Thanh khoản giảm sâu

Thị trường chứng khoán trong nước mở cửa phiên giao dịch ngày 09/01 biến động hẹp khi VN-Index giao dịch quanh vùng 1.250 điểm. Giao dịch ảm đạm với thanh khoản rất thấp khi nhà đầu tư tiếp tục giảm mạnh cường độ mua bán. Theo giới phân tích, tâm lý nghỉ Tết sớm, cùng sự thận trọng trong giai đoạn khoảng trống thông tin là nguyên nhân chính dẫn tới diễn biến này.

Sau khoảng hơn 1 giờ giằng co, thị trường có phần tiêu cực hơn. Áp lực bán dần dâng cao khiến sắc đỏ chiếm ưu thế trên bảng điện tử. VN-Index không giảm quá nhanh, do áp lực bán không quá quyết liệt, đồng thời là lực cầu thấp.

Sau giờ nghỉ trưa, sự rung lắc tiếp tục diễn ra. VN-Index đạt mức thấp nhất ở khoảng 1.242 điểm, trước khi hồi phục nhẹ trở lại. Giao dịch trên thị trường gần như đứng im và không có quá nhiều điểm đáng chú ý. Áp lực chủ yếu ở phiên hôm nay đến từ nhóm vốn hóa lớn khi sắc đỏ áp đảo. Cùng với đó việc khối ngoại duy trì trạng thái bán ròng mạnh cũng tác động xấu đến tâm lý nhà đầu tư.

Kết thúc phiên giao dịch, VN-Index đứng ở mức 1.245,77 điểm, giảm 5,25 điểm (-0,42%). Toàn sàn HOSE có 263 mã giảm,trong khi chỉ có 126 mã tăng và 64 mã đứng giá. HNX-Index tăng nhẹ 0,07 điểm (0,03%) lên 221,94 điểm, với 65 mã tăng, 73 mã giảm và 63 mã đứng giá. UPCoM-Index giảm 0,45 điểm (-0,48%) xuống 93,09 điểm.

Dòng tiền đứng ngoài khiến thanh khoản thị trường rơi vào trạng thái "đóng băng" ở phiên hôm nay. Tổng khối lượng giao dịch riêng sàn HOSE chỉ đạt 336,3 triệu cổ phiếu (giảm 25% so với phiên trước), tương ứng giá trị giao dịch đạt 7.514 tỷ đồng (giảm 26%). Giá trị khớp lệnh sàn HOSE phiên hôm nay giảm 22% xuống mức 6.617 tỷ đồng - thấp nhất kể từ phiên 23/3/2023 (6.540 tỷ đồng). Giá trị giao dịch trên HNX tăng 4% lên 630 tỷ đồng chủ yếu do tăng giao dịch thỏa thuận. Giá trị giao dịch sàn UPCoM giảm 41% xuống 522 tỷ đồng.

Chứng khoán ngày 9/1: Thanh khoản giảm sâu, cổ phiếu YEG tiếp tục sàn
Diễn biến VN-Index phiên giao dịch ngày 09/01.

Sắc đỏ áp đảo nhóm vốn hóa lớn, YEG giảm sàn

Trong nhóm VN30 phiên hôm nay chỉ có 7 mã tăng giá là PLX, VHM, VIC, POW, FPT, VRE và VNM. Trong khi đó, nhóm này ghi nhận đến 21 mã giảm giá.

HDB tiếp tục giảm mạnh 4% xuống 22.350 đồng. Như vậy, kể từ phiên cuối năm 2024, cổ phiếu HDB đã giảm khoảng 16% giá trị. Bên cạnh đó, BCM, SSI và CTG đều giảm trên 1%. BID có phiên giảm thứ hai liên tiếp sau khi công bố thông báo các Nghị quyết liên quan đến việc chào bán cổ phiếu riêng lẻ.

Các cổ phiếu như HPG, STB, VPB, MWG, MSN, VCB… cũng đều chìm trong sắc đỏ ở phiên hôm nay.

Chứng khoán ngày 9/1: Thanh khoản giảm sâu, cổ phiếu YEG tiếp tục sàn
Ảnh minh họa.

Tại nhóm vốn hóa vừa và nhỏ, YEG gây bất ngờ khi giảm sàn trở lại, lùi về chỉ còn 15.850 đồng. Ngày 7/1, Tập đoàn Yeah1 công bố sẽ chào bán 54,8 triệu cổ phiếu cho cổ đông hiện hữu với tỷ lệ 40%, tức cổ đông sở hữu 100 cổ phiếu được quyền mua 40 cổ phiếu mới.

Ở những nhóm cổ phiếu khác, nhiều cổ phiếu thuộc nhóm bất động sản, thép hay chứng khoán hồi phục ở phiên hôm qua thì đến phiên 9/1 cùng chìm trong sắc đỏ./.

Khối ngoại giao dịch theo chiều hướng tiêu cực khi tiếp tục bán ròng 440 tỷ đồng ở sàn HOSE. Nhóm này bán ròng mạnh nhất mã STB với 85 tỷ đồng. VNM và SSI đều bị bán ròng trên 40 tỷ đồng. Chiều ngược lại, HDB được mua ròng mạnh nhất với 46 tỷ đồng. PAN đứng sau nhưng giá trị mua ròng chỉ 17 tỷ đồng.