Chuyển động ‘của để dành’ tại doanh nghiệp địa ốc

Chuyển động ‘của để dành’ tại doanh nghiệp địa ốc- Ảnh 1.

Giao dịch trên thị trường bất động sản phục hồi mạnh. Ảnh: PV

Theo số liệu của các tổ chức phân tích, thị trường bất động sản trong nửa đầu năm đã có sự phục hồi. Như Hội Môi giới Bất động sản Việt Nam (VARS) cho biết quý II ghi nhận khoảng 14.400 giao dịch thành công. Tính chung 6 tháng, thị trường có 20.600 giao dịch, gấp 3 lần cùng kỳ năm trước.

Tương tự, CBRE cũng thông tin thị trường chung cư Hà Nội có 10.200 căn hộ mới được bán trong quý II, lũy kế 6 tháng có 12.200 căn, vượt cả năm 2023. Giao dịch chung cư tại TP.HCM cũng tăng gấp đôi trong quý II so với quý đầu năm, dự liệu Savills cho hay.

Ông Lưu Quang Tiến – Phó Viện trưởng Viện nghiên cứu Kinh tế - Tài chính – Bất động sản Đất Xanh Services (mã: DXS) chia sẻ nửa đầu năm có gần 20.700 sản phẩm được tung ra thị trường, khu vực phía Bắc chiếm hơn một nửa với 10.800 sản phẩm. Tỷ lệ hấp thụ chung toàn thị trường trong 6 tháng tăng gần 2,5 lần so với cùng kỳ năm 2023, ghi nhận cải thiện qua từng quý, đặc biệt là sau các tháng Tết Nguyên Đán. Đồng thời, tỷ lệ khách hàng đăng ký tham quan dự án, xem nhà mẫu tăng 5 – 10 lần so với cùng kỳ.

Nhiều doanh nghiệp mở bán dự án và ghi nhận kết quả khả quan. Vào tháng 3, Vinhomes đã mở bán dự án Royal Island (Hải Phòng). Chứng khoán Vietcap cho biết tính đến cuối quý II khoảng 2.800 căn đã được bán lẻ cho khách hàng cá nhân, tương đương 90% tổng số căn được mở bán. Giá trị hợp đồng bán hàng đạt 51.700 tỷ đồng trong nửa đầu năm, tăng 27% so với cùng kỳ năm trước. Doanh số bán hàng chưa ghi nhận đạt 118.700 tỷ đồng tính đến cuối quý II. Ban lãnh đạo Vinhomes kỳ vọng 55% doanh số bán hàng chưa ghi nhận sẽ được ghi nhận trong nửa cuối năm.

Mặt khác, trong nửa đầu năm, việc bàn giao một số dự án đã giúp công ty đạt doanh thu 36.429 tỷ đồng. Qua đó, tại cuối kỳ, “của để dành” – người mua trả tiền trước của Vinhomes tăng 6.578 tỷ đồng so với đầu năm lên 41.715 tỷ đồng.

Đầu tư Nam Long (mã: NLG) báo cáo khoản người mua trả tiền trước tăng thêm hơn 700 tỷ đồng so với đầu năm lên 4.519 tỷ đồng vào 30/6. Năm nay, doanh nghiệp đặt mục tiêu tham vọng với doanh số bán hàng hơn 9.500 tỷ đồng, tăng 148% so với cùng kỳ năm trước đến từ dự án Akari City, Mizuki Park, Southgate và dự án Nam Long 2 – Cần Thơ.

Nhà Khang Điền (mã: KDH), Hải Phát Invest (mã: HPX), Novaland (mã: NVL) cũng tăng hơn 500 tỷ đồng người mua trả tiền trước trong nửa đầu năm. 

Chuyển động ‘của để dành’ tại doanh nghiệp địa ốc- Ảnh 2.

Ở chiều ngược lại, Công ty cổ phần Đầu tư và Phát triển Bất động sản An Gia (mã: AGG) giảm mạnh “của để dành” từ 1.899 tỷ đồng xuống 1.133 tỷ đồng. Nguyên nhân là do doanh nghiệp đã tiến hành bàn giao phần lớn sản phẩm từ dự án Westgate (Bình Chánh) ngay trong quý I để ghi nhận doanh thu và lợi nhuận đột biến.

Trong khi đó, dự án trọng điểm The Gió đang trong quá trình triển khai. Vào 26/6 vừa qua, An Gia cùng tổng thầu Ricons đã tổ chức lễ khởi công dự án The Gió Riverside, là khu phức hợp ve sông Đông Sài Gòn quy mô khoảng 3.000 căn hộ. Ban lãnh đạo công ty kỳ vọng có thể ra mắt và mở bán dự án vào quý IV năm nay.

Văn Phú – Invest (mã: VPI) cũng giảm 790 tỷ đồng khoản người mua trả tiền trước xuống 239 tỷ đồng vào cuối quý II. Nguyên nhân là do trong kỳ công ty đã bán Công ty Hùng Sơn – chủ đầu tư dự án Vlasta Sầm Sơn làm giảm khoản tạm ứng mua phần vốn góp công ty con từ 700 tỷ về 0, giá trị khách hàng tạm ứng trước tại dự án The Terra - Bắc Giang cũng giảm từ 264 tỷ đồng về 236 tỷ đồng.

Doanh nghiệp cho biết trong nửa đầu năm đã ghi nhận doanh thu khi bàn giao dự án The Terra Bắc Giang, dự án The Terra An Hưng và dự án khu căn hộ dịch vụ khách sạn Hồ Tây. Công ty dự kiến có sự cải thiện về dòng tiền trong thời gian tới nhờ doanh thu gối đầu tư các dự án đang triển khai như Vlasta Thủy Nguyên – Hải Phòng, The Terra – Bắc Giang. Theo kế hoạch, công ty sẽ bắt đầu thực hiện bàn giao các căn hộ thấp tầng tại dự án The Terra – Bắc Giang và tập trung nguồn lực để triển khai dự án Vlasta Thuỷ Nguyên – Hải Phòng.

Với các doanh nghiệp địa ốc, người mua trả tiền trước là các khoản ứng trước từ khách hàng có nhu cầu bất động sản nhưng chưa nhận bàn giao tại ngày kết thúc kỳ kế toán. Đây có thể được xem như của để dành, doanh nghiệp có thể ghi nhận doanh thu, lợi nhuận ngay khi hoàn thành bàn giao bất động sản.


Xem thêm tại cafef.vn