Chứng khoán phục hồi trong phiên chiều
Chứng khoán mở cửa phiên đầu tuần này vẫn với sự thận trọng của nhà đầu tư, trước diễn biến tỷ giá đi lên gần đây.
Khoảng thời gian đầu phiên 18/11, tâm lý thị trường có phần bớt bi quan hơn, giúp kéo các chỉ số vượt trên mốc tham chiếu khi mở cửa.
Tuy nhiên, sự phục hồi yếu khi lực cầu không đủ cộng thêm khối ngoại bán ròng mạnh từ sớm đã khiến các chỉ số đảo chiều.
Đà giảm mạnh ở nhóm cổ phiếu lớn kích hoạt sự bi quan trong tâm lý nhà đầu tư, vốn đã suy yếu cùng nhịp giảm gần đây của thị trường. Đà giảm lan rộng đến nhiều nhóm cổ phiếu khác, đẩy VN-Index có thời điểm về dưới mốc 1.210 điểm.
Trong báo cáo gần đây, Dragon Capital nhận định, khả năng giảm thêm của thị trường không cao, một phần nhờ quan điểm tích cực của các nhà đầu tư trong nước.
Diễn biến trên thị trường ở phiên chiều đã phần nào chứng minh quan điểm này khi lực cầu bắt đáy dâng cao. Hàng loạt nhóm ngành cổ phiếu có sự hồi phục, giúp các chỉ số đi lên.
Các nhóm cổ phiếu được chú ý như: chứng khoán, bất động sản được lực cầu kéo tăng mạnh trở lại. Một số mã nhóm ngân hàng cũng hồi phục sau nhịp giảm đầu giờ.
Diễn biến thị trường ngày 18/11 |
Kết thúc phiên giao dịch, VN-Index giảm 1,45 điểm (-0,12%) xuống 1.217,12 điểm.
Toàn sàn HoSE có 184 mã tăng, 181 mã giảm và 70 mã đứng giá. HNX-Index tăng 0,26 điểm (0,12%) lên 221,79 điểm, với 72 mã tăng, 77 mã giảm và 66 mã đứng giá. UPCoM-Index tăng 0,31 điểm (0,34%) lên 91,64 điểm.
Giá trị giao dịch trên HNX cũng giảm 21%, đạt 955 tỷ đồng. Trong khi đó, giá trị giao dịch ở UPCoM tăng gần 20% lên 590 tỷ đồng. |
Tuy nhiên, một vấn đề khác là thị trường hồi phục không đi kèm với thanh khoản. Tổng khối lượng giao dịch riêng sàn HoSE đạt hơn 646 triệu cổ phiếu (giảm 14% so với phiên trước), tương ứng tổng giá trị giao dịch ở mức 15.557 tỷ đồng (giảm 16,6%).
Cổ phiếu chứng khoán hồi phục
Sự hồi phục diễn ra mạnh mẽ ở nhiều cổ phiếu thuộc nhóm chứng khoán và bất động sản. Tại nhóm chứng khoán, các cổ phiếu thuộc “top” giữa vẫn có sự hồi phục mạnh nhất. Trong đó, CTS tăng gần 4%, MBS tăng 3,8%, AGR tăng 3,4%, BVS tăng 3,2%.
Ở nhóm trên, HCM cũng ghi nhận mức tăng mạnh 3,6%, SSI tăng 1,5% và lọt top các cổ phiếu có tác động tích cực nhất đến VN-Index. Đáng chú ý, SSI vẫn tăng bất chấp việc khối ngoại bán ròng đến gần 270 tỷ đồng.
Tại nhóm bất động sản, TCH là cổ phiếu dẫn dắt khi bất ngờ được kéo lên mức giá trần. Việc TCH tăng trần đã kích hoạt dòng tiền bắt đáy ở nhiều cổ phiếu khác trong đó, NTL tăng 4,4%, DXG tăng 1,9%, PDR tăng 1,5%...
Trong nhóm VN30, các cổ phiếu như TPB, VHM, STB, GAS... đồng loạt tăng giá và giúp nâng đỡ thị trường chung. TPB tăng đến 2,6%, VHM tăng 1,4%, STB tăng 0,6%...
Ở hướng ngược lại, hàng loạt cổ phiếu trụ cột khác giảm giá và tạo rất nhiều áp lực lên thị trường chung. MWG tiếp tục bị bán mạnh và đóng cửa giảm 1,7%. Bên cạnh đó, PLX giảm 1,8%, VCB giảm 0,76%, BCM giảm 1,47%.
Ảnh tư liệu minh hoạ. |
Ở nhóm khu công nghiệp, GVR, NTC và IDV là các mã hiếm hoi giữ được sắc xanh. Trong khi đó, KBC, DTD, SIP, SZC... đều chìm trong sắc đỏ. Thậm chí KBC phiên hôm nay còn giảm đến gần 6%.
Việc cổ phiếu KBC bị bán tháo diễn ra trong bối cảnh đơn vị này vừa thông qua nghị quyết phát hành 250 triệu cổ phiếu riêng lẻ từ quý I đến quý III/2025.
Việc phát hành nhằm tăng vốn điều lệ và cải thiện năng lực tài chính. Tổng giá trị phát hành ở mức 2.500 tỷ đồng, tương đương 32,57% số cổ phiếu đang lưu hành, với đối tượng chào bán là tối đa 100 nhà đầu tư chứng khoán chuyên nghiệp trong và ngoài nước./.
Khối ngoại tiếp tục duy trì trạng thái bán ròng mạnh với 1.456 tỷ đồng trên sàn HoSE ở phiên hôm nay (phiên trước bán ròng 1.300 tỷ đồng). Trong đó, SSI bị bán ròng mạnh nhất với 269 tỷ đồng. VHM và MWG bị bán ròng lần lượt 243 tỷ đồng và 197 tỷ đồng. Ngược lại, STB đứng đầu danh sách mua ròng với 33 tỷ đồng, GAS đứng sau nhưng giá trị mua ròng chỉ gần 20 tỷ đồng. |