Chứng khoán tuần 1/4 -5/4: VN-Index đối diện ngưỡng cản 1.300 điểm

Đà luân chuyển dòng tiền được duy trì

Thị trường chứng khoán Việt Nam vừa trải qua một tuần giao dịch (25/4-29/4) cân bằng. VN-Index vẫn giữ vững trạng thái tích cực sau tuần rung lắc mạnh với 3/5 phiên tăng điểm. Chỉ số khép lại tuần qua sát ngưỡng 1.284 điểm, nhích nhẹ 2,3 điểm (+0,18%) so với tuần liền trước.

Trong tuần qua, khối ngoại thực hiện bán ròng 182 triệu USD, đưa mức bán ròng cả tháng 3/2024 lên 352 triệu USD. Do thiếu sự đồng thuận của dòng tiền, VN-Index vẫn chưa có sự bứt phá hẳn khỏi vùng tích lũy. Điểm tích cực là, đà luân chuyển dòng tiền vẫn đang được duy trì, qua đó giảm áp lực từ chuỗi bán ròng của khối ngoại.

Nguồn: MBS
Nguồn: MBS

Dòng tiền đã có sự chọn lọc rõ nét hơn khi độ rộng sàn HOSE tiếp tục thu hẹp còn 207 mã tăng và 173 mã giảm. Tuy nhiên, nhịp độ giao dịch có phần chậm lại sau tuần bùng nổ trước đó. Giá trị giao dịch trung bình tuần đạt 27,4 nghìn tỷ đồng/phiên, giảm 18,6% so với tuần liền trước.

Xét tổng thể, VN-Index vẫn đang trong trạng thái tích cực, những diễn biến rung lắc, phân hóa tuần qua do chỉ số đã tiến sát đến vùng kháng cự mạnh 1.290-1.300 điểm. Áp lực bán chốt lời gia tăng trong khi đó lực cầu có sự phân vân khá rõ trước ngưỡng này là lý do khiến thanh khoản giảm mạnh tuần qua.

Thanh khoản giảm đều ở tất cả các nhóm vốn hóa, trong đó giá trị giao dịch nhóm VN30 giảm -15,9%, nhóm VN70 giảm -25,5% so với tuần trước. Trong các nhóm trụ cột, Thực phẩm và đồ uống là nhóm duy nhất ghi nhận thanh khoản tăng +22%, chủ yếu nhờ giao dịch thỏa thuận ở MSN. Ngược lại, các nhóm Bất động sản, Ngân hàng, Xây dựng, Tài nguyên và Hóa chất đều có mức giảm trên 20%.

Theo ông Dương Hoàng Linh - Giám đốc Trung tâm phân tích Công ty Chứng khoán Sacombank (SBS), sức mạnh của dòng tiền ngắn hạn trên thị trường ở thời điểm hiện tại khi đã và đang hấp thụ khá tốt áp lực bán ròng rất mạnh của khối ngoại.

Do vậy, động thái bán ròng của khối ngoại đã không ảnh hưởng nhiều đến kênh xu thế chung. Tuy nhiên, việc này ảnh hưởng lớn đến danh mục bị khối ngoại bán mạnh, chính vì thế đã có sự phân hóa rất lớn ngay tại các cổ phiếu thuộc nhóm VN30.

Thử thách vượt cản

Xét về kỹ thuật, VN-Index vẫn đang giằng co dưới vùng kháng cự trung hạn 1.290 – 1.295 điểm. Các chỉ báo kỹ thuật RSI và ADX thể hiện tín hiệu thu hẹp sức mạnh. Điều này cho thấy, chỉ số VN-Index có thể tiếp diễn giao dịch thận trọng ngắn hạn.

Nhìn chung, về xu hướng dài hạn thì vẫn còn "trend" tăng, nhưng các chỉ báo về động lượng, thanh khoản đang có những phiên sụt giảm mạnh (nếu loại ra những phiên có giao dịch thoả thuận lớn) do vậy cũng có những rủi ro nhất định.

VN-Index vẫn còn "trend" tăng trong dài hạn. Nguồn: Tradingview
VN-Index vẫn còn "trend" tăng trong dài hạn. Nguồn: Tradingview

Càng về gần ngưỡng kháng cự mạnh quanh 1.300 điểm, chỉ số chung sẽ rung lắc mạnh hơn, do vậy nhà đầu tư cần thận trọng giảm margin, danh mục cổ phiếu tốt thì vẫn giữ để ăn được sóng dài hơn, còn những cổ phiếu đầu cơ lướt sóng thì xác định bán ngay khi có lãi, khi kết quả lợi nhuận được công bố và khi mùa đại hội cổ đông kết thúc.

Về diễn biến tuần mới (1/4 – 5/4), Trung tâm Phân tích Công ty Chứng khoán BIDV (BSC) nhận định, VN-Index đã vượt và đang tích lũy trên kênh giá trên hình hộp chữ nhật tại 1.275 điểm. Những phiên tăng giảm xen kẽ với những cây nến doji vẫn chưa cho thấy động lực rõ ràng vượt ngưỡng tâm lý 1.300 điểm. Vùng tích lũy mới sẽ còn kéo dài và không loại trừ còn những phiên rung lắc trong ngắn hạn. Thị trường đang cần một cây nến chỉ hướng để xác nhận xu hướng và vận động lên các vùng giá cao mới.

Trước vùng kháng cự kỹ thuật trung hạn như vậy, tâm lý nhà đầu tư sẽ đi vào trạng thái thận trọng. Lúc này, thị trường sẽ trông đợi vào các tín hiệu tích cực từ vĩ mô quý I/2024 và các giải pháp hỗ trợ thị trường từ Chính phủ.

Khuyến nghị tới nhà đầu tư, ông Dương Hoàng Linh đến từ SBS cho rằng, ở thời điểm hiện tại, khi chỉ số đang gặp vùng cản mạnh thì việc lướt sóng không thực sự dễ dàng bởi biên lợi nhuận thường sẽ rất mỏng và rủi ro điều chỉnh mạnh nếu chỉ số thất bại trong việc vượt vùng cản là khá cao. Chính vì thế, nhà đầu tư có thể lựa chọn các doanh nghiệp cơ bản tốt được dự báo sẽ có kết quả kinh doanh quý I/2023 khả quan, mua và nắm giữ để đón đầu kỳ báo cáo sẽ là hợp lý hơn.

Nhóm dự kiến có lợi nhuận quý I/2024 tăng trưởng tích cực bao gồm nhóm Bán lẻ, Chứng khoán và Thép là các nhóm duy trì tốt dòng tiền. Nỗ lực của Chính phủ đề xuất Quốc hội cho phép Luật Đất đai năm 2024 có hiệu lực từ ngày 01/7, sớm hơn 6 tháng so với dự kiến là ngày 01/01/2025 có thể hỗ trợ tích cực cho nhóm Bất động sản; nhóm này có tín hiệu cải thiện dòng tiền trong 2 tuần gần đây.

Trong tuần này, nhà đầu tư nên giữ vững các vị thế hiện tại và quan sát diễn biến trong phiên giao dịch đầu tuần. Nhu cầu giải ngân mới nên chọn lọc và theo chiến lược giải ngân từng phần trong các nhịp lùi của thị trường và giá cổ phiếu.

Xem thêm tại tapchitaichinh.vn