Chứng khoán tuần qua: Cổ phiếu “họ” Vin bốc đầu tăng mạnh, khối ngoại có tuần mua ròng đầu tiên từ đầu năm
Cổ phiếu “họ” Vin bốc đầu tăng mạnh theo nhịp hồi phục của thị trường; Khối ngoại có tuần đầu tiên mua ròng cổ phiếu Việt Nam trong năm 2025; Loạt cổ phiếu ngân hàng bị hạ tỷ trọng trong rổ VN30, có thể bị bán mạnh trong đợt cơ cấu tháng 4, …

Cổ phiếu “họ” Vin bốc đầu tăng mạnh
Kết phiên 25/04, cổ phiếu VIC của Vingroup tăng trần 6,86% lên 67.000 đồng/cổ, với khối lượng cổ phiếu giao dịch khớp lệnh tăng đột biến đạt gần 14,8 triệu đơn vị. Đây là phiên tăng trần thứ 2 liên tiếp của mã cổ phiếu bluechip này, thị giá tăng gần 14% sau 2 phiên.
Cùng “họ” Vin, cổ phiếu VHM +1,8%, khối lượng cổ phiếu giao dịch khớp lệnh đạt gần 11,4 triệu đơn vị, tổng giá trị giao dịch đạt hơn 701 tỷ đồng. Đây là phiên tăng điểm thứ 4 liên tiếp của mã cổ phiếu địa ốc này, với thị giá tăng tăng gần 13%.
Cổ phiếu “họ” Vin tăng mạnh ngay sau những thông tin tích cực Vingroup sẽ mở thêm hai trụ cột kinh doanh mới là hạ tầng và năng lượng, bên cạnh bất động sản, công nghệ - công nghiệp và thiện nguyện xã hội.
Trong năm 2025, tập đoàn này đặt kế hoạch kinh doanh đầy tham vọng của tập đoàn với mục tiêu doanh thu thuần hợp nhất đạt 300.000 tỷ đồng và lợi nhuận sau thuế khoảng 10.000 tỷ đồng, tăng lần lượt 60% và 90% so với kết quả đạt được năm 2024.
Ở mảng bất động sản, Vinhomes đặt mục tiêu doanh thu kỷ lục 180.000 tỷ đồng, lãi 42.000 tỷ khi đẩy mạnh các siêu dự án ở Hà Nội, TP HCM, Long An trong năm nay.
Xem thêm tại đây
Khối ngoại có tuần đầu tiên mua ròng cổ phiếu Việt Nam trong năm 2025
Tuần qua, giao dịch khối ngoại cũng biến động mạnh theo diễn biến thị trường chung. Nhóm NĐTNN mua ròng trong giai đoạn đầu tuần sau đó đan xen mua bán về cuối tuần. Tổng cộng sau 5 phiên, nhà đầu tư nước ngoài mua ròng 686 tỷ đồng trên toàn thị trường, đánh dấu tuần đầu tiên mua ròng trong năm 2025.

Xét riêng từng sàn trong tuần, nhà đầu tư nước ngoài mua ròng 588 tỷ đồng trên HoSE, bán ròng 11 tỷ đồng trên HNX và mua ròng 109 tỷ đồng trên sàn UPCoM.
Thống kê theo các mã chứng khoán, cổ phiếu HPG được khối ngoại mua ròng mạnh nhất với 514,1 tỷ đồng. Dòng vốn ngoại cũng chảy vào hai cổ phiếu là MWG và STB, trong đó mua ròng MWG 337,9 tỷ đồng và STB 141,2 tỷ đồng sau 5 phiên của tuần qua. Lực mua ròng trong tuần còn ghi nhận ở các cổ phiếu VRE, BMP, NVL, VHM, TCH ...
Xem thêm tại đây
Cổ phiếu FPT bất ngờ giảm sàn, FPT Telecom ngược dòng tăng mạnh
Thị trường chứng khoán phiên 16/4 bất ngờ chứng kiến giao dịch trái chiều của bộ đôi cổ phiếu FPT và FPT Telecom (mã FOX). Cổ phiếu FPT chịu áp lực bán mạnh đến giảm sàn "trắng bên mua", còn FOX ngược chiều tăng mạnh 4%. FPT đang tiến gần về vùng đáy một năm trong khi FOX còn kém khoảng 14% so với đỉnh lịch sử thiết lập hồi giữa tháng 6 năm ngoái.

