Không thích ứng, dừng cuộc chơi
Hàng hóa xuất khẩu muốn có giá trị cao, cạnh tranh tốt, được thị trường đón nhận thì phải đảm bảo quá trình sản xuất ít gây phát thải, không làm ảnh hưởng đến mất rừng, sử dụng năng lượng sạch, nguyên liệu đầu vào có thể tái chế… Những yêu cầu này không còn xa vời, mà đã rất gần với các ngành xuất khẩu, bởi tiêu chuẩn xanh đang được các nhà mua hàng đặt lên hàng đầu.
Bà Phạm Thị Ngọc Thủy, Giám đốc Ban Nghiên cứu phát triển kinh tế tư nhân (Ban IV), Hội đồng Tư vấn cải cách thủ tục hành chính cho biết, các thị trường xuất khẩu lớn của Việt Nam đang áp dụng nhiều tiêu chuẩn xanh. Hiện EU đã ban hành Kế hoạch hành động về kinh tế tuần hoàn (CEAP), Cơ chế điều chỉnh biên giới carbon (CBAM). Tới đây, hàng loạt quốc gia khác cũng áp dụng những quy định tương tự.
Kế hoạch này đòi hỏi các doanh nghiệp, ngành hàng xuất khẩu phải nhanh chóng chuyển đổi và thích ứng.
“Mỹ đang dự thảo văn bản tương đương CBAM của EU, tương lai không xa sẽ ban hành. Theo đó, số lượng ngành hàng chịu tác động sẽ nhiều hơn so với EU”, bà Thủy thông tin.
Nếu không cập nhật những quy định mới từ các quốc gia nhập khẩu để nghiên cứu, thực hành đáp ứng, thì lợi thế xuất khẩu của doanh nghiệp Việt sẽ giảm đi.
Ông Thân Đức Việt, Tổng giám đốc Tổng công ty May 10 cho biết, là doanh nghiệp lớn, xuất khẩu nhiều sang EU, Hoa Kỳ, Nhật Bản, May 10 phải chịu sức ép về chuyển đổi sản xuất do các thị trường lớn đều áp tiêu chuẩn xanh. Song, nhờ sức ép đó, đến nay, 30% nguyên liệu được May 10 sử dụng có thể tái chế được. Doanh nghiệp hợp tác với các nhà cung cấp uy tín, cam kết thể hiện đầu tư lớn vào sản xuất xanh, đáp ứng tiêu chuẩn vòng đời sản phẩm bền vững, đầu tư hệ thống năng lượng mặt trời trên mái nhà, giảm thiểu sử dụng năng lượng hóa thạch.
Ngành dệt may xuất khẩu khoảng 44-45 tỷ USD/năm, trong đó hơn 20 tỷ USD là xuất vào Mỹ, EU - những thị trường đòi hỏi cao về tiêu chuẩn môi trường, trách nhiệm xã hội, phát triển bền vững... Hàng năm, ngành này chi khoảng 3 tỷ USD cho việc tiêu thụ năng lượng và phát thải khoảng 5 triệu tấn CO2. Sức ép chuyển đổi sản xuất xanh hơn, tăng tiêu thụ năng lượng tái tạo, tái chế nước… là nhiệm vụ sống còn của các doanh nghiệp.
Tại Tọa đàm “Kế hoạch của EU về kinh tế tuần hoàn (CEAP) và hệ lụy đối với doanh nghiệp Việt Nam” mới đây, ông Nguyễn Xuân Dương, Chủ tịch HĐQT Tổng công ty May Hưng Yên chia sẻ, Hiệp định Thương mại tự do Việt Nam - EU (EVFTA) đi vào thực thi từ tháng 8/2020, đến nay sau 4 năm, xuất khẩu của May Hưng Yên sang EU đã tăng gấp đôi, từ 20 triệu USD tăng lên 40 triệu USD. Nhưng xuất khẩu sẽ khó hơn khi EU thực thi CEAP. Yêu cầu của EU về kinh tế tuần hoàn buộc doanh nghiệp phải chuyển đổi, nếu không sẽ khó duy trì vị thế trong chuỗi cung ứng.
“Đây vừa là thách thức, nhưng cũng là cơ hội để doanh nghiệp cải tiến sản xuất, tăng tính tuân thủ, cạnh tranh tốt hơn. Chúng tôi đã có định hướng và yêu cầu các doanh nghiệp trực thuộc tiến hành chuyển đổi tất cả các lò hơi nước đốt than sang dùng lò hơi điện. Nhờ đó giảm được ô nhiễm và bảo vệ được sức khỏe người lao động. Về khía cạnh kinh tế, tất nhiên tiền điện có thể tăng, nhưng giảm được các chi phí về nhân công phục vụ cho cả hệ thống những lò hơi nước đó”, ông Dương nói.
Tương lai rộng mở của xuất khẩu xanh
Hôm nay (4/12), Bộ Công thương phối hợp với Chương trình Xúc tiến nhập khẩu Thụy Sỹ (SIPPO) tổ chức Diễn đàn Xúc tiến xuất khẩu 2024 với chủ đề “Xúc tiến xuất khẩu xanh”.
Các chuyên gia sẽ cung cấp thông tin, giải đáp thắc mắc và hỗ trợ doanh nghiệp trong quá trình chuyển đổi xanh và xúc tiến xuất khẩu; Chính sách, quản lý và kinh nghiệm trong chuyển đổi xanh; Khơi thông nguồn lực cho tăng trưởng xanh, phát triển bền vững - một số khuyến nghị cho Việt Nam.
Xu hướng sử dụng từ hàng tiêu dùng, cho đến nông, thủy sản của thế giới ngày càng khắt khe, buộc các nhà cung ứng phải theo kịp nếu không muốn bị loại khỏi chuỗi cung ứng.
Việc này càng trở nên cấp thiết hơn, khi Việt Nam là nền kinh tế có độ mới lớn, phụ thuộc vào xuất khẩu. Hiện Việt Nam có 16 FTA đang thực thi, 1 FTA vừa ký kết, trong số này có nhiều FTA thế hệ mới như EVFTA, CPTPP, UKVFTA, RCEP… đều có hẳn 1 chương về phát triển bền vững.
Quy mô xuất nhập khẩu của Việt Nam dự kiến cán mốc gần 800 tỷ USD vào cuối năm nay, trong đó xuất khẩu khoảng 390-395 tỷ USD, mốc 1.000 tỷ USD cũng không còn xa khi các nguồn vốn FDI và vốn trong nước vẫn tiếp tục đổ vào sản xuất. Vì thế, bà Thủy cho rằng, chỉ có con đường tuân thủ là bền vững nhất, bởi trên hết, lợi thế của tuân thủ quy định sẽ giúp doanh nghiệp Việt nâng cao sức cạnh tranh trong mắt các nhà nhập khẩu quốc tế.
Theo ông Quách Quang Đông, Phó vụ trưởng Vụ Tiết kiệm năng lượng và phát triển bền vững (Bộ Công thương), xu hướng của các quốc gia là dựng lên hàng rào kỹ thuật, quy định mới liên quan đến chuỗi cung ứng, nguyên liệu, lao động, môi trường khắt khe hơn đối với các sản phẩm nhập khẩu.
Đầu tư cho phát triển bền vững là bài toán khó, tốn kém, nhưng nếu kiên định và chuyển đổi sớm, doanh nghiệp sẽ có lợi trong kinh doanh, có được các đơn hàng xuất khẩu giá trị lớn. Đây là tương lai của sản xuất và xuất khẩu.
Dù vậy, nguồn lực tài chính đang là trở ngại lớn nhất trong mục tiêu phát triển xanh của doanh nghiệp. Hiện chính sách và môi trường kinh doanh xanh còn chưa rõ ràng, việc tìm kiếm nguồn tài chính từ các ngân hàng thương mại còn khó.