Bộ trưởng Công Thương nói về xu hướng không thể đảo ngược, cạnh tranh gay gắt
PV Tiền Phong đã có cuộc trao đổi với Bộ trưởng Công Thương Nguyễn Hồng Diên về triển vọng của hoạt động xuất khẩu trong năm 2025.
Bộ trưởng Công Thương Nguyễn Hồng Diên cho biết, kết quả đạt được của xuất khẩu năm 2024 là nhờ vào sự phục hồi của kinh tế toàn cầu. Một số thị trường lớn như Mỹ, châu Âu (EU), và châu Á đã tăng trưởng, kéo theo nhu cầu nhập khẩu hàng hóa Việt Nam.
Trong bối cảnh này, các doanh nghiệp đã khai thác hiệu quả các Hiệp định Thương mại tự do (FTA), như Hiệp định Đối tác toàn diện và tiến bộ xuyên Thái Bình Dương (CPTPP), Việt Nam - EU (EVFTA), Hiệp định Đối tác kinh tế toàn diện khu vực (RCEP). Các hiệp định đã tạo thuận lợi cho hàng hóa Việt Nam tiếp cận thị trường quốc tế với mức thuế ưu đãi, và gia tăng khả năng cạnh tranh.
Xuất khẩu xanh, bền vững đang trở thành xu hướng tất yếu trong bối cảnh toàn cầu hiện nay. |
Trong năm 2025, hoạt động xuất nhập khẩu của Việt Nam được kỳ vọng tiếp tục duy trì đà tăng trưởng nhờ nền tảng vững chắc từ các Hiệp định thương mại tự do đã ký kết và sự phục hồi của chuỗi cung ứng toàn cầu.
Các FTA thế hệ mới như CPTPP, EVFTA, RCEP sẽ tiếp tục là động lực quan trọng thúc đẩy xuất khẩu. Thị trường EU và các nước thành viên CPTPP được dự báo sẽ tăng nhu cầu nhập khẩu nhờ chính sách cắt giảm thuế quan và ưu đãi thương mại. Bên cạnh đó, xu hướng chuyển dịch chuỗi cung ứng từ Trung Quốc sang các quốc gia Đông Nam Á, trong đó có Việt Nam đang tạo thêm cơ hội thu hút đầu tư nước ngoài. Các ngành xuất khẩu chủ lực như điện tử, dệt may, và nông sản được kỳ vọng sẽ hưởng lợi từ xu hướng này.
Ở chiều ngược lại, nhập khẩu các nguyên liệu, thiết bị công nghệ cao phục vụ sản xuất cũng sẽ gia tăng, phản ánh sự chuyển dịch theo hướng công nghiệp hóa, hiện đại hóa của nền kinh tế.
Tuy nhiên, trong bối cảnh kinh tế thế giới còn tiềm ẩn nhiều biến động, xuất nhập khẩu của Việt Nam vẫn sẽ đối diện với nhiều thách thức như tình hình xung đột chính trị, quân sự chưa có dấu hiệu hạ nhiệt ở một số khu vực có thể ảnh hưởng đến chuỗi cung ứng hàng hóa.
Sự cạnh tranh ngày càng gay gắt từ các nước trong khu vực như Thái Lan, Indonesia… khi các quốc gia này có xu hướng thúc đẩy xuất khẩu bằng các chính sách hỗ trợ mạnh mẽ sẽ làm gia tăng áp lực cạnh tranh với hàng hóa Việt Nam.
Đường sắt tốc độ cao Bắc - Nam: Vì sao chậm bước nhưng không lỡ nhịp?
Nhân dịp năm mới Ất Tỵ 2025, PV Tiền Phong có cuộc trò chuyện với ông Vũ Hồng Phương - Tổng Giám đốc Ban Quản lý dự án đường sắt, Bộ Giao thông vận tải - về Dự án đường sắt tốc độ cao (ĐSTĐC) Bắc - Nam đang thu hút sự quan tâm đặc biệt.
