Chuyện của Coteccons (CTD) và Xây dựng Hòa Bình (HBC): Một vấn đề, hai cảnh ngộ

Dấu ấn tăng trưởng mạnh

Trong quý II, Tập đoàn Xây dựng Hòa Bình (Mã HBC) - doanh nghiệp được điều hành bởi doanh nhân Lê Viết Hải ghi nhận doanh thu 2.203 tỷ đồng - giảm hơn 200 tỷ so với cùng kỳ năm trước. Lũy kế 6 tháng, ông lớn làng thầu xây dựng đạt 3.606 tỷ đồng doanh thu - tăng 200 tỷ so với cùng kỳ.

Chuyện của Coteccons (CTD) và Xây dựng Hòa Bình (HBC): Một vấn đề, hai cảnh ngộ
Ông Lê Viết Hải - Chủ tịch HĐQT Tập đoàn Xây dựng Hòa Bình

Sau trừ các khoản thuế phí, công ty mẹ Hòa Bình báo lãi 730 tỷ đồng trong quý II và 838 tỷ đồng sau nửa năm, lần lượt tăng 20,7% và 130% YoY. Tạm tính, đây đã là quý có lãi thứ 3 liên tiếp của Hòa Bình sau giai đoạn từ quý IV/2022 - quý III/2023 liên tục báo lỗ trăm tỷ. Đây cũng là mức lãi quý cao nhất trong lịch sử hoạt động của công ty mẹ.

Cũng có được niềm vui, doanh nghiệp nhiều năm qua luôn so kè ngôi vị Top 1 nhóm thầu xây dựng là Xây dựng Coteccons (Mã CTD) cũng ghi nhận kết quả kinh doanh khả quan.

Cụ thể, Coteccons đạt doanh thu năm tài chính 2024 (từ 1/7/2023 - 30/6/2024) hơn 21.000 tỷ đồng - tăng 30,8% so với năm tài chính trước đó. Kết quả này tương đương thực hiện 118% so với kế hoạch cũ (17.793 tỷ đồng) và 105% so với kế hoạch điều chỉnh (20.000 tỷ đồng).

Sau trừ các khoản thuế phí, doanh nghiệp mang về 299 tỷ đồng lãi sau thuế - tăng 343% YoY và đều vượt kế hoạch đề ra.

Trong quý cuối niên độ, doanh thu thuần và lãi sau thuế của Coteccons đạt lần lượt 6.600 tỷ đồng và 58,8 tỷ, lần lượt tăng 82,6% và 95,3% so với cùng kỳ. Mức tăng ấn tượng trên trở thành yếu tố quan trọng giúp công ty về đích kế hoạch kinh doanh cả năm (đã điều chỉnh).

Vị thế khác biệt lớn

Tại thời điểm cuối tháng 6/2024, xét về quy mô, tổng tài sản của Xây dựng Hòa Bình tăng nhẹ lên mức 15.631 tỷ với 11.600 tỷ là các khoản phải thu. Danh mục tồn kho giảm còn gần 1.600 tỷ đồng và lượng tiền mặt, tiền gửi chưa đầy 330 tỷ.

Trong khi đó, Coteccons có tổng tài sản hơn 22.800 tỷ đồng - tăng 1.500 tỷ so với đầu niên độ. Cơ cấu tài sản bao gồm hơn 12.700 tỷ đồng giá trị các khoản phải thu; hơn 2.200 tỷ đồng tiền mặt, tương đương tiền; gần 1.900 tỷ đồng các khoản đầu tư tài chính ngắn hạn và hơn 3.100 tỷ đồng giá trị hàng tồn kho.

Cách biệt giữa hai doanh nghiệp đầu ngành xây dựng đang được nới rộng. Trong khi Coteccons đã dần trở lại quỹ đạo kinh doanh sau xung đột thượng tầng cách đây nửa thập kỷ thì Hòa Bình vẫn đang "trầy trật" tái cơ cấu. Sức khỏe tài chính vẫn đang là vấn đề cần cải thiện ở doanh nghiệp được điều hành bởi Chủ tịch HĐQT Lê Viết Hải và các cộng sự.

