Chứng khoán thoát “nỗi sợ” tháng 5?

Hàng năm, kể từ tháng 5 trở đi nhà đầu tư luôn lo lắng về một giai đoạn thị trường chứng khoán có thể bị điều chỉnh khá mạnh, khi vào thời điểm này thị trường sẽ dần thiếu vắng các thông tin, đặc biệt là sau mùa đại hội cổ đông. Thực tế lịch sử cho thấy thị trường chứng khoán cũng đã có những phiên điều chỉnh nhất định cùng thanh khoản đi xuống vào những dịp này.

Năm nay, mặc dù còn những yếu tố rủi ro từ bên ngoài nhưng nền kinh tế cũng đang được kỳ vọng tăng trưởng tích cực cùng nỗ lực nâng hạng thị trường chứng khoán. Trong khi đó, các phiên giao dịch của tháng 5 lại không ảm đạm như dự báo và gần đây có những phiên tăng điểm mạnh và thanh khoản nhanh chóng tăng lên mức cao.

Trao đổi trong Talk show Phố Tài Chính trên VTV8, ông Trần Thăng Long, Giám đốc Phân tích Công ty CP Chứng khoán BIDV (BSC) đánh giá, với những diễn biến của thị trường cùng các yếu tố chính về mặt kinh tế vĩ mô vẫn đang tạo thuận lợi cho thị trường chứng khoán tiếp tục có xu hướng phục hồi tích cực.

BTV Mùi Khánh Ly: Nhà đầu tư luôn bị ám ảnh bởi câu nói “Sell in May and go away”, tạm dịch là “Bán trong tháng 5 và đi chơi ”. Ông đánh giá sao về điều này?

Ông Trần Thăng Long, Giám đốc Phân tích Công ty CP Chứng khoán BIDV (BSC)

Như chúng ta đã biết câu nói “Sell in May and go away” xuất phát từ việc giới đầu tư theo dõi trong một thời gian dài ở thị trường chứng khoán Hoa Kỳ và một số quốc gia phát triển, họ phát hiện rằng ra rằng vào khoảng thời gian từ tháng 5 cho đến khoảng tháng 10, thị trường thường diễn biến không được tốt bằng khoảng thời gian từ tháng 11 cho đến tháng 4, nên đã dẫn đến câu nói nổi tiếng như trên. Tuy nhiên, không phải năm nào cũng diễn biến giống nhau và thị trường của từng năm phụ thuộc nhiều vào hoàn cảnh của thời gian đầu tư đó. Quay lại thị trường chứng khoán Việt Nam, chúng ta đã có một khoảng thời gian khá dài thị trường tăng trưởng. Sau đó là tháng 4 tương đối biến động và mức điều chỉnh giảm sâu hơn 100 điểm, trong khoảng thời gian khá nhanh, và đến cuối tháng thì tăng trở lại. Hiện, tôi đánh giá rằng, các yếu tố chính về mặt kinh tế vĩ mô vẫn đang tạo thuận lợi cho thị trường chứng khoán tiếp tục có những xu hướng phục hồi. Do vậy những lo ngại của nhà đầu tư về câu nói như “Sell in May” cũng chỉ nên ở mức độ tham khảo.

Thực tế không phải tháng 5 nào cũng đáng sợ, như năm ngoái chúng ta cũng đã chứng kiến một đợt tăng điểm kéo dài đi qua tháng 5 rồi đến tận tháng 7 hay tháng 8 mới chấm dứt. Vậy theo ông, liệu rằng năm nay xu hướng này có lặp lại?

Đối với thị trường chứng khoán Việt Nam trong 23 năm qua thì tháng 5 là tháng mà thường xác suất giảm điểm tương đối cao, nhưng từ năm 2020 trở lại, phần lớn các tháng 5 hàng năm lại tăng trưởng khá là tốt, trừ năm 2022 có giảm điểm mạnh. Thứ hai, trong năm 2024 này, xét về yếu tố khi thị trường đã tăng một giai đoạn dài, sau đó đã có một tháng 4 điều chỉnh giảm, thì thông thường là tháng 5 sẽ là tháng tiếp tục trong xu thế phục hồi. Nhiều nhà đầu tư có sự lo ngại khi thanh khoản trong những phiên điều chỉnh đã giảm mạnh. Tuy nhiên, thực tế chúng ta thấy rằng, khi thị trường có sự điều chỉnh giảm mà thanh khoản đi xuống, điều đó cho thấy rằng cả bên mua và bên bán đều đang tương đối thận trọng. Do vậy giao dịch của hai bên đều chậm lại và tạo điều kiện cho những yếu tố về mặt vĩ mô thay đổi để bắt kịp với diễn biến của thị trường chứng khoán. Chúng ta đã biết độ trễ phản ánh vào thị trường thường ở mức độ 1 - 2 quý. Do vậy, khi chứng khoán tăng trưởng quá nhanh, các yếu tố vĩ mô đang chưa phục hồi đầy đủ, thường là giai đoạn điều chỉnh tiếp theo sẽ giúp cho các chỉ số vĩ mô tiếp tục quay trở về mức mà hỗ trợ cho xu hướng tăng điểm và phục hồi của thị trường chứng khoán.