Ông Vũ Hồng Phương cho biết, ĐSTĐC không chỉ hiện thực hóa chủ trương, đường lối của Đảng mà còn có ý nghĩa quan trọng với phát triển kinh tế, việc đầu tư dự án sẽ tạo ra sức bật cho nền kinh tế. Trên cơ sở định hướng phát triển ĐSTĐC Bắc - Nam trong quy hoạch được Thủ tướng phê duyệt tại Quyết định số 06/2002/QĐ-TTg ngày 07/01/2002, từ năm 2005 đến nay, Bộ Giao thông vận tải (GTVT) đã triển khai nhiều nghiên cứu để xem xét đầu tư tuyến đường sắt này.
Có thể nói đây là thời điểm chín muồi. Chúng ta đã hội tụ đủ các điều kiện so với thời điểm lần đầu trình Quốc hội gần 15 năm trước, các điều kiện về năng lực tài chính nước ta hiện đã khác biệt hơn rất nhiều.
Theo nghiên cứu, đây là thời điểm “vàng” để Việt Nam đầu tư ĐSTĐC khi thu nhập bình quân đầu người năm 2023 đạt 4.284 USD/người, cao hơn nhiều quốc gia khi quyết định đầu tư ĐSTĐC. Quy mô nền kinh tế năm 2023 khoảng 430 tỷ USD, gấp gần 3 lần so với khi trình dự án lần đầu vào năm 2010; nợ công ở mức thấp. Dự kiến dự án khởi công năm 2027, lúc đó quy mô nền kinh tế khoảng 564 tỷ USD nên nguồn lực đầu tư không còn là trở ngại lớn.
Khoảng thời gian chuẩn bị khá dài có thể khiến chúng ta chậm bước nhưng không lỡ nhịp so với các nước, bởi chúng ta đã lựa chọn phương án đầu tư tốc độ 350km/h là tối ưu nhất hiện nay.
Phó Thống đốc Ngân hàng nói về dự án được 'rót' tiền năm nay
Trao đổi với báo chí, Phó Thống đốc Ngân hàng Nhà nước Đào Minh Tú cho biết, đối với điều hành tín dụng năm 2025, Ngân hàng Nhà nước tiếp tục các giải pháp tín dụng phù hợp với diễn biến kinh tế vĩ mô, đáp ứng nhu cầu vốn tín dụng, phù hợp với khả năng hấp thụ vốn của nền kinh tế.
Theo đó, Ngân hàng Nhà nước chỉ đạo các tổ chức tín dụng hướng tín dụng vào các lĩnh vực sản xuất kinh doanh, lĩnh vực ưu tiên, kiểm soát chặt chẽ tín dụng đối với lĩnh vực tiềm ẩn rủi ro; xây dựng các sản phẩm tín dụng cho các ngành, lĩnh vực phù hợp, chú trọng đầu tư tín dụng vào các dự án, công trình trọng điểm.
Tín dụng "chảy" vào dự án trọng điểm trong năm 2025. |
Các ngân hàng tích cực triển khai các giải pháp tháo gỡ khó khăn cho người dân, doanh nghiệp sau bão số 3, tạo điều kiện thuận lợi cho người dân, doanh nghiệp tiếp cận vốn tín dụng.
"Năm 2025, cơ chế giao tín dụng được thực hiện thông thoáng hơn năm 2024. Theo đó, các ngân hàng sẽ tự xác định và tính toán cho vay khi có nhu cầu vốn cần thiết nhưng vẫn phải đảm bảo an toàn của hệ thống", ông Tú nói.
Theo ông Tú, từ cuối năm 2023, Ngân hàng Nhà nước đã có thông báo giao hạn mức tín dụng cho các ngân hàng thương mại. Năm 2024, Ngân hàng Nhà nước có 2 lần điều chỉnh, nhưng là văn bản hướng dẫn các ngân hàng tự tính, tự điều chỉnh theo nhu cầu cho vay vốn hợp lý.