Thực tế, dấu ấn kinh doanh bán niên 2024 mà Tập đoàn Hòa Bình có được là nhờ việc được hoàn nhập khoản chi phí quản lý doanh nghiệp 187 tỷ đồng (cùng kỳ phải chi tới 415 tỷ). Cộng thêm chi phí tài chính giảm mạnh còn gần 98 tỷ đồng, bù đắp cho mức giảm lợi nhuận gộp, giúp lợi nhuận thuần hoạt động kinh doanh chuyển dương 209 tỷ đồng.

Ngoài ra, công ty còn ghi nhận khoản lợi nhuận khác hơn 521 tỷ đồng, dù giảm so với con số 656 tỷ của cùng kỳ song lại đóng góp hơn 2/3 tổng lợi nhuận quý này. Theo thuyết minh, phần lớn trong số khoản thu này đến từ việc thanh lý, nhượng bán tài sản cố định, vật tư và phế liệu.

Với Coteccons, trong năm tài chính 2024, doanh nghiệp đạt giá trị trúng thầu 22.000 tỷ đồng, phần lớn đến từ chiến lược “repeat sales” – những dự án thắng thầu được chỉ định bởi các chủ đầu tư cũ.

Có thể kể đến các dự án quy mô lớn như dự án 300 triệu USD của Suntory PepsiCo, dự án 150 triệu USD của Pandora, Imperia Smart City – The Solar Park của MIK Group, dự án xây dựng hạ tầng khu đô thị Legend City, nhà xưởng Logos Yên Phong BN 2, Sembcorp Logistics Park Thủy Nguyên…

Chuyện của Coteccons (CTD) và Xây dựng Hòa Bình (HBC): Một vấn đề, hai cảnh ngộ
Tính đến cuối tháng 6/2024, lưu chuyển tiền thuần của CTD ghi nhận mức 328 tỷ đồng trong khi HBC đang âm 78 tỷ

Vấn đề đáng quan tâm của công ty đến từ việc nợ xấu phình to. Coteccons không có khả năng thu hồi 483 tỷ đồng từ Công ty TNHH Đầu tư Bất động sản Ngôi Sao Việt, 142 tỷ đồng của Saigon Glory, 121 tỷ đồng của CTCP Đầu tư Minh Việt. Ngoài ra, gần 1.500 tỷ đồng từ đối tác khác trong đó chỉ có khả năng thu hồi được 59%.

Trên thị trường chứng khoán, 6 tháng qua, dù được giao dịch toàn thời gian song giá cổ phiếu HBC gần như "tăng ngược". Cuối phiên 26/7, Hòa Bình bất ngờ nhận "tráp phạt" từ Sở Giao dịch Chứng khoán (HoSE) khi cổ phiếu HBC bị hủy niêm yết bắt buộc do lỗ lũy kế tại báo cáo tài chính kiểm toán năm 2023 (-3.240 tỷ đồng) - vượt quá số vốn điều lệ thực góp (2.741 tỷ đồng).

Đầu phiên 31/7, cổ phiếu này giảm sàn về mức 5.850 đồng; khớp lệnh hơn 10,3 triệu đơn vị.

Chuyện của Coteccons (CTD) và Xây dựng Hòa Bình (HBC): Một vấn đề, hai cảnh ngộ
Diễn biến giá cổ phiếu CTD (xanh) và HBC (cam)

Kể từ thời điểm VN-Index rơi về mức 873 điểm hồi giữa tháng 11/2022, trong khi cổ phiếu CTD đã tăng tới 251% giá trị thì HBC lại giảm thêm 11,3%.

Xem thêm tại nguoiquansat.vn