M ột số ý kiến tỏ ra lo ngại về việc FED vẫn đang giữ mức lãi suất cao, chưa hạ xuống sớm như kỳ vọng , hay việc tỷ giá vẫn đang neo cao, cộng với việc giá vàng tăng… cũng làm ảnh hưởng đến thị trường vào lúc này, theo ông thì sao?

Những lo ngại về việc FED cắt giảm lãi suất chậm hơn hay những yếu tố lo ngại về mặt xung đột địa chính trị, việc tăng giá của giá vàng hay chỉ số USD…những yếu tố này đều đã phản ánh vào thị trường trong một khoảng thời gian khá dài và được phân tích rất kỹ lưỡng bởi rất nhiều tổ chức trong nước cũng như quốc tế, nên đây là những điểm không còn là các bất ngờ đối với thị trường như cách đây 3 - 4 tháng nữa. Và các yếu tố đã dần phản ánh vào thị trường và nhất là đợt giảm điểm tương đối nhanh và mạnh của tháng 4. Còn về những lo ngại rằng lãi suất trong nước sẽ tăng lên trong thời gian tới thì mọi người vẫn cho là lãi suất phải rất thấp thì mới tốt cho chứng khoán, về mặt lý thuyết đúng là khi lãi suất thấp đương nhiên là tốt cho chứng khoán. Nhưng không phải vì thế mà khi lãi suất phục hồi trở lại, thị trường sẽ bị ảnh hưởng nhiều. Chúng ta theo dõi kỹ một giai đoạn khá dài, từ năm 2014 đến năm 2015 cũng gần như tương tự như vậy. Khi mà chúng ta có lãi suất rất thấp và sau đó tăng trưởng trở lại thì lãi suất sẽ tăng dần dần, nhu cầu tiền trong nền kinh tế gia tăng sẽ kích thích lãi suất tăng trở lại. Cho nên ở góc độ khác cho thấy một điều rằng là các hoạt động kinh tế đang khôi phục trở lại nên đó là một điều tốt cho thị trường, trừ khi lãi suất tăng trở lại nhưng tăng nhanh và mạnh. Còn nếu như tăng ở mức độ rất nhỏ như trong thời gian vừa rồi, tôi nghĩ nó tương đối phù hợp và không phải rủi rủi ro cho thị trường chứng khoán.

Tuy nhiên, nhà đầu tư cũng không nên quá quan tâm đến những yếu tố không thể kiểm soát, mà nên tập trung nhiều hơn vào những yếu tố nhà đầu tư có thể kiểm soát được như cơ cấu danh mục nhà đầu tư hay kiểm soát tỷ trọng tiền mặt hoặc là tỷ trọng vay nợ margin…

Nhiều đánh giá cho rằng không có những yếu tố vĩ mô có thể khiến thị trường điều chỉnh mạnh, thậm chí thay vào đó là nhiều thông tin tích cực hơn như nền kinh tế đang phục hồi tốt , nâng hạng…quan điểm của ông ra sao?

Về vĩ mô, những thông tin liên quan đến thị trường nước ngoài như quyết định của FED hay của các ngân hàng trung ương Châu Âu, Trung Quốc, Nhật Bản nhìn chung, xu hướng về cắt giảm lãi suất chắc chắn sẽ diễn ra. Ngoài ra, trong suốt giai đoạn vừa rồi, lãi suất đối với USD rất cao, nên giá trị của USD so với các đồng tiền khác tăng lên rất nhanh. Từ đầu năm đến giờ chúng ta theo dõi chỉ số đô la Index đã tăng xấp xỉ 4% đến 5% và mức giảm điểm của đồng Việt Nam so với USD cũng tương đương với các đồng tiền khác trong khu vực Châu Á nên cũng không có gì khác biệt quá lớn. Chúng tôi theo dõi chỉ số GDP của Việt Nam đã tăng trưởng khá tốt vào quý I, cộng với kết quả kinh doanh của các doanh nghiệp niêm yết cũng đã tăng trưởng trở lại trong vòng hai quý gần đây.

Đối với thị trường chứng khoán, nhà đầu tư có thể quan tâm đến chính sách của Chính phủ liên quan đến kinh tế. Có hai nhóm chính sách mà quan trọng nhất là nhóm chính tài khóa khóa và chính sách tiền tệ. Hai năm qua, Chính phủ đã dồn rất nhiều công sức thúc đẩy, triển khai các dự án liên quan đến hạ tầng…Trong khi đó, kết quả thu hút vốn FDI của Việt Nam trong thời gian gần đây cũng đang cải thiện đáng kể. Còn về chính sách tiền tệ có khá nhiều công cụ của Ngân hàng Nhà nước được nhắc đến như các loại lãi suất, hay các chính sách liên quan đến tỷ giá… Hiện, Việt Nam vẫn đang là một trong những quốc gia sớm thay đổi chính sách theo hướng nới lỏng và hỗ trợ cho sự tăng trưởng và phục hồi của nền kinh tế. Cho đến nay chúng ta đã có kết quả là kinh tế đã có sự phục hồi nhất định trong vòng hai quý vừa qua sau giai đoạn gọi là đáy của kinh tế tăng trưởng.

