Chứng khoán VNDirect bị tấn công: Không thể 'cắt lỗ', nhà đầu tư dọa kiện

Các sàn chứng khoán ngắt kết nối

Sở Giao dịch Chứng khoán Hà Nội (HNX) vừa thông báo về việc tạm thời ngắt kết nối giao dịch từ xa và giao dịch trực tuyến trên các thị trường giao dịch chứng khoán niêm yết, giao dịch chứng khoán đăng ký giao dịch, giao dịch chứng khoán phái sinh, giao dịch công cụ nợ và giao dịch trái phiếu doanh nghiệp riêng lẻ của CTCP Chứng khoán VNDirect (VND) tới HNX từ ngày 25/3 cho đến khi VNDirect khắc phục được hoàn toàn sự cố.

Sở Giao dịch Chứng khoán TP.HCM (HOSE) cũng cho hay đã tạm thời ngắt kết nối giao dịch của VNDirect với HOSE kể từ ngày 25/3 cho đến khi công ty này khắc phục được hoàn toàn sự cố.

Sự việc xảy ra khi toàn bộ hệ thống của Chứng khoán VNDirect sáng 24/3 bị tấn công bởi một tổ chức quốc tế, dẫn đến nền tảng giao dịch của VNDirect bị tạm thời không truy cập được.

VNDirect đang làm việc với các đối tác là các tập đoàn công nghệ hàng đầu Việt Nam cũng như đã phối hợp xử lý cùng Phòng An ninh mạng và phòng chống tội phạm sử dụng công nghệ cao (PA05), Cục An ninh mạng và phòng chống tội phạm sử dụng công nghệ cao (A05) để đảm bảo ngăn chặn sự cố tương tự như VNDirect cho an toàn của thị trường.

Mặc dù Chứng khoán VNDirect khẳng định toàn bộ thông tin và tài sản của khách hàng đều được đảm bảo trạng thái an toàn, không ảnh hưởng bởi sự cố tấn công song giới đầu tư vẫn lo lắng về sự cố.

vndirectsuco2024mar25.gif
Chứng khoán VNDirect bị một tổ chức quốc tế tấn công từ cuối tuần trước.

Ông Tuấn Đức, một nhà đầu tư tại Hà Nội có mở tài khoản tại VNDirect, chia sẻ, ông được thông báo về sự cố vào đầu giờ sáng. Vì không đầu tư lướt sóng nên ban đầu ông không quá lo lắng khi công ty này khẳng định tài sản của khách hàng được đảm bảo an toàn. Tuy nhiên, ông thấy không yên tâm nếu thị trường chứng khoán giảm điểm.

Đại diện một công ty chứng khoán (CTCK) cho hay, theo luật thì tiền và cổ phiếu của nhà đầu tư tại công ty chứng khoán là tách bạch. Tài khoản về chứng khoán của khách hàng được Trung tâm VSD lưu ký. Tiền của khách hàng ở tài khoản ngân hàng mà bên VND liên kết. Còn CTCK có chiếm dụng tiền của nhà đầu tư hay không thì chỉ có nội bộ mới biết.

Giới đầu tư lo lắng

Ông Tuấn Đức bày tỏ quan ngại nếu thị trường chứng khoán lao dốc, vì một lý do nào đó mà VNDirect vẫn chưa kết nối được để các nhà đầu tư có thể giao dịch thì nảy sinh vấn đề. “Một phiên có thể không sao nhưng nếu tình trạng này kéo dài và thị trường bất ngờ lao dốc, khi đó muốn cắt lỗ thì sao”, ông đặt câu hỏi.

Theo nhà đầu tư này, khi đó VNDirect sẽ giải quyết thế nào?

Đây cũng là điều mà nhiều nhà đầu tư lo lắng. Sự cố kiểu thế này có thể xảy ra ở các CTCK khác. Khi đó, thiệt hại của các nhà đầu tư liệu có được các CTCK đền bù? Làm sao có thể chứng minh được thiệt hại?

