Chung tay nâng tầm thị trường

Cơ quan quản lý mạnh tay

Trong hơn 10 tháng đầu năm 2024, thị trường chứng kiến nhiều nỗ lực của các cơ quan quản lý trong việc xử phạt vi phạm nghĩa vụ công bố thông tin của các doanh nghiệp niêm yết và tổ chức phát hành trái phiếu, đồng thời “sàng lọc” lại hàng hóa trên thị trường.

Chẳng hạn, Uỷ ban Chứng khoán Nhà nước xử phạt Công ty cổ phần Tập đoàn Hanaka liên quan tới việc không công bố hàng loạt thông tin quan trọng về báo cáo tài chính, báo cáo quản trị, báo cáo thường niên, Nghị quyết Đại hội đồng cổ đông thường niên…; xử phạt Công ty cổ phần Miền Đông (mã MDG) do công bố thông tin sai lệch kết quả kinh doanh trong báo cáo tài chính quý IV/2023 so với báo cáo kiểm toán năm 2023; xử phạt Công ty cổ phần Xây dựng và Phát triển đô thị tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu (mã UDC) liên quan tới việc công bố hàng loạt báo cáo không đúng thời hạn theo quy định pháp luật; xử phạt Công ty cổ phần Công nghiệp Gốm sứ Taicera (Taicera, mã TCR) do không công bố thông tin phải công bố về báo cáo tài chính, đồng thời công bố thông tin không đúng thời hạn đối với các thông tin như báo cáo thường niên năm 2023, Nghị quyết và biên bản Đại hội thường niên năm 2024…

Trong khi đó, Sở Giao dịch chứng khoán TP.HCM (HOSE) cũng xử phạt mạnh tay với các lỗi vi phạm công bố thông tin của doanh nghiệp niêm yết.

Cụ thể, HOSE đã có các quyết định đình chỉ giao dịch đối với các cổ phiếu gồm ITA của Công ty cổ phần Đầu tư và Công nghiệp Tân Tạo, cổ phiếu TNA của Công ty cổ phần Thương mại Xuất nhập khẩu Thiên Nam (ngày 6/11, HOSE có thông báo xem xét hủy niêm yết bắt buộc đối với TNA), DAG của Công ty cổ phần Tập đoàn Nhựa Đông Á, DRH của Công ty cổ phần DRH Holdings… Đặc biệt, cổ phiếu POM của Công ty cổ phần Thép Pomina bị huỷ niêm yết bắt buộc do chậm nộp báo cáo tài chính kiểm toán ba năm liên tiếp.

Đối với việc “sàng lọc” lại hàng hóa trên sàn, HOSE đã có các quyết định huỷ niêm yết bắt buộc đối với cổ phiếu HBC của CTCP Tập đoàn Xây dựng Hoà Bình, HNG của CTCP Nông nghiệp Quốc tế Hoàng Anh Gia Lai, trước đó là APC của CTCP Chiếu xạ An Phú do thua lỗ 3 năm liên tiếp hoặc có lỗ lũy kế vượt vốn điều lệ.

Ngoài ra, HOSE cũng huỷ niêm yết bắt buộc đối với cổ phiếu QBS của CTCP Xuất nhập khẩu Quảng Bình do tổ chức kiểm toán từ chối cho ý kiến đối với báo cáo tài chính năm 2023…

Việc cả Uỷ ban Chứng khoán Nhà nước và HOSE đang đẩy mạnh xử lý vi phạm đối với các doanh nghiệp niêm yết trên các sàn giao dịch chứng khoán, cũng như các doanh nghiệp đại chúng chưa niêm yết và các tổ chức phát hành trái phiếu, là tín hiệu tích cực về nỗ lực của cơ quan quản lý nhằm giúp minh bạch thị trường và đồng thời buộc các doanh nghiệp phải tuân thủ nghĩa vụ với nhà đầu tư/người mua trái phiếu.

Doanh nghiệp chủ động nâng cấp

Bên cạnh nghĩa vụ công bố thông tin, một rào cản lớn đối với các nhà đầu tư nước ngoài/quỹ đầu tư khi tiếp cận doanh nghiệp Việt Nam, đó là không cùng ngôn ngữ kế toán. Trong đó, đa số các doanh nghiệp Việt Nam đang sử dụng tiêu chuẩn kế toán Việt Nam (VAS), trong khi các doanh nghiệp đa quốc gia trên thế giới đang sử dụng tiêu chuẩn kế toán quốc tế (IFRS) với nhiều sự khác biệt.

Một trong những điểm khác biệt là VAS chưa có quy định cho phép đánh giá lại tài sản và nợ phải trả theo giá trị hợp lý tại thời điểm báo cáo, nên doanh nghiệp không thể tái định giá tài sản đang sở hữu, dù giá trị tài sản biến động đáng kể so với giá trị sổ sách. VAS chỉ cho phép đánh giá lại tài sản cố định là bất động sản, nhà xưởng và thiết bị trong trường hợp doanh nghiệp đưa tài sản đi góp vốn liên doanh, liên kết, chia tách, sáp nhập doanh nghiệp. Trong khi nếu áp dụng IFRS, sẽ có một số khoản mục có sự thay đổi đáng kể về cách hạch toán, dẫn tới tăng chi phí cho doanh nghiệp.