Như vậy thị trường sẽ diễn biến như thế nào trong các quý tới theo dự báo của ông và công ty ông ?

Chúng tôi đưa ra những kịch bản thị trường mà nhà đầu tư có thể tham khảo, với kịch bản cơ sở, VN-Index có thể sẽ kết thúc năm ở khoảng xấp xỉ 1.300 điểm. Còn với kịch bản tốt sẽ lên mức khoảng 1.425 điểm. Chúng tôi đánh giá 2024 là một năm kinh tế phục hồi và kết quả kinh doanh các doanh nghiệp được cải thiện, tăng trưởng Earnings Per Share (EPS) của toàn bộ thị trường được dự báo sẽ rơi vào khoảng 15% - 17 %. Quý I/2024, lợi nhuận sau thuế của các doanh nghiệp niêm yết đã tăng trưởng khoảng 11,7% đến khoảng 12,3%. Và yếu tố thứ hai, mức định giá P/E của VN-Index đang ở khoảng 14,5 lần và đây là mức tương đối thấp so với trung bình 5 năm. Đó là những lý do vì sao chúng tôi đưa ra kịch bản lạc quan rằng VN-Index có thể tiến về vùng 1.400 điểm trong năm nay. Cũng trong thời gian gần đây, mọi người nhắc nhiều về tiến trình nâng hạng từ cận biên lên thị trường mới nổi, cộng với đó là những thay đổi về mặt cấu trúc thị trường như sản phẩm, công nghệ thị trường thì tôi cho rằng đấy là những thông tin tốt về mặt định hướng cho thị trường chứng khoán. Tuy nhiên, chúng ta cũng thấy rằng nó không phải ngay lập tức sẽ diễn ra, mà sẽ là một quá trình, và trong suốt quá trình đó, chính bản thân thị trường chứng khoán cũng sẽ tự thay đổi, thích nghi và phát triển xứng đáng với vùng định giá cao hơn.

Đối với nhà đầu tư nên quản trị danh mục như thế nào cho hiệu quả vào thời điểm này?

Khi tham gia vào thị trường chứng khoán hay bất cứ một thị trường tài sản nào khác, chúng ta nên tập trung trực tiếp vào tài sản của chúng ta đang nắm giữ, nếu ở đây là chứng khoán, ta nên cân nhắc việc đánh giá lại danh mục của bản thân có đang tương đối tốt hơn so với thị trường hay không? Những chỉ số về mặt tăng trưởng của các doanh nghiệp trong danh mục như thế nào, trường hợp định giá có đủ hấp dẫn hay không? Và cũng nên xem xét về thời gian đầu tư, thời gian đầu tư rất ngắn thì thường không gọi là đầu tư. Nhà đầu tư nên cân nhắc về thời gian đầu tư lâu hơn để cho doanh nghiệp có thể có cơ hội phục hồi tốt hơn trong vòng 1 - 2 quý, thậm chí 1 - 2 năm. Bình thường trong bối cảnh thị trường đi lên thì nhà đầu tư mua mã nào cũng có cơ hội thành công cao, tuy nhiên khi thị trường đi xuống, đơn cử như tháng 4 vừa rồi, có một đợt giảm mọi người thấy là chỉ trong vòng ba ngày, bốn ngày là đã giảm hơn 100 điểm, đó cũng là những thời điểm chúng ta nhìn lại xem những mã mình nắm giữ thực sự có tiếp tục tốt cho thời gian sắp tới hay không, thay vì quan tâm quá nhiều đến những yếu tố bên ngoài.

Theo ông có những nhóm ngành nào tiềm năng trong thời gian tới?

Trong điều kiện thị trường phục hồi về mặt kết quả kinh doanh, có thể xem xét những ngành đang được kỳ vọng khả quan trong năm nay như ngân hàng, chứng khoán, công nghệ thông tin, những ngành liên quan đến logistic, hay những ngành mà phục vụ cho các nhu cầu trong thời gian sắp tới, khi mà thị trường có những chuyển biến để thu hút vốn đầu tư nước ngoài, chẳng hạn như khu công nghiệp hay những ngành xuất khẩu chủ lực của Việt Nam như hóa chất, dệt may, da giày…

Nhóm tiếp theo nhà đầu tư có thể cân nhắc đến là những ngành mà đang tụt lại phía sau, những ngành này đang có mức định giá vẫn ở mức khá tốt so với cả mặt bằng chung của thị trường như ngành bán lẻ, sau giai đoạn kinh doanh năm ngoái, đa số các công ty trong lĩnh vực bán lẻ đều bị suy giảm tương đối, thì đến thời điểm hiện tại kết quả kinh doanh dần cải thiện mà mức định giá sau thời gian giảm lại trở nên hấp dẫn hơn. Ngoài ra, nhóm ngành ngân hàng cũng đang có mức định giá tốt hơn so với nhiều ngành khác.

Xem thêm tại cafef.vn