Ông Nguyễn Hưng, một nhà đầu tư có gần 20 năm kinh nghiệm trên thị trường chứng khoán, cho rằng, VNDirect đã có phản ứng chậm về thông tin sự cố tới khách hàng. Sáng 25/3, khi sắp tới giờ giao dịch, nhiều nhà đầu tư mới nhận được thông tin về vụ việc hệ thống bị tấn công.

Còn về thiệt hại, theo ông Hưng, tạm thời nếu giá cổ phiếu giảm và nhà đầu tư chưa bán được thì giá trị tài sản ròng (NAV) sẽ giảm. Nếu danh mục cổ phiếu có giá tăng trở lại thì sẽ không còn thiệt hại, còn nếu NAV danh mục đầu tư vẫn lỗ thì khi đó có thể dẫn tới kiện tụng.

Trên các diễn đàn, nhiều nhà đầu tư cảm thấy bực mình vì không bán được cổ phiếu trong bối cảnh thị trường giảm điểm trong phiên 25/3. Nhiều cổ phiếu giảm giá, bao gồm cả nhóm trụ cột, nhóm ngân hàng, bán lẻ và cả bất động sản...

“Không chỉ mất tiền do bán chậm khi cổ phiếu mất giá mà còn là cơ hội và cảm giác mất điều khiển với tài sản của mình”, chị Hiền, một nhà đầu tư ở Thanh Xuân, Hà Nội, lo ngại.

“VNDirect mà đứt một tuần và thị trường bay 100 điểm là sẽ có nhiều người vác đơn đi kiện”, một nhà đầu tư khác cho hay.

Trong khi đó, có ý kiến bình luận, tình hình này nếu kéo dài nhiều người sẽ không dám mở tài khoản, thậm chí rời khỏi VNDirect.

Trên các diễn đàn, nhiều tài khoản - có thể của môi giới các CTCK khác - chèo kéo khách khi Chứng khoán VNDirect bị tấn công. Theo đó, các tài khoản này kêu gọi kiện VNDirect và khuyến nghị sang các CTCK khác “dùng cho khỏe”.

Còn với Chứng khoán VNDirect, đơn vị có thị phần top 3 tại Việt Nam, không chỉ phải căng mình khôi phục lại kết nối khi hạ tầng dữ liệu rất lớn mà còn phải làm việc với nhiều bên để kiểm soát tình hình.

VNDirect cũng thừa nhận về việc có rất nhiều cá nhân hoặc đội nhóm lợi dụng thời điểm này để tung các tin đồn bất lợi ảnh hưởng thị trường và công ty.

Gần đây, mức độ cạnh tranh giữa các CTCK trên thị trường rất khốc liệt. Một chuyên gia tài chính cho biết, mỗi một sai sót đều phải trả giá, nhất là khi liên quan tới tài sản của khách hàng.

Doanh nghiệp liên quan đến VNDirect bị tấn công
Không chỉ Chứng khoán VNDirect, nhiều doanh nghiệp liên quan tới CTCK này cũng bị tấn công. Hôm 24/3, website Tổng công ty Bảo hiểm Bưu Điện (PTI) đăng thông báo với nội dung tương tự của VNDirect khi không thể truy cập được. PTI được biết đến là công ty liên kết của Chứng khoán VNDirect. Tới cuối năm 2023, VNDirect sở hữu 20% vốn PTI.
Bên cạnh đó, website của Tập đoàn Đầu tư IPA và Công ty Quản lý quỹ đầu tư chứng khoán I.P.A (IPAAM) - những đơn vị liên quan tới Chứng khoán VNDirect - cũng không truy cập được. IPA là cổ đông lớn của VNDirect.
Tới 16h ngày 25/3, các website này vẫn hiển thị tình trạng 404 Not Found. Trong đó, IPAAM thông báo "đang bảo trì và nâng cấp".
Trang web của CTCP Thực phẩm Homefood cũng gặp tình trạng tương tự.

Xem thêm tại nguoiquansat.vn