Chứng khoán tuần qua: Khối ngoại bán ròng hơn 3.800 tỷ đồng, một cổ phiếu bluechip bị "xả" đột biến
Khối ngoại bán ròng 5/5 phiên, với tổng giá trị lên tới 3.806 tỷ đồng trên toàn thị trường, một cổ phiếu bluechip bị khối ngoại “xả” đột biến; Hai "cá mập" sừng sỏ bậc nhất thị trường sẽ săn lùng cổ phiếu nào nhiều nhất trong đợt cơ cấu quý 4?; Nỗi buồn chưa từng có của thị trường chứng khoán Việt Nam: Con số kỷ lục trong hơn 24 năm hoạt động…
Nỗi buồn kéo dài trên thị trường chứng khoán Việt Nam: Khối ngoại bán mạnh, một cổ phiếu bluechip bị "xả" đột biến
Thị trường chứng khoán tuần 18-22/11 chứng kiến nhiều biến động mạnh. VN Index ghi nhận đà phục hồi từ mốc hỗ trợ 1.200 điểm sau nhiều đợt điều chỉnh liên tiếp. Dẫn dắt nhịp hồi phục vẫn là các cổ phiếu vốn hóa lớn - bao gồm trong đó khá nhiều cổ phiếu ngân hàng - với sự đồng thuần tạo động lực hồi phục cho thị trường chung. Dù vậy, đà tăng không kéo dài lâu, chỉ số chung có tín hiệu chững lại trong phiên cuối tuần dưới lực cầu chốt lời ngắn hạn. Kết tuần, VN-Index tăng 9.53 điểm (+0.78%) so với tuần trước lên 1.228 điểm.
Về giao dịch khối ngoại, dòng vốn tiếp tục là điểm trừ lớn khi áp lực bán ra vẫn tương đối mạnh. Tuy nhiên điểm sáng tới trong phiên cuối tuần khi khối ngoại đảo chiều mua ròng sau 30 phiên "xả hàng" kịch liệt. Tính chung trong cả tuần, khối ngoại bán ròng luỹ kế 5 phiên lên tới 3.806 tỷ đồng trên toàn thị trường.
Thống kê theo các mã chứng khoán, khối ngoại tiếp tục bán ròng mạnh nhất tại cổ phiếu VHM với 1.522 tỷ, hai mã SSI và HPG cũng bị bán ròng mạnh với giá trị lần lượt đạt 722 tỷ và 541 tỷ đồng. Tiếp theo sau, cổ phiếu FPT tuần này cũng bị "xả" mạnh với giá trị bán ròng đạt 514 tỷ sau 5 phiên. Hai mã HDB và MWG cũng lần lượt bị bán ròng 439 tỷ và 274 tỷ. Danh sách bán ròng hàng trăm tỷ của khối ngoại còn ghi nhận cổ phiếu như MSN, VCB, MSB, KBC...
Xem thêm tại đây
Hai "cá mập" sừng sỏ bậc nhất thị trường sẽ săn lùng cổ phiếu nào nhiều nhất trong đợt cơ cấu quý 4?
Trong báo cáo mới nhất, Chứng khoán DSC đã đưa ra dự báo danh mục cổ phiếu thành phần và số lượng cổ phiếu mua/bán đối với các ETF tham chiếu theo các chỉ số.
Với rổ chỉ số MarketVector Vietnam Local (VNM ETF tham chiếu), DSC dự báo chỉ số sẽ thêm mới 3 cổ phiếu Viettel Post (VTP), NamA Bank (NAB), và Chứng khoán MB (MBS). Theo DSC, nhờ quy mô vốn hóa free-float và thanh khoản tăng đáng kể, số lượng cổ phiếu đạt đủ các tiêu chí sàng lọc tăng mạnh. Tuy nhiên, theo quy tắc lựa chọn top 85% vốn hóa, 3 cổ phiếu trên có nhiều khả năng được đưa vào danh mục.
Ngược lại, không có cổ phiếu nào bị loại khỏi danh mục chỉ số trong đợt review quý 4 này.
Danh mục chỉ số mới sẽ tập trung tỷ trọng vào ngành bất động sản (~29%), thực phẩm đồ uống (~15%) và chứng khoán (~12%). Năm cổ phiếu có tỷ trọng cao nhất dự kiến là VHM (8%), VNM (8%), VIC (7%), HPG (6,5%), VCB (6%), chiếm tổng cộng 35,5% tổng tỷ trọng rổ.