Đáng chú ý, trong cơ cấu cổ đông của FPT Telecom, Tổng công ty Kinh doanh vốn Nhà nước (SCIC) là cổ đông lớn nhất nắm hơn 50% vốn. FPT là cổ đông lớn thứ 2 với tỷ lệ sở hữu 45,66% nhưng đang hạch toán FPT Telecom là công ty con theo thuyết minh trên BCTC hợp nhất kiểm toán năm 2024.
Cổ phiếu FPT giảm sâu sau khi tổ chức Đại hội cổ đông thường niên 2025 ngày 15/4 vừa qua. Tại Đại hội, cổ đông FPT đã thông qua kế hoạch kinh doanh cao kỷ lục với mục tiêu doanh thu đạt 75.400 tỷ đồng và lợi nhuận trước thuế 13.395 tỷ đồng, lần lượt tăng 20% và 21% so với thực hiện 2024.
Ông Nguyễn Văn Khoa - Tổng Giám đốc FPT cho biết, kế hoạch này đã được HĐQT thông qua từ đầu năm. Tuy nhiên, tình hình thế giới còn nhiều bất ổn, do đó, FPT trình cổ đông uỷ quyền cho HĐQT điều chỉnh kế hoạch kinh doanh 2025 phù hợp với tình hình thế giới trong trường hợp cần thiết và được thông qua.
Xem thêm tại đây
Nóng: Loạt cổ phiếu ngân hàng bị hạ tỷ trọng trong rổ VN30, có thể bị bán mạnh trong đợt cơ cấu tháng 4
HoSE vừa thông báo cập nhật bộ chỉ số HOSE-Index tháng 4/2025. Những thay đổi sẽ có hiệu lực kể từ ngày 5/5/2025, do đó 28/4/2025 sẽ là ngày cuối cùng thực hiện tái cơ cấu danh mục của các quỹ ETF mô phỏng các chỉ số này.
Thị trường hiện có 4 ETF đang sử dụng chỉ số VN30 làm tham chiếu bao gồm DCVFMVN30 ETF, SSIAM VN30 ETF, KIM Growth VN30 ETF và MAFM VN30 ETF với tổng tài sản ước tính là gần 7.800 tỷ đồng tại ngày 16/4/2025.

Theo ước tính, các quỹ ETF tham chiếu chỉ số VN30 có thể bán ra toàn bộ cổ phiếu ngân hàng – chứng khoán nhằm hạ tỷ trọng nhóm này trong danh mục. Cụ thể, các quỹ có thể bán ra hơn 8,7 triệu cổ phiếu VPB, 7,4 triệu cổ phiếu TCB, 6,1 triệu cổ phiếu ACB, 5,6 triệu cổ phiếu MBB, 4,7 triệu cổ phiếu LPB,… nhằm hạ bớt tỷ trọng trong danh mục.
Ngược lại, một số cổ phiếu có thể được mua mạnh nhằm tăng tỷ trọng như HPG (7,3 triệu cổ phiếu), MWG (3,4 triệu cổ phiếu), VHM (3,3 triệu cổ phiếu), VIC (3,2 triệu cổ phiếu)…
Xem thêm tại đây
Cổ phiếu SBS giảm kịch sàn, sau khi Sacombank phủ nhận khả năng tái hợp
Kết phiên giao dịch ngày 25/04, cổ phiếu SBS của CTCP Chứng khoán SBS (UPCoM) giảm sàn 13,79%, rơi xuống mức 5.000 đồng/cổ phiếu. Khối lượng giao dịch khớp lệnh trong phiên tăng vọt lên gần 11,3 triệu đơn vị, cho thấy lực bán tháo mạnh mẽ từ phía nhà đầu tư.

Đáng chú ý, trước cú giảm này, cổ phiếu SBS đã có chuỗi ba phiên tăng trần liên tiếp, với mức tăng hơn 33%, tương đương 1.500 đồng/cổ phiếu. Đà tăng này diễn ra ngay sau khi Ngân hàng TMCP Sài Gòn Thương Tín (Sacombank - mã STB) công bố tài liệu bổ sung họp Đại hội đồng cổ đông (ĐHĐCĐ) thường niên 2025, trong đó hé lộ kế hoạch góp vốn hoặc mua cổ phần tại một công ty chứng khoán.
Thông tin trên đã dấy lên kỳ vọng Sacombank có thể sẽ tái hợp với SBS – công ty chứng khoán mà ngân hàng này từng nắm giữ và sau đó thoái vốn. Tuy nhiên, tại ĐHĐCĐ tổ chức sáng 25/04, bà Nguyễn Đức Thạch Diễm – Tổng Giám đốc Sacombank đã chính thức bác bỏ khả năng này.
Xem thêm tại đây
Xem thêm tại markettimes.vn