Thêm nữa, theo VAS, doanh nghiệp thưởng tiền mặt sẽ làm giảm lợi nhuận sau thuế, còn phát hành cổ phiếu cho người lao động (ESOP) thì chỉ cần chuyển từ các khoản mục lợi nhuận chưa phân phối, thặng dư cổ phần, quỹ đầu tư phát triển, quỹ khác sang tăng vốn chủ sở hữu. Như vậy, về bản chất, phát hành ESOP là chuyển dịch các khoản mục trong báo cáo tài chính.

Trong khi đó, theo IFRS, doanh nghiệp phát hành ESOP buộc phải ghi nhận chi phí theo từng giai đoạn sát với thời gian gắn liền với kỳ ESOP đó, tức ESOP là một loại chi phí và khi phát hành, doanh nghiệp sẽ phải ghi nhận giảm lợi nhuận trong kỳ hạch toán.

Theo Đề án áp dụng chuẩn mực báo cáo tài chính tại Việt Nam, việc áp dụng IFRS tại Việt Nam sẽ được triển khai theo lộ trình với 3 giai đoạn, bao gồm giai đoạn chuẩn bị từ 2020 - 2021, giai đoạn 1 áp dụng tự nguyện từ 2022 - 2025 và giai đoạn 2 áp dụng bắt buộc từ sau năm 2025.

Nhận thức được tầm quan trọng của việc áp dụng chuẩn kế toán quốc tế, nhiều doanh nghiệp niêm yết đã và đang chú trọng tới việc nâng chuẩn báo cáo của mình.

Chẳng hạn, tại Đại hội đồng cổ đông năm 2024, khi được cổ đông hỏi về lộ trình áp dụng IFRS, Ban lãnh đạo Tổng công ty cổ phần Vận tải Dầu khí (PVTrans - mã PVT), Công ty cổ phần Vận tải và Tiếp vận Phương Đông Việt (PVT Logistics - mã PDV) đã chia sẻ lộ trình áp dụng tiêu chuẩn IFRS để nâng tầm doanh nghiệp.

Lãnh đạo hai doanh nghiệp này cho biết đang sở hữu đội tàu phát triển nhiều năm về trước khi giá tàu còn thấp, cộng với việc sử dụng phương pháp khấu hao nhanh, giá trị sổ sách đang thấp hơn nhiều giá trị thị trường. Tuy nhiên, do áp dụng tiêu chuẩn kế toán VAS, các đơn vị này không thể tái định giá hàng năm, mà chỉ có thể hạch toán lại nếu bán thanh lý tàu.

Tương tự, không ít doanh nghiệp trong lĩnh vực thuỷ sản như Công ty cổ phần Nam Việt (mã ANV), CTCP Tập đoàn Thuỷ sản Minh Phú (mã MPC) sở hữu vùng nuôi trồng thủy sản từ hơn chục năm trước, tính theo giá thị trường hiện nay sẽ gấp nhiều lần so với giá trị sổ sách nhưng không thể tái định giá nếu doanh nghiệp chưa áp dụng IFRS.

Trong đó, quỹ đất nuôi trồng thủy sản chỉ được định giá lại khi thực hiện góp vốn, triển khai các dự án, vì vậy, nếu áp dụng IFRS thành công, ước tính giá trị tài sản của nhóm nuôi trồng thuỷ sản sẽ tăng gấp nhiều lần so với giá trị hiện tại đang hạch toán giá sổ sách.

Mới đây, trong tháng 10/2024, Tổng công ty cổ phần Đầu tư Phát triển Xây dựng (DIC Corp - mã DIG) cũng đã tổ chức tập huấn chuẩn mực IFRS để chuẩn bị nâng tầm báo cáo tài chính.

Việc các doanh nghiệp niêm yết hướng tới chung ngôn ngữ kế toán và nhìn thấy những lợi ích khi áp dụng tiêu chuẩn IFRS không chỉ giúp nhà đầu tư dễ dàng định giá lại tài sản, mà còn là cách để doanh nghiệp tiếp cận các nhà đầu/quỹ đầu tư nước ngoài có mong muốn đầu tư tại Việt Nam trong tương lai.

Cùng với nỗ lực cải thiện thị trường của cơ quan quản lý, những nỗ lực từ bản thân chính các thành viên thị trường như doanh nghiệp niêm yết, công ty chứng khoán sẽ góp phần giúp việc nâng hạng thị trường chứng khoán Việt Nam từ cận biên lên thị trường mới nổi đi theo đúng lộ trình là năm 2025.

Xem thêm tại tinnhanhchungkhoan.vn