VN-Index hồi phục
Tâm lý thận trọng, cùng sức ép từ bên bán khiến thị trường chứng khoán mở cửa phiên giao dịch 8/1 trong sắc đỏ.
Chỉ số biến động hẹp trong khoảng nửa giờ giao dịch, sau đó áp lực bán dâng cao đã đẩy nhiều cổ phiếu chìm trong sắc đỏ. VN-Index dần đi xuống, có thời điểm thủng mốc 1.240 điểm. Tuy nhiên, nhịp giảm mạnh cũng khiến lực cầu bắt đáy gia tăng, giúp chỉ số của sàn HoSE có nhịp bật lại theo hình chữ V.
Xu hướng tích cực được duy trì sang phiên chiều. Lực mua có phần cải thiện, trong khi bên bán chững lại giúp các chỉ số chính nới rộng sắc xanh. Tuy nhiên, trong giai đoạn khoảng trống thông tin, đặc biệt là trước kỳ nghỉ Tết Nguyên đán, tâm lý thận trọng vẫn chiếm áp đảo khiến lực mua không quá đột biến. Thanh khoản thị trường duy trì ở mức thấp.
Kết thúc phiên giao dịch, VN-Index đứng ở mức 1.251,02 điểm tăng 4,07 điểm (0,33%). Toàn sàn HoSE có 236 mã tăng, 153 mã giảm và 74 mã đứng giá. HNX-Index tăng 0,89 điểm (0,4%) lên 221,87 điểm, với 90 mã tăng, 65 mã giảm và 52 mã đứng giá. UPCoM-Index tăng 0,54 điểm (0,58%) lên 93,54 điểm.
Thị trường hồi phục nhưng không kèm theo sự gia tăng của thanh khoản. Tổng khối lượng giao dịch trên HoSE đạt 445,75 triệu cổ phiếu (giảm 20,4%), tương ứng giá trị giao dịch giảm 22,6% xuống 10.206 tỷ đồng. Nếu chỉ tính khớp lệnh, giá trị giao dịch chỉ ở mức 8.500 tỷ đồng, giảm gần 28%. Giao dịch trên HNX cũng giảm 28% xuống 605,8 tỷ đồng. Trong khi đó, giao dịch trên UPCoM tăng 141% lên 880 tỷ đồng nhờ đột biến giao dịch thỏa thuận.
Diễn biến VN-Index phiên giao dịch ngày 08/01. |
Cổ phiếu vừa và nhỏ hồi phục
Nhóm VN30 phiên hôm nay có 17 mã tăng, trong khi chỉ có 6 mã giảm và 7 mã đứng giá. Các cổ phiếu như MWG, MSN, TCB, GVR, CTG… đồng loạt tăng giá và góp phần giúp VN-Index hồi phục trở lại. MWG tăng trở lại 1,75%, MSN cũng tăng 1,35%, TCB có thêm 1,27%, CTG vượt tham chiếu 0,93%.
Ở chiều ngược lại, 6 mã giảm trong nhóm VN30 là HDB, FPT, STB, MBB, BID và VJC. Trong đó, HDB giảm đến 3,9% xuống còn 23.300 đồng. Như vậy, sau phiên tăng trần ngày 30/12/2024, cổ phiếu HDB đã điều chỉnh hơn 12%.
FPT cũng tiếp tục giảm 1,2% xuống 148.300 đồng. Việc FPT giảm cũng tác động xấu đến các cổ phiếu thuộc nhóm công nghệ. Trong đó, CMG giảm gần 2%, nâng mức giảm trong một tháng lên hơn 10%.
Nhóm cổ phiếu Viettel cũng gây chú ý khi đồng loạt giảm giá. Trong đó, VTP giảm trở lại 5,9% xuống 147.700 đồng. Các cổ phiếu cùng nhóm này như VGI, VTK hay CTR cũng chìm trong sắc đỏ.
Ở nhóm cổ phiếu vốn hóa vừa và nhỏ, các cổ phiếu thuộc nhóm bất động sản, thép hay chứng khoán ghi nhận nhiều mã hồi phục. Ở nhóm bất động sản, DXG tăng trở lại 3,45%, PDR tăng 2,4%, DPG tăng 2,35%, NTL tăng 1,8%. Các mã như HTN, NDN, NRC, SCR… cũng đều đóng cửa trong sắc xanh.
Ở nhóm thép, HPG hồi phục với mức tăng 0,77%. Các mã khác như NKG, HDG, VGS hay TVN đều có phiên giao dịch tích cực, như VGS tăng tới 3%, TVN tăng 6,7%. Nhóm chứng khoán cũng ghi nhận nhiều cổ phiếu tăng giá nhưng mức tăng ở ngưỡng trung bình. APG gây chú ý nhất khi tăng trần, trong khi đó SSI chỉ tăng 0,61%, HCM tăng 1,07%, VCI tăng 1,1%./.
Khối ngoại giao dịch theo chiều hướng kém tích cực khi bán ròng 445 tỷ đồng trên sàn HoSE. FPT bị bán ròng mạnh nhất với 230 tỷ đồng. STB cũng bị bán ròng 70 tỷ đồng. VTP và VNM bị bán ròng lần lượt 56 tỷ đồng và 47 tỷ đồng. Chiều ngược lại, TCB được mua ròng mạnh nhất với 103 tỷ đồng. HDB đứng sau với gần 49 tỷ đồng. |