Chuyện của Vinalines (MVN): Có công đổi tên, có ngày... đổi vận

4 năm trước là Vinalines...

Sau kỳ họp ĐHCĐ lần đầu tiên ngày 13/8/2020, Tổng Công ty Hàng hải Việt Nam (Vinalines) đã chính thức chuyển sang kinh doanh theo mô hình công ty cổ phần kể từ ngày 18/8 cùng năm.

Chuyện của Vinalines (MVN): Có công đổi tên, có ngày... đổi vận
VIMC hiện đang sở hữu cổ phần tại 16 doanh nghiệp cảng biển

Trước đó, vào năm 2018, doanh nghiệp đã được Thủ tướng Chính phủ ban hành Quyết định số 751/QĐ-TTg về việc phê duyệt phương án cổ phần hóa công ty mẹ - Tổng Công ty Hàng hải Việt Nam. Đây là kết quả đạt được sau nhiều nỗ lực không ngừng trải qua những khó khăn, vướng mắc của toàn thể doanh nghiệp.

Mặt khác, Tổng Công ty cũng tiến hành áp dụng bộ nhận diện thương hiệu mới cho doanh nghiệp dựa trên tên giao dịch quốc tế mới VIMC, thay cho tên gọi cũ là Vinalines.

Việc đổi tên viết tắt được lãnh đạo Tổng Công ty đặc biệt quan tâm khi cái tên “Vinalines” được cho là gắn với rất nhiều sự kiện kém may mắn, thậm chí là tai tiếng của đơn vị.

Kết thúc năm 2020, VIMC ghi nhận doanh thu giảm mạnh còn dưới 10.000 tỷ đồng, lợi nhuận sau thuế ở mức 209 tỷ. Biên lãi ròng đạt gần 2,1%.

Tuy nhiên, chỉ một năm sau đó, doanh thu công ty tăng 33% lên mức 13.267 tỷ đồng trong khi lãi sau thuế tăng 1.426%, đạt kỷ lục gần 3.200 tỷ. Theo đó, biên lãi ròng cải thiện mạnh lên mức 24%.

Chuyện của Vinalines (MVN): Có công đổi tên, có ngày... đổi vận

Tác động từ tình hình xung đột và lạm phát toàn cầu trong các năm 2022, 2023 khiến tình hình kinh doanh của VIMC bị ảnh hưởng nghiêm trọng. Lợi nhuận năm 2023 chỉ còn 1.702 tỷ đồng.

Việc tạo ra 10.544 tỷ đồng lợi nhuận trong 7 năm qua (trung bình 1.506 tỷ đồng lãi sau thuế/năm), cộng với 479 tỷ đồng lãi sau thuế trong quý I/2024 đã giúp VIMC đạt được kết quả quan trọng là việc xóa lỗ lũy kế. Theo đó, tính đến cuối tháng 3 vừa qua, lợi nhuận sau thuế chưa phân phối của công ty đã chuyển dương hơn 60 tỷ đồng. Đây được xem là tiền đề quan trọng để VIMC triển khai kế hoạch tăng vốn điều lệ đã được thông qua ĐHCĐ thường niên 2024.

Theo chủ trương, doanh nghiệp sẽ ưu tiên phát hành cổ phiếu cho cổ đông hiện hữu, phát hành cho các đối tác chuyên về vận tải container để hợp tác phát triển loại hình vận tải hàng hoá đặc thù này, đồng thời hạ tỷ lệ sở hữu cổ phần của Nhà nước xuống 65%.

Bên cạnh hoạt động khai thác cảng và vận tải biển, VIMC cũng đang tích cực thoái vốn theo đề án tái cơ cấu. Trong năm 2024, công ty lên kế hoạch thoái vốn/giảm vốn tại 9 doanh nghiệp gồm 3 doanh nghiệp chuyển tiếp và 6 doanh nghiệp theo kế hoạch mới.

... 4 năm sau là 'một thế lực' trên sàn chứng khoán

Ngày 8/10/2018, VIMC đưa gần 6,4 triệu cổ phiếu lên giao dịch trên sàn UPCoM với mã MVN, giá tham chiếu 10.000 đồng/cp. Đến thời điểm cuối tháng 5/2024, cổ phiếu MVN có giá 19.100 đồng, khối lượng cổ phiếu lưu hành ghi nhận gần 1,202 tỷ đơn vị.

Tròn một năm lình xình vùng giá 16.x-20.x, tín hiệu mới bất ngờ xuất hiện ở cổ phiếu MVN kể từ đầu tháng 6/2024. Sau 11 phiên tăng liên tiếp, cổ phiếu VIMC kết phiên 20/6 tại mức giá trần 62.400 đồng. Đây đã là phiên tăng trần thứ 9 liên tiếp của cổ phiếu vận tải biển này.

Mức tăng hơn 240% sau chưa đầy ba tuần đẩy vốn hóa công ty lên mức 75.000 tỷ đồng qua đó lọt Top 23 doanh nghiệp vốn hóa lớn nhất sàn chứng khoán. Thậm chí nếu tiếp tục tăng trong phiên cuối tuần, MVN sẽ vượt qua vốn hóa cổ phiếu BSR (gần 76.000 tỷ đồng), HVN (78.500 tỷ đồng), SAB (hơn 79.600 tỷ đồng).

Chuyện của Vinalines (MVN): Có công đổi tên, có ngày... đổi vận
Diễn biến cổ phiếu MVN

Sự tăng trưởng tích cực của cổ phiếu MVN đồng pha với diễn biến chung của nhóm cảng biển trong thời gian gần đây. Kỳ vọng giá cước vận tải thế giới tăng cao sẽ giúp các doanh nghiệp vận tải nội địa hưởng lợi tương tự giai đoạn năm 2021-2022.

Trong bối cảnh xung đột tại khu vực Biển Đỏ chưa có dấu hiệu hạ nhiệt, nhu cầu hàng hoá phục hồi và tình trạng thiếu container chưa được cải thiện, giới phân tích cho rằng, cước phí có thể đạt tới 20.000 USD/container 40 feet, thậm chí chạm mức đỉnh 30.000 USD như giai đoạn Covid-19 và duy trì ở ngưỡng này cho đến năm 2025. VIMC với vị thế là doanh nghiệp sở hữu đội tàu lớn nhất cả nước không nằm ngoài miếng bánh tiềm năng này.

Được biết, đội tàu của VIMC hiện đang chiếm tới 25% tổng dung tích đội tàu trong cả nước, trong đó có những loại tàu hàng rời cỡ lớn đến 73.000 DWT, hàng năm chuyên chở 60% hàng hóa xuất và nhập khẩu vào Việt Nam.

Ông lớn ngành hàng hải hiện có 34 doanh nghiệp thành viên, trong đó sở hữu cổ phần của 16 doanh nghiệp cảng biển, quản lý khai thác hơn 13.000m cầu bến (chiếm tỷ trọng 30% tổng chiều dài cầu bến quốc gia). Một số cảng trọng điểm của cả nước có thể kể đến như cảng Hải Phòng, cảng Sài Gòn, cảng Đà Nẵng và cảng Quy Nhơn.

Xem thêm tại nguoiquansat.vn