Với thay đổi trên, DSC ước tính quỹ VNM ETF sẽ mua thêm lượng đáng kể cổ phiếu VIX (14,9 triệu cp), MSN (7,2 triệu cp), NAB (8,5 triệu cp), VNM (3,1 triệu cp) và bán mạnh VIC (2,5 triệu cp), HUT (3 triệu cp), VND (3,4 triệu cp), NVL (3,9 triệu cp) để tái cơ cấu danh mục.
Hiện VNM ETF là quỹ ngoại lớn thứ hai tại thị trường Việt nam với tổng tài sản quản lý hơn 11.257 tỷ đồng và 38,2 triệu cổ phiếu đang lưu hành. Kể từ đầu năm, tổng tài sản quỹ đã giảm hơn 8% và bị rút ròng hơn 788 tỷ đồng.
Với FTSE Vietnam Index (quỹ ETF FTSE tham chiếu), DSC dự phóng không có cổ phiếu nào được thêm vào chỉ số, ngược chiều mã EVF có thể bị loại do không duy trì được giá trị vốn hóa yêu cầu. Danh mục chỉ số mới tập trung tỷ trọng vào ngành bất động sản (~30%), chứng khoán (~14%) và ngân hàng (~13%) và 5 cổ phiếu có tỷ trọng cao nhất là HPG (13,2%), VHM (10,0%), VCB (9,2%), VNM (8,7%), VIC (7,6%).
Với thay đổi trên, DSC ước tính FTSE ETF sẽ mua thêm VHM (1,4 triệu cp), HPG (772 nghìn cp), VCB (653 nghìn cp) và bán mạnh SSI (3,9 triệu cp), EVF (1,3 triệu cp), VIC (1,3 triệu cp) trong đợt tái cơ cấu.
Xem thêm tại đây
Nỗi buồn chưa từng có của thị trường chứng khoán Việt Nam: Con số kỷ lục trong hơn 24 năm hoạt động
Tính đến kết phiên 18/11, ghi nhận khối ngoại bán ròng đột biến 1.464 tỷ đồng trên toàn thị trường. Trong đó, 2 mã cổ phiếu SSI và VHM chịu áp lực bán mạnh nhất của khối ngoại với giá trị bán ròng lần lượt 269 tỷ và 243 tỷ đồng. Tiếp đến là MWG (-197 tỷ); HDB (-145 tỷ) và VNM (-108 tỷ).
Nếu tính trong 10 phiên gần nhất, các nhà đầu tư nước ngoài đã bán ròng lượng cổ phiếu trị giá hơn 8.200 tỷ đồng. Còn nếu tính từ đầu năm 2024 đến nay, khối ngoại đã bán ròng hơn 85.000 tỷ đồng trên HoSE, con số kỷ lục trong hơn 24 năm hoạt động. Trong 20 tháng trở lại đây, khối ngoại chỉ tạm dừng "xả hàng" trong duy nhất tháng 1/2024.
Xem thêm tại đây
Khối ngoại bán ròng trong thời gian Vinhomes tung tiền mua cổ phiếu quỹ
Dữ liệu thống kê cho thấy, sau 22 phiên giao dịch từ 23/10 đến 21/11, Vinhomes (VHM) đã mua tổng cộng gần 247 triệu cổ phiếu quỹ, chiếm 66,75% tổng khối lượng đăng ký và tương đương 5,7% tổng lượng cổ phiếu lưu hành của công ty. Tổng số tiền Vinhomes đã chi cho thương vụ lịch sử này ước tính có thể lên đến 11.000 tỷ đồng.
Vinhomes cho biết mục đích mua cổ phiếu quỹ là do thị giá VHM ở mức thấp hơn so với giá trị thực của công ty. Việc mua lại cổ phiếu để đảm bảo quyền lợi của công ty và cổ đông. Công ty khẳng định rằng kế hoạch mua lại cổ phiếu sẽ được tài trợ bằng lượng tiền mặt có sẵn và dòng tiền hoạt động, nhờ vào doanh thu từ việc bán một số dự án.
Tuy nhiên, khối ngoại bán ròng cổ phiếu VHM trong suốt thời gian Vinhomes giao dịch mua cổ phiếu quỹ và chỉ có duy nhất một phiên mua ròng nhẹ. Tổng khối lượng bán ròng lên đến gần 91 triệu cổ phiếu, giá trị bán ròng khoảng 3.800 tỷ đồng.
Xem thêm tại đây
Xem thêm tại markettimes.vn