Chuyển đổi xanh trong công nghiệp đòi hỏi nguồn lực lớn về tài chính, công nghệ

Phát biểu tại Diễn đàn, Thứ trưởng Bộ Xây dựng Nguyễn Tường Văn cho biết, tăng trưởng xanh, chuyển đổi năng lượng, giảm phát thải khí nhà kính đã trở thành xu hướng tất yếu trên toàn cầu. Đây là cơ hội để Việt Nam phát triển, tái cơ cấu lại các nền kinh tế theo hướng xanh, giảm phát thải khí nhà kính và bền vững.

Chính phủ Việt Nam đang rất nỗ lực để vừa phát triển kinh tế bền vững vừa đảm bảo thực hiện các cam kết tại Hội nghị các Bên tham gia công ước khung của Liên hợp quốc (COP), đặc biệt là cam kết đóng góp có trách nhiệm về thực hiện các hành động giảm phát thải khí nhà kính cùng cộng đồng quốc tế…

Thủ tướng Chính phủ đã ban hành Chiến lược quốc gia về biến đổi khí hậu giai đoạn đến năm 2050 của Việt Nam và Chiến lược quốc gia về tăng trưởng xanh, trong đó xác định cụ thê các biện pháp giảm phát thải khí nhà kính mạnh mẽ với mục tiêu và lộ trình để đạt phát thải ròng về “0” vào năm 2050.

Theo Thứ trưởng Bộ Xây dựng, “đây đều là những mục tiêu rất tham vọng nhưng cũng đầy thách thức, đòi hỏi nguồn lực về tài chính và công nghệ vô cùng lớn”.

Theo đó, để giải quyết các vấn đề nêu trên trước mắt và lâu dài, Thứ trưởng Nguyễn Tường Văn cho rằng, cơ quan quản lý Nhà nước Trung ương và địa phương cần tiếp tục đẩy mạnh kiến tạo thể chế, chính sách cho tăng trưởng xanh đến năm 2030 định hướng đến năm 2050 ở Việt Nam; tăng cường đổi mới mô hình tăng trưởng kinh tế theo chiều sâu dựa trên khoa học công nghệ và đổi mới, sáng tạo.

“Đồng thời, xây dựng chính sách, công cụ về huy động nguồn vốn cho phát triển nhanh và bền vững; hoàn thiện khung khổ pháp lý cho trái phiếu xanh và bảo hiểm xanh, tín dụng xanh và cuối cùng là nâng cao khả năng tiếp cận tài chính xanh”, Thứ trưởng nhấn mạnh.

Phát biểu tại Diễn đàn, ông Vương Quốc Tuấn, Phó Chủ tịch Thường trực UBND tỉnh Bắc Ninh cho biết, từ rất sớm (năm 2007), tỉnh Bắc Ninh đã định hướng cùng với tăng trưởng kinh tế là quan tâm đến bảo vệ môi trường, quan tâm đến văn hóa xã hội hướng đến mục tiêu phát triển bền vững.

“Quá trình thực hiện, tỉnh Bắc Ninh đã đạt được một số kết quả nhất định. Theo công bố đánh giá chỉ số xanh cấp tỉnh (PGI) do Liên đoàn Thương mại và Công nghiệp Việt Nam và Cơ quan Phát triển Quốc tế Hoa Kỳ công bố vào tháng 4/2023, Bắc Ninh đứng thứ 3 cả nước”, ông Vương Quốc Tuấn thông tin.

Tuy nhiên, lãnh đạo địa phương này cũng thẳng thắn nhìn nhận, vấn đề phát triển kinh tế xanh, tăng trưởng xanh nói chung và vấn đề chuyển đổi năng lượng xanh, kinh tế xanh trong ngành công nghiệp trên địa bàn tỉnh vẫn còn những tồn tại, hạn chế. Cụ thể như: vẫn còn tình trạng ô nhiễm công nghiệp làng nghề, chuyển đổi công nghệ cao, công nghệ sạch của doanh nghiệp vẫn còn hạn chế…

Dưới góc độ DN, Th.S. Kiều Văn Mát, Chủ tịch HĐQT CTCP Sông Đà Cao Cường (DN trong lĩnh vực nghiên cứu thiết kế, chế tạo, lắp đặt, các dây chuyền công nghệ xử lý chất thải rắn của các nhà máy nhiệt điện chạy than, phân bón hóa chất; các dây chuyền sản xuất vật liệu xây dựng mới) cho biết, sự chuyển đổi sang nền kinh tế tuần hoàn với mục tiêu sử dụng năng lượng bền vững sẽ làm giảm quá trình biến đổi khí hậu, tạo ra các cơ hội kinh tế, đặc biệt đối với DN và khoa học trong lĩnh vực nghiên cứu đổi mới, thiết kế, tái chế và sáng tạo.

Đại diện DN này đề xuất Chính phủ tiếp tục ban hành các cơ chế chính sách nhằm thúc đẩy sản xuất và ứng dụng vật liệu xây dựng xanh; tạo cơ chế phù hợp để vật liệu xây dựng xanh dễ dàng đến với người tiêu dùng, các chủ đầu tư, nhà thầu, các dự án.

Đồng thời, đẩy mạnh công tác truyền thông, đào tạo nhằm nâng cao nhận thức của cộng đồng về vật liệu xây dựng xanh và lợi ích mà chúng mang đến cho chủ đầu tư, người sử dụng nói riêng và toàn xã hội nói chung, để thay đổi thói quen trong việc sử dụng vật liệu xây dựng.

Cùng với đó, các cơ quan chức năng cần ban hành đầy đủ các tiêu chuẩn, quy chuẩn kỹ thuật sản phẩm, hướng dẫn sử dụng và định mức kinh tế kỹ thuật liên quan đến việc sử dụng vật liệu xây dựng xanh; sớm hoàn thiện các quy trình đánh giá, các tài liệu, công cụ hướng dẫn để DN tiếp cận được với tín chỉ cacbon và các lợi ích mà kinh tế tuần hoàn mang lại.

“Cùng với đó, cần hỗ trợ DN tiếp cận tới các nguồn vốn tín dụng xanh, nguồn vốn ưu đãi trong nước và quốc tế”, đại diện CTCP Sông Đà Cao Cường kiến nghị.

Xem thêm tại haiquanonline.com.vn