin này, nói rằng bài báo “hoàn toàn không chính xác và gây hiểu lầm”.

Xem thêm tại vneconomy.vn