Chứng khoán nguy cơ thủng mốc 1.100 điểm và lời khuyên nhà đầu tư bắt đáy
Kết phiên giao dịch sáng 9/4, chỉ số VN-Index dừng tại 1.100,31 điểm, giảm 32,48 điểm so với tham chiếu. Thị trường mở cửa trong sắc đỏ và nhanh chóng lùi về vùng đáy thấp nhất kể từ cuối năm 2023.
Sau hơn một giờ giao dịch, lực cầu bắt đáy gia tăng đã giúp chỉ số hồi phục nhanh, có thời điểm tăng lên mốc 1.138 điểm lúc 10h07. Tuy nhiên, đà phục hồi không duy trì được lâu. VN-Index dần suy yếu và tiếp tục lùi sát mốc 1.100 điểm vào cuối phiên sáng.
Trong 30 phút cuối phiên, nỗ lực kéo chỉ số khỏi vùng đáy đã giúp VN-Index hồi nhẹ lên mức 1.116 điểm. Tuy vậy, áp lực bán tăng mạnh trong 10 phút cuối khiến chỉ số quay đầu giảm sâu, đóng cửa phiên sáng tại 1.100,31 điểm. Toàn thị trường ghi nhận 354 mã giảm giá, trong đó 105 cổ phiếu giảm sàn. Ở chiều ngược lại, chỉ có 110 mã tăng giá, với vỏn vẹn 2 mã tăng trần trên HNX và UPCoM.
Về diễn biến nhóm cổ phiếu, cổ phiếu họ Vin đóng vai trò quan trọng trong việc kìm hãm đà giảm của thị trường. Cụ thể, VIC kết phiên sáng tăng 4,17%, có lúc tăng gần 5%; VHM tăng 2,45%; VRE tăng 2,86%. Ngoài ra, một số mã bluechips cũng ghi nhận diễn biến tích cực như SAB (+2%), BWE (+6,06%), PGV (+2,61%), BMP (+3,09%)... Trong rổ VN30, bộ ba VIC – VHM – VRE cùng SAB là những mã hiếm hoi giữ được sắc xanh.

Chiều ngược lại, HPG dẫn đầu nhóm giảm sàn, đóng cửa tại 21.300 đồng/cổ phiếu sau thông tin không chia cổ tức tiền mặt được công bố vào cuối phiên chiều 8/4. Nhóm ngân hàng cũng gây áp lực lớn lên chỉ số với sự suy yếu của loạt mã như CTG, VPB, BID, VCB, HDB. Ngoài ra, các cổ phiếu lớn như GVR, MSN, GAS, BCM cũng nằm trong nhóm tác động tiêu cực đến VN-Index.
Dòng tiền khối ngoại ghi nhận mua ròng hơn 179 tỷ đồng trên cả ba sàn. Đáng chú ý, FPT dẫn đầu danh sách mua ròng sau nhiều tuần bị bán mạnh với giá trị lên tới hàng nghìn tỷ đồng. Tiếp theo là TCB (144,4 tỷ đồng), MWG (129,2 tỷ đồng), VIC (56,1 tỷ đồng), ACB (39 tỷ đồng), PAN (31,3 tỷ đồng), VPB (29,4 tỷ đồng)...

Ở chiều bán ròng, MBB và VCB dẫn đầu với giá trị lần lượt là 223,3 tỷ đồng và 95,8 tỷ đồng. Các mã khác trong danh sách bán ròng mạnh gồm MSN (-61 tỷ đồng), VHM (-51,5 tỷ đồng), STB (-47,3 tỷ đồng), HAH (-44,7 tỷ đồng), VIX (-38,6 tỷ đồng)...
Giữa bối cảnh thị trường điều chỉnh sâu, ông Nguyễn Duy Hưng – Chủ tịch HĐQT CTCP Chứng khoán SSI – đã có chia sẻ đáng chú ý trên trang cá nhân: “Thuế quan tác động tiêu cực nhưng không có lý do gì thị trường phản ứng như tận thế, đã đến lúc bắt đáy.”
Dù thường xuyên bày tỏ quan điểm cá nhân trên mạng xã hội, đây là một trong những lần hiếm hoi người đứng đầu một công ty chứng khoán lớn công khai khuyến nghị nhà đầu tư giải ngân khi thị trường điều chỉnh mạnh.
Chuyên gia chứng khoán Nguyễn Hồng Điệp cũng nhận định thị trường có khả năng sớm đảo chiều trong ngắn hạn, khi mà tin tức xấu đang tràn lan.
Theo báo cáo từ SSI Research, VN-Index hiện đang giao dịch ở mức P/E hỗn hợp (bình quân của P/E 4 quý gần nhất và P/E dự phóng 1 năm) là 11,6 lần – thấp hơn 25% so với mức trung bình 15,5 lần của giai đoạn 2016 đến nay. So với các nhịp điều chỉnh lớn trong quá khứ, mức P/E hiện tại chỉ cao hơn giai đoạn đáy của khủng hoảng Covid-19 vào tháng 3/2020 và thời điểm khủng hoảng trái phiếu doanh nghiệp cuối năm 2022.
“Trong 10 năm qua, VN-Index đã điều chỉnh hơn 4% trong 24 lần. Mặc dù thị trường có thể còn động lực điều chỉnh trong ngắn hạn, tỷ lệ thị trường hồi phục sau giai đoạn 1-3 tháng và 12 tháng tương đối cao ở mức 70% và 75%, với tỷ suất sinh lời trung bình sau 12 tháng là 16%”, các chuyên gia phân tích của SSI đánh giá.
Về cơ hội đầu tư, SSI cho rằng định giá thị trường chứng khoán Việt Nam hiện nay thấp hơn so với giai đoạn chiến tranh thương mại Mỹ - Trung giai đoạn 2028-2019.
Bên cạnh đó, câu chuyện tăng trưởng nội địa của Việt Nam vẫn mạnh mẽ, được hỗ trợ bởi các yếu tố cụ thể, bao gồm nâng hạng thị trường chứng khoán và kết quả từ việc sắp xếp tổ chức bộ máy của hệ thống chinh trị, sáp nhập đơn vị hành chính cấp tỉnh và phát triển kinh tế tư nhân.
“Tin xấu có thể lại là cơ hội tốt đối với các nhà đầu tư, đặc biệt là cơ hội ở các ngành phòng thủ như Hàng tiêu dùng thiết yếu, năng lượng/điện, công nghệ thông tin và các ngành liên quan đến cơ sở hạ tầng trong nước như vật liệu xây dựng.
Xem thêm tại vietnamfinance.vn