Ngân hàng Nhà nước đang nghiên cứu để có biện pháp điều hành tín dụng phù hợp với cơ chế thị trường hơn, tạo sự chủ động cho ngân hàng thương mại.
Tuy nhiên, Ngân hàng Nhà nước sẽ vẫn phải kiểm soát lượng cung ứng tiền tăng thêm để đảm bảo mục tiêu kiểm soát lạm phát; tăng trưởng tín dụng hợp lý, trên cơ sở đảm bảo an toàn lành mạnh, nhất là những ngân hàng đang dồn vốn vào lĩnh vực có nguy cơ rủi ro.
Số tiền kỷ lục Kho bạc Nhà nước gửi tại 3 ngân hàng
BIDV, Vietcombank, VietinBank vừa công bố báo cáo tài chính hợp nhất quý IV/2024. Điều bất ngờ là số dư tiền gửi của Kho bạc Nhà nước tại các nhà băng này trong quý IV tăng mạnh.
Tiền gửi của Kho bạc Nhà nước vào ngân hàng tăng mạnh. |
Cụ thể, BIDV - ngân hàng thường được Kho bạc Nhà nước gửi nhiều nhất, ghi nhận số dư tiền gửi Kho bạc đến hết năm ngoái là 145.266 tỷ đồng, gấp 7,5 lần so với hồi đầu năm. Trong đó, 143.906 tỷ đồng là tiền gửi có kỳ hạn và 1.360 tỷ đồng là tiền gửi không kỳ hạn. Quý liền trước đó, tiền gửi của Kho bạc Nhà nước tại đây giảm xuống chưa tới 75.000 tỷ đồng.
Theo sau BIDV là VietinBank với số tiền gửi là 144.771 tỷ đồng tiền gửi thanh toán, gấp gần 7 lần so với cuối năm 2023. Số dư này đã tăng 79.461 tỷ đồng so với quý liền trước là hơn 65.000 tỷ đồng.
Vietcombank có số dư này thấp nhất trong 3 nhà băng, với 76.665 tỷ đồng là tiền gửi có kỳ hạn. Quý liền trước, Kho bạc Nhà nước gửi tại đây hơn 35.000 tỷ đồng, còn hồi cuối năm ngoái là 770 tỷ đồng.
Tổng số tiền gửi của Kho bạc Nhà nước tại 3 ngân hàng có vốn Nhà nước là hơn 367.000 tỷ đồng, trong khi quý liền trước là 115.000 tỷ đồng. Agribank hiện chưa công bố báo cáo tài chính chi tiết quý IV/2024.
Giá vàng thế giới tăng cao kỷ lục
Trong phiên giao dịch ngày 31/1, vàng giao ngay ổn định ở mức 2.793,84 USD/ounce, tăng hơn 6% trong tháng. Đầu ngày, giá đạt mức cao nhất mọi thời đại là 2.799,71 USD/ounce.
Giá vàng tương lai của Mỹ tăng 0,1% lên 2.824,40 USD.
Giao dịch khá yếu vì thị trường Trung Quốc đóng cửa nghỉ Tết Nguyên đán, theo Reuters.
Diễn biến giá vàng thế giới cuối tháng 1. |
Tổng thống Donald Trump hôm thứ Năm cho biết Mỹ áp dụng mức thuế 25% đối với hàng nhập khẩu từ Mexico và Canada, đồng thời nhắc lại cảnh báo của ông với hai nước.
"Các mối đe dọa về thuế quan liên tục thúc đẩy dòng tiền đổ vào vàng như nơi trú ẩn an toàn. Bất kỳ bất ngờ nào về lạm phát cũng cho thấy Cục Dự trữ Liên bang Mỹ (Fed) linh hoạt hơn về chính sách, có khả năng thúc đẩy kỳ vọng cắt giảm lãi suất và hỗ trợ thêm cho vàng", chiến lược gia thị trường Yeap Jun Rong của IG cho biết.