Chuyển đổi số, chuyển đổi xanh là nhiệm vụ cấp bách của doanh nghiệp cảng biển

Ông đánh giá thế nào về kết quả chuyển đổi số, phát triển các cảng xanh của cảng biển Việt Nam hiện nay?

Với xu thế mới, phát triển bền vững, tạo mắt xích rất quan trọng của chuỗi cung ứng logistics toàn cầu, tất cả cảng biển đều phải theo một tiêu chuẩn mới, đó là thân thiện với môi trường. Theo đó, cần phải phát triển theo hướng xanh hóa, số hóa và phát triển bền vững.

Tại Hội nghị COP26, Việt Nam đã cam kết với thế giới, đến năm 2050 trở thành quốc gia đạt Net Zero. Thực hiện cam kết này, tất cả các ngành nói chung, trong đó ngành cảng biển, logistics và hàng hải nói riêng đều phải thực hiện. Hiện nay, các cảng đã có ý thức chung, đó là bắt đầu thực hiện những chương trình chuyển đổi số, chuyển đổi xanh của mình. Đi đầu có các cảng lớn, như: các cảng thuộc Tổng công ty Tân cảng Sài Gòn, các cảng liên doanh tại khu vực Cái Mép- Thị Vải, Tổng công ty Hàng hải Việt Nam, các đơn vị thành viên của Hiệp hội cảng biển Việt Nam đã triển khai nhiều chương trình, xây dựng lộ trình cảng xanh, đặc biệt là chương trình chuyển đổi số. Đồng thời phối hợp với các bên liên quan, trong thời gian tới hướng tới mục tiêu hệ sinh thái số trong khai thác cảng để tiến tới thủ tục hàng hải một cửa quốc gia của Việt Nam.

Ngày 2/6/2021, Cục Hàng hải Việt Nam đã ra Quyết định số 710/QĐ-CHHVN ban hành Kế hoạch thực hiện Đề án phát triển cảng xanh tại Việt Nam. Theo đó, trong giai đoạn 2021 - 2025 sẽ nghiên cứu đề xuất cơ chế, chính sách hỗ trợ các doanh nghiệp để thực hiện tiến trình phát triển cảng xanh. Nghiên cứu, ứng dụng và chuyển giao công nghệ sạch, thân thiện với môi trường trong hoạt động khai thác cảng biển. Sau đó, giai đoạn 2025 - 2030, xây dựng và ban hành tiêu chuẩn kỹ thuật quốc gia về tiêu chí cảng xanh. Dự kiến đến sau năm 2030, tiêu chí cảng xanh trong quy hoạch, đầu tư xây dựng và kinh doanh khai thác cảng biển tại Việt Nam được áp dụng bắt buộc.

Vậy hiện nay, các cảng biển ưu tiên đầu tư, chuyển đổi những hạng mục nào, thưa ông?

Thực hiện chuyển đổi số, chuyển đổi xanh trong các cảng biển có nhiều hạng mục để thực hiện. Đầu tiên chúng ta phải kể đến đó là nhiên liệu sử dụng các thiết bị tại cảng. Từ việc sử dụng những nhiên liệu truyền thống hóa thạch chuyển sang năng lượng khác như năng lượng điện, năng lượng gió và tiến tới những năng lượng khác như methanol, hydrogel, hoặc theo chiều hướng chung của thế giới. Hiện nay, các hãng tàu quốc tế đã đưa vào sử dụng khí hóa lỏng, một số tàu chạy methanol để giảm bớt khí thải ra môi trường.

Các cảng đang thực hiện lộ trình chuyển đổi về năng lượng, trong đó chuyển đổi năng lượng truyền thống sang điện là khâu dễ nhất. Ví dụ, các thiết bị trong cảng đã chuyển đổi từ thiết bị chạy bằng xăng dầu sang thiết bị chạy điện; một số nhà kho ở các trung tâm logistics đã dùng năng lượng mặt trời; các thiết bị trong nhà kho, bến cảng cũng đã dần dần điện hóa…

Đó là những kế hoạch bước đầu cảng đang thực hiện và các cảng cũng mong muốn sẽ có những bộ tiêu chuẩn cụ thể để thực hiện, Hiệp hội cảng biển Việt Nam tới đây sẽ xây dựng một bộ tiêu chuẩn, đồng thời cũng áp dụng theo các tiêu chuẩn quốc tế để các cảng thực hiện chuyển đổi số, chuyển đổi xanh theo đúng lộ trình của mình.

Trong quá trình triển khai chuyển đổi số, chuyển đổi xanh, các cảng gặp khó khăn gì, thưa ông?

Bên cạnh những thuận lợi, các cảng cũng gặp không ít khó khăn trong thực hiện chuyển đổi số, chuyển đổi xanh, phát triển bền vững. Thứ nhất là chi phí đầu tư. Ví dụ, muốn chuyển đổi một xe chở container bằng nhiên liệu thông thường, chuyển sang xe điện, chi phí gấp 2 đến 2,5 lần. Thứ hai, quản trị công nghệ tiên tiến. Thứ ba, rủi ro trong chuyển đổi số. Thứ tư là đào tạo nguồn nhân lực để hoạt động và tính kết nối chung của hệ thống. Đó là những thử thách các doanh nghiệp nói chung và các cảng nói riêng đang gặp phải.

Những khó khăn trên đang hiện hữu, nhất là đối với những doanh nghiệp vừa và nhỏ, vì yếu tố tài chính vẫn rất quan trọng đối với những doanh nghiệp này. Về yếu tố tài chính, cần phải có những chính sách ưu đãi đối với phát triển kinh tế xanh. Chẳng hạn như ưu đãi cho các doanh nghiệp chuyển đổi số, chuyển đổi xanh có những dự án khả thi. Chúng tôi mong muốn các quỹ đầu tư hoặc các cơ quan của Chính phủ, các bộ, ban, ngành có những chương trình để tạo điều kiện cho các doanh nghiệp chuyển đổi số chuyển đổi xanh kịp thời.

Tân cảng - Cát Lái là cảng đầu tiên tại Việt Nam đạt danh hiệu Cảng xanh của Hội đồng mạng lưới dịch vụ cảng APEC. Ông có thể chia sẻ về kinh nghiệm trong chuyển đổi số tại hệ thống cảng của Tổng công ty Tân cảng Sài Gòn?

Chúng tôi bắt đầu chuyển đổi số, chuyển đổi xanh từ năm 2008 và đến bây giờ đã đạt được những thành tựu rất đáng kể. Đó là, tăng hiệu suất khai thác cảng rất lớn. Cảng Tân cảng - Cát Lái là một ví dụ điển hình. Trước đây, cảng thiết kế công suất chỉ có khoảng 3.000.000 TEUs, nhưng bây giờ chúng tôi đầu tư, mở rộng có thể đón được gấp đôi, tức là khoảng 6.000.000 TEUs thông qua cảng, đặc biệt năng suất giải phóng tàu nhanh giúp tiết kiệm chi phí cho các hãng tàu cũng như thời gian giao nhận hàng hóa đối với khách hàng. Ngoài ra, chúng tôi đã đầu tư, ứng dụng số như: văn phòng điện tử, cảng điện tử, chứng từ điện tử, thanh toán điện tử… Những ứng dụng này đã tạo được dịch vụ hấp dẫn đối với khách hàng, cũng như bảo vệ môi trường, được khách hàng hưởng ứng, hài lòng. Hiện chúng tôi còn hướng tới những dịch vụ với yêu cầu cao hơn, đảm bảo thuận lợi nhất, cắt giảm tối đa chi phí cho doanh nghiệp, đặc biệt là bảo vệ môi trường.

Xin cảm ơn ông!

Xem thêm tại haiquanonline